Đà Nẵng: Không có tàu cá đánh bắt trái phép ở vùng biển nước ngoài

Lan Anh| 15/02/2020 21:01

(TN&MT) - Đà Nẵng là một trong 5 trung tâm nghề cá lớn nhất cả nước, thành phố cần tiên phong, đi đầu trong việc thực hiện Luật Thủy sản, phát triển nghề cá bền vững và sớm khắc phục các khuyến nghị của EC.

Ngày 15/2, Đoàn công tác của Bộ NN&PTNT do Thứ trưởng Phùng Đức Tiến, Phó Trưởng Ban chỉ đạo Quốc gia IUU dẫn đầu đã đi kiểm tra công tác triển khai thực hiện quy định về hoạt động khai thác đánh bắt hải sản theo khuyến nghị của Ủy ban châu Âu (EC) tại TP. Đà Nẵng.  

Tại Cảng cá Thọ Quang (quận Sơn Trà, thành phố Đà Nẵng), đoàn công tác đã kiểm tra tình hình tàu thuyền thực tế đang neo đậu và hồ sơ, sổ sách của Văn phòng đại diện Kiểm soát nghề cá, Ban quản lý Âu thuyền và Cảng cá Thọ Quang. 

Đoàn công tác của Bộ NN&PTNT kiểm tra tình hình thực tế tại Âu thuyền và Cảng cá Thọ Quang

Đoàn công tác của Bộ NN&PTNT cho rằng: Đà Nẵng làm tốt trong việc hỗ trợ ngư dân, đặc biệt là lực lượng biên phòng đã ký cam kết với ngư dân về việc đảm bảo thông tin trên biển nhằm giảm thiểu tàu cá và ngư dân khai thác trái phép vùng biển nước ngoài; việc vi phạm vùng biển đã không còn; tuy nhiên, liên quan đến nhật ký khai thác, Ban quản lý cảng cá có còn có nhiều sai sót, thể hiện: hồ sơ thiếu chữ ký, ngư dân chưa ký mà vẫn cho cập cảng; nhật ký khai thác có chữ ký giống nhau; vai trò của quản lý nhà nước của cảng cá còn mờ nhạt…

Đoàn công tác đề nghị UBND Thành phố chỉ đạo rà soát lại hồ sơ; lập nhiều đội kiểm tra chéo nhau để phát hiện sai sót, nếu không, khi đoàn Uỷ ban châu Âu vào kiểm tra sẽ bị đánh lỗi không trung thực; thành phố cũng nên cử nhân lực làm công tác tại cảng cá đi tập huấn, đào tạo để đảm bảo công việc được thực hiện chính xác, đầy đủ, rõ ràng.

Ông Phùng Đức Tiến, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT đánh giá, qua kiểm tra ở 3 địa phương (Quảng Ngãi, Quảng Nam, Đà Nẵng) thì phải nói là việc thực thi IUU đã có bước chuyển biến. Tuy nhiên so với yêu cầu, 4 khuyến nghị của Ủy ban châu Âu thì thực hiện chưa tốt. Thứ nhất là vẫn có tàu vi phạm, thứ 2 là quản lý tàu trên biển chưa chặt chẽ, thứ 3 là truy xuất nguồn gốc chưa đồng bộ, thứ 4 là thực thi pháp luật, xử lý chưa triệt để. Để đáp ứng yêu cầu của thanh tra châu Âu thì tất cả các tỉnh phải quyết liệt từ lãnh đạo tỉnh đến các bộ phận chuyên ngành.

Đoàn công tác đề nghị Đà Nẵng tiên phong khắc phục theo khuyến nghị của EC

Theo Thứ trưởng, muốn có một ngành thuỷ sản phát biển bền vững, có bảo tồn, có khai thác hợp lý thì mình phải hội nhập quốc tế, muốn xuất khẩu vào thị trường lớn phải tuân thủ quy định, không chỉ riêng thị trường châu Âu mà thị trường Nhật, Mỹ cũng sẽ thế, phải kiểm soát tốt việc truy xuất nguồn gốc.Việc truy xuất nguồn gốc tưởng dễ nhưng rất phức tạp, nếu không làm nghiêm thì sẽ trở thành một thói quen xấu.…

“Tất cả các địa phương trong cả nước phải cùng chung tay, không được làm hình thức, đối phó mà cần có trách nhiệm và cùng chịu trách nhiệm với tinh thần cầu thị, minh bạch. Nếu địa phương nào chưa làm được phải xem lại, sữa chữa để hoàn thiện.’- Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nhấn mạnh.

Báo cáo của sở NN&PTNT TP. Đà Nẵng cho biết: Tổng số tàu cá trên địa bàn hiện nay là 1.230 chiếc với tổng công suất là 40.781CV. Công suất bình quân 326,65/tàu. Cơ cấu nghề cá tại thành phố có sự chuyển biến tích cực theo hướng giảm số lượng tàu khai thác vùng ven bờ và vùng lộng, tăng số lượng tàu khai thác ở vùng khơi.

Thời gian qua địa phương cũng đã nỗ lực triển khai các quy định về hoạt động khai thác đánh bắt hải sản. Văn phòng đại diện kiểm soát nghề cá đã bố trí người trực 24/24 các ngày để hướng dẫn, hỗ trợ ngư dân, thường xuyên tổ chức tuyên truyền, phổ biến các giải pháp chống khai thác bất hợp pháp, không theo quy định.

Thực hiện các khuyến nghị của EC là cơ hội để ngành thủy sản Việt Nam phát triển bền vững

Kết quả, đối với tàu cá có chiều dài lớn nhất 24m trở lên, đến này có 16/17 tàu đã lắp thiết bị giám sát hành trình movimar; đối với tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 15m đến dưới 24m làm nghề câu cá ngừ đại dương, lưới kéo, đến nay có 03/03 tàu lắp thiết bị giám sát hành trình; chưa có tàu cá nào vi phạm khai thác ở vùng biển nước ngoài.

Về xử lý đối với hành vi vi phạm khai thác IUU, từ năm 2017 đến nay, ngành chức năng thực hiện 44 cuộc thanh tra, kiểm tra với tổng số hơn 8.300 lượt tàu cá, xử phạt hành chính 214 triệu đồng.

Ông Hồ Kỳ Minh, Phó Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng cho biết: Từ năm 2017 đến nay, chưa có tàu cá nào của Đà Nẵng đánh bắt trái phép ở vùng biển nước ngoài; thành phố cũng đã có nhiều chính sách hỗ trợ khai thác hải sản, tất cả tàu cá khai thác vùng biển khơi đều lắp thiết bị hành trình đều được hỗ trợ 100% thiết bị của năm đầu thuê bao. Bảo hiểm thân tàu hiện nay địa phương cũng đã triển khai với mức 50% là của Trung ương, 40% là của thành phố, còn 10% là trách nhiệm của chủ tàu.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đà Nẵng: Không có tàu cá đánh bắt trái phép ở vùng biển nước ngoài
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO