Về phía Bộ TN&MT có ông Đào Trung Chính- Cục trưởng Cục Quy hoạch và phát triển tài nguyên đất tham dự Hội thảo. Về phía TP. Đà Nẵng còn có: ông Lê Trung Chinh - Chủ tịch UBND thành phố; ông Ngô Xuân Thắng - Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố.
Hội thảo còn có sự tham dự của hơn 250 đại biểu các cơ quan, ban, ngành thành phố, UBND các quận, huyện, phường xã, các viện, trường đại học, đại diện các đơn vị nghiên cứu, các chuyên gia, các nhà khoa học và doanh nghiệp.
Phát biểu khai mạc hội thảo Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy, Trưởng Đoàn Đại biểu quốc hội thành phố Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng nhấn mạnh, dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) là đạo luật rất quan trọng, tác động trực tiếp đến mọi mặt đời sống chính trị, kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh và đặc biệt ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của người dân.
Mục đích của việc tổ chức lấy ý kiến Nhân dân nhằm phát huy quyền làm chủ, huy động trí tuệ, tâm huyết, thể hiện ý chí, nguyện vọng của Nhân dân để hoàn thiện dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng, bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất, khả thi của hệ thống pháp luật, đáp ứng được yêu cầu phát triển đất nước trong giai đoạn mới; tạo được sự thống nhất và đồng thuận của nhân dân.
Đến nay, việc triển khai lấy ý kiến cơ bản bảo đảm tiến độ từ cấp xã, phường đến cấp quận/huyện, các sở, ban, ngành, mặt trận và đoàn thể các cấp.
Việc tổ chức buổi hội thảo cấp thành phố hôm nay là một trong những nội dung có ý nghĩa quan trọng nhằm mục đích để trao đổi, lắng nghe các ý kiến tham gia góp ý của các chuyên gia, nhà khoa học, cũng như tổng hợp kết quả lấy ý kiến nhân dân từ cơ sở về dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).
Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Quảng cho rằng, thông qua 4 chuyên đề tại các 4 phiên thảo luận của hội thảo (gồm: về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất và giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất; thu hồi đất, bồi thường hỗ trợ, tái định cư và phát triển quỹ đất; đăng ký đất đai, cấp giấy chứng nhận và các thủ tục hành chính và dữ liệu, thông tin đất đai; cơ chế, chính sách tài chính và giá đất và phân cấp, giám sát, kiểm soát quyền lực), các chuyên gia, nhà khoa học, các đại biểu tham dự buổi hội thảo cần tập trung, phát huy trí tuệ, tích cực tham gia thảo luận, đóng góp ý kiến vào các chuyên đề nhằm góp phần hoàn thiện dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) với mục tiêu phát huy nguồn lực đất đai, khắc phục được những hạn chế bất cập đã được xác định trong quá trình tổng kết thi hành Luật Đất đai năm 2013.
“Việc điều hành, thảo luận các chuyên đề trên tinh thần tham vấn một cách rộng rãi, đầy đủ, chính xác, khách quan, trung thực và sát với tình hình thực tiễn. Đây là hội thảo, nên tôi đề nghị các đại biểu thẳng thắn đưa ra ý kiến, trao đổi”, Bí thư Thành ủy nhấn mạnh.
Ban Cán sự Đảng UBND thành phố chỉ đạo các sở, ban, ngành và địa phương phát huy vai trò, trách nhiệm, năng lực và kinh nghiệm trong thực tiễn tham gia góp ý các điểm mới trong dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) nhằm giải quyết các vấn đề bất cập tồn tại trong quá trình quản lý và sử dụng đất đai như: giao đất, cho thuê đất; bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, thu hồi đất; xác định giá đất…và nhất là các vướng mắc, khó khăn trong quá trình thực hiện các kết luận của Thanh tra Chính phủ, kết luận của Kiểm toán Nhà nước và nội dung của các bản án của tòa án nhằm khơi thông nguồn lực về đất đai, nguồn lực của xã hội để thúc đẩy sự phát triển của thành phố.
“Một trong những vấn đề rất lớn của thành phố hiện này là giải quyết những câu chuyện cũ. Ở đây, chúng ta đang tổng kết thực tiễn Luật Đất đai năm 2013, nhưng về bản chất là chúng ta đang phải giải quyết những tồn tại của Luật Đất đai năm 2003.
Chẳng hạn, từ năm 2003-2010, thành phố xác định có hơn 1.300 dự án đang gặp vướng mắc mà thành phố đã đề nghị Chính phủ xem xét giải quyết. Do vậy, trong quá trình thảo luận, các đại biểu phản ánh trung thực nhất thực tế khách quan vì bản chất là xây dựng các quy định của pháp luật mới nhằm giải quyết những tồn đại, vướng mắc từ thực tế.
Trong quá trình xây dựng, tổng kết, chúng ta rút ra được những vấn đề mà thực tế đang vướng mắc. Hi vọng rằng, có cơ chế để giải quyết những vấn đề đó bởi những vấn đề này luôn tồn tại như vậy mà chúng ta lại có những quy định mới nhưng không giải quyết những vấn đề cũ, thì chúng chưa giải quyết được triệt để những yêu cầu khách quan đang đặt ra.
Vì vậy, những đại biểu tham dự hội thảo, nhất là những người làm trực tiếp đang phải giải quyết những vấn đề khó khăn, vướng mắc thì cần nêu các vấn đề, thực trạng để các chuyên gia, nhà khoa học, các cơ quan của Bộ Tài nguyên và Môi trường nắm được, xem xét tham mưu xây dựng, hoàn thiện dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi)”, Bí thư Thành ủy đề nghị.
Ban Cán sự Đảng UBND thành phố chỉ đạo tổng hợp các kết quả lấy ý kiến của nhân dân về dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) trên địa bàn thành phố và kết quả của hội thảo nhằm xây dựng báo cáo bảo đảm chất lượng, khách quan để gửi về Bộ Tài nguyên và Môi trường trước ngày 15/3/2023.
Tại phiên khai mạc hội thảo, Cục trưởng Cục Quy hoạch và phát triển tài nguyên đất (Bộ Tài nguyên và Môi trường) Đào Trung Chính đã đề cập các quan điểm tiếp cận trọng việc sửa đổi Luật Đất đai và các nội dung trọng tâm của dự Luật đất đai (sửa đổi).
Theo ông Đào Trung Chính, trong quan điểm sửa đổi Luật Đất đai phải tháo gỡ được những tồn tại, vướng mắc tại các địa phương phù hợp với tiến trình phát triển của kinh tế và khơi thông nguồn lực đất đai. Chúng tôi cũng khuyến nghị các địa phương trong quá trình nghiên cứu, góp ý và xây dựng dự thảo Luật những vướng mắc của địa phương phải được tổng hợp, phản ánh và đưa ra được giải pháp để Bộ TN&MT tiếp thu hoàn thành Luật Đất đai sửa đổi một cách thiết thực, hiệu quả nhất.
Sau phiên khai mạc, các đại biểu tham gia thảo luận tại 4 phiên thảo luận chuyên đề về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất và giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất; thu hồi đất, bồi thường hỗ trợ, tái định cư và phát triển quỹ đất; đăng ký đất đai, cấp giấy chứng nhận và các thủ tục hành chính và dữ liệu, thông tin đất đai; cơ chế, chính sách tài chính và giá đất và phân cấp, giám sát, kiểm soát quyền lực.