Ngày 10/8 tại TP. Đà Nẵng, Ban Kinh tế Trung ương phối hợp với Thành uỷ Đà Nẵng tổ chức hội thảo “Xây dựng và phát triển Đà Nẵng trong thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá”.
Phát biểu khai mạc hội thảo, ông Trương Quang Nghĩa - Ủy viên BCH TW Đảng, Bí thư Thành uỷ Đà Nẵng cho biết, năm 1997 Đà Nẵng trở thành đơn vị hành chính trực thuộc Trung ương trong điều kiện vô vàn khó khăn của những ngày đầu chia tách, nhưng với ý thức trách nhiệm cao của mình trước trọng trách Trung ương giao, đặc biệt là chăm lo cuộc sống của nhân dân, Đảng bộ và chính quyền Đà Nẵng đã dốc toàn lực toàn tâm đi vào một giai đoạn phát triển mới. Năm 2013 bằng nỗ lực của mình, TP. Đà Nẵng đã vươn lên thành đô thị loại 1 cấp quốc gia.
Nghị quyết 33 của Bộ Chính trị là một quyết sách quan trọng là động lực để Đà Nẵng bứt phá, phát huy lợi thế, phát triển vươn lên trở thành đô thị trung tâm của khu vực miền Trung - Tây Nguyên.
Sau 15 năm phát triển, và triển khai Nghị quyết 33 của Bộ Chính trị, và với những cách làm mới, sáng tạo đã đưa Đà Nẵng không ngừng bứt phá, đạt được nhưng thành tựu to lớn trên tất cả các lĩnh vực, diện mạo đô thị đã có những thay đổi ấn tượng, trở thành thành phố trẻ trung, năng động, sáng tạo bậc nhất cả nước.
Tuy nhiên, sau khoảng thời gian phát triển khá nhanh, bên cạnh những thuận lợi cơ bản và những kết quả đạt được, Thành phố Đà Nẵng cũng bộc lộ nhiều bất cập và đối mặt với không ít khó khăn, thách thức do xuất phát điểm thấp, quy mô nền kinh tế còn nhỏ, thiên tai diễn biến phức tạp, đặc biệt những năm gần đây, tăng trưởng kinh tế có năm chưa đạt; dư địa, nguồn lực phát triển cạn dần, nhiều vấn đề phức tạp phát sinh tại một đô thị lớn đang phát triển đã trở thành điểm nghẽn ảnh hưởng không nhỏ tới việc thực hiện đầy đủ các mục tiêu mà Nghị quyết 33 của Bộ chính trị đã đề ra cho Thành phố. Trong đó, vai trò đầu tàu của Đà Nẵng trong khu vực miền Trung – Tây nguyên vẫn chưa thực sự rõ nét.
Đặc biệt, một số công trình, dự án trọng điểm đã được đề ra trong Nghị quyết chậm được triển khai hoặc đã triển khai nhưng tiến độ còn chậm Dự án Cảng Liên Chiểu, Làng Đại học Đà Nẵng, di dời ga đường sắt, Bệnh viện phụ Sản Nhi (giai đoạn 2), khơi thông sông Cổ Cò, nâng cấp và mở rộng cảng cá Thọ Quang, mở rộng quốc lộ 14B, 14G và tuyến hành lang kinh tế Đông Tây 2 (EWEC2), chậm điều chỉnh quy hoạch, sử dụng khu vực sân bay Nước Mặn cho phát triển du lịch.
Mục tiêu đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045, Đà Nẵng hướng đến phát triển thịnh vượng, thông minh, sáng tạo, bền vững và có bản sắc; có tốc độ phát triển kinh tế cao, cơ cấu kinh tế hiện đại, đời sống văn hóa phong phú; có trình độ phát triển cao và khả năng cạnh tranh toàn cầu.
Phát triển kinh tế Đà Nẵng dựa trên 3 trụ cột chính: Dịch vụ, công nghiệp công nghệ cao và kinh tế biển. Trong đó, về công nghiệp, phát triển mạnh công nghiệp công nghệ cao và công nghệ thông tin, phát triển công nghiệp phụ trợ, các sản phẩm chủ lực, có lợi thế cạnh tranh và tạo ra giá trị gia tăng cao. Phát triển các loại hình kinh tế biển, định hướng phát triển cảng biển theo hướng liên hoàn, phù hợp với tiềm năng sẵn có của Đà Nẵng. Tập trung đầu tư nâng cấp hệ thống cảng biển, phát triển cảng Đà Nẵng trở thành cảng tổng hợp quốc gia, đầu mối khu vực. Hình thành các trung tâm logistics cảng Liên Chiểu, Hòa Nhơn, Khu công nghệ cao.
Bên cạnh đó, hoàn thiện quy hoạch hệ thống hạ tầng đô thị thành phố đồng bộ, hiện đại, có tính đến hệ thống không gian ngầm; đẩy mạnh liên kết vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, phát huy vai trò thành phố động lực, có tính lan tỏa, dẫn dắt vùng; củng cố an ninh quốc phòng; quan tâm xây dựng chỉnh đốn Đảng…..
Phát biểu tại Hội thảo, Trưởng ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình đánh giá hướng phát triển của TP. Đà Nẵng là đúng đắn, phù hợp với chủ trương phát triển bền vững mà Chính phủ hướng đến và là xu thế bao trùm của thế giới.
Với định hướng phát triển Đà Nẵng trở thành một thành phố đáng sống, Trưởng ban KT TW Nguyễn Văn Bình đề nghị thành phố Đà Nẵng cần phải chủ động đề xuất các cơ chế, chính sách, phát huy năng lực sáng tạo trong đó xác định cơ chế chính sách là nền tảng, nguồn lực xã hội là động lực chủ yếu và nguồn lực ngân sách chỉ mang tính chất dẫn dắt.
Cũng theo ông Bình, hội thảo lần này có ý nghĩa hết sức quan trọng. Do đó, ông đề nghị các đại biểu tập trung thảo luận những vấn đề có tác động, ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển kinh tế - xã hội của TP. Đà Nẵng trong thời gian tới.
Trên cơ sở đó, Trưởng ban Kinh tế Trung ương gợi ý một số nội dung thảo luận như sau: TP. Đà Nẵng phải chỉ ra được tiềm năng, lợi thế so sánh của mình đặt trong so sánh với cả nước, với khu vực và cả thế giới. Bên cạnh đó, phải định hướng được Đà Nẵng sẽ trở thành thành phố như thế nào?. Phát triển kinh tế nào, làm thế nào để đúng như thế.
Ông Nguyễn Văn Bình khuyến nghị TP. Đà Nẵng có thể đi chậm mà chắc, còn hơn đi nhanh để phải khắc phục hậu quả về sau.
“Nếu phát triển không đúng, chạy theo tăng trưởng thì 5, 10 năm sau lại phải chạy theo khắc phục sai lầm, mất thời gian, mất nguồn lực, mất cả dư địa. Thà đi chậm 1 chút mà chắc. Không nóng vội, làm chắc, làm bài bản, mỗi một thế hệ đặt viên gạch để thế hệ đi sau xây lên. Chứ thế hệ đi trước cản bước thế hệ đi sau là rất nguy hiểm”- Trưởng ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình nói.