(TN&MT) - Ngày 10/5, TP. Đà Nẵng tổ chức hội nghị tổng kết công tác bảo vệ và phát triển rừng - công tác phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2017, triển khai nhiệm vụ năm 2018.
Không xảy ra cháy rừng trong năm 2017
TP. Đà Nẵng có diện tích rừng tự nhiên gần 130 ngàn ha bao gồm 30.500 ha thuộc quần đảo Hoàng Sa. Tổng diện tích rừng và đất quy hoạch phát triển rừng hơn 66 ngàn ha với độ che phủ rừng 45,5%. So với năm 2016, năm 2017 rừng tự nhiên giảm 15,62ha, rừng trồng có trữ lượng tăng hơn 2,5 ngàn ha, rừng trồng chưa thành rừng giảm hơn 2,4 ngàn ha và đất trống quy hoạch phát triển rừng giảm 83,31ha.
Trong năm 2017, trên toàn địa bàn TP. Đà Nẵng không xảy ra vụ cháy rừng nào, đó là tín hiệu tốt trong công tác bảo vệ, phòng cháy chữa cháy rừng. Ban Chỉ đạo (BCĐ) thực hiện kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng cũng đã bàn giao cơ sở dữ liệu kiểm kê rừng và đất quy hoạch phát triển rừng cho UBND các quận, huyện, phường xã có rừng, các chủ rừng nhóm 2, các hạt kiểm lâm và các Sở, ngành liên quan để quản lý, khai thác sử dụng; Đồng bộ hóa cơ sở dữ liệu quốc gia về quản lý rừng và đất quy hoạch phát triển rừng; Củng cố, sắp xếp tổ chức và hoạt động của lực lượng Kiểm lâm thành phố đảm bảo nâng cao năng lực thực hiện nhiệm vụ bảo vệ và phát triển rừng; Thành lập lực lượng bảo vệ rừng chuyên trách của 12 UBND xã, phường có rừng và đất quy hoạch phát triển rừng và của 07 chủ rừng là doanh nghiệp...
Đối với công tác bảo vệ rừng, lực lượng Kiểm lâm thành phố đã được tổ chức các lớp tập huấn tại chỗ về quản lý bảo vệ rừng, theo dõi diễn biến rừng, nhận dạng các loài và mẫu động vật hoang dã, xử lý vi phạm về bảo vệ động vật hoang dã... Trong năm 2017 các lực lượng Kiểm lâm, Công an, Quân đội, Biên phòng và Chính quyền địa phương đã phối hợp thực hiện 519 đợt tuần tra, kiểm soát và truy quét tại rừng, qua đó các Hạt Kiểm lâm đã kiểm tra, lập hồ sơ 03 vụ vi phạm phá rừng có dấu hiệu của tội phạm “Tội hủy hoại rừng”.
Lực lượng kiểm lâm TP. Đà Nẵng cũng đã tăng cường công tác bảo tồn thiên nhiên và động vật hoang dã. Công tác quản lý và bảo vệ động vật hoang dã đã được Chi cục Kiểm lâm phối hợp với Phòng Cảnh sát PCTP về Môi trường thực hiện đồng bộ các hoạt động quản lý trại nuôi động vật hoang dã, xử lý vi phạm pháp luật về bảo vệ động vật hoang dã.
Nhìn chung trong năm 2017, công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng thành phố Đà Nẵng đạt được hiệu quả cao, tuy nhiên vẫn còn một số hạn chế như: công tác quy hoạch 3 loại rừng và quy hoạch bảo vệ phát triển rừng của thành phố chưa được rà soát, điều chỉnh kịp thời theo yêu cầu của Bộ NN&PTNT; tổ chức và hoạt động của lực lượng bảo vệ rừng chuyên trách của chủ rừng là UBND cấp xã, phường nơi có rừng đang có bất cập do chưa được quy định cụ thể; đầu tư phát triển rừng sản xuất đơn điệu, thiếu thâm canh, rừng trồng thường xuyên bị thiệt hại do cháy, bão lụt...; ý thức chấp hành bảo vệ và phát triển rừng của người dân vùng sâu vùng xa còn thấp; công tác trồng rừng thay thế chậm thời vụ do thực hiện tổ chức đấu thầu rộng rãi theo quy định mất nhiều thời gian.
Kết luận hội nghị, Phó Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng Hồ Kỳ Minh yêu cầu Ban chỉ đạo các cấp tham mưu UBND thành phố lập BCĐ thực hiện Chương trình mục tiêu phát triển lâm nghiệp bền vững; UBND các quận, huyện có rừng hoàn thành tổng kết công tác quản lý bảo vệ rừng và phòng cháy chữa cháy rừng năm 2017, triển khai đồng thời nhiệm vụ năm 2018 tại địa phương trước tháng 5/2018, tăng cường các biện pháp bảo vệ rừng tận gốc, ngăn chặn triệt để tình trạng khai thác gỗ trái phép, bẫy bắt động vật rừng trái phép...
Sở NN&PTNT thực hiện tốt kế hoạch thay thế và thu – chi tiền dịch vụ môi trường rừng trong năm 2018 đúng quy định; chỉ đạo Chi cục Kiểm lâm tăng cường các biện pháp kiểm tra, truy quét chống chặt phá rừng, khai thác, vận chuyển, buôn bán trái phép gỗ và động vật hoang dã...
Sở TN&MT phối hợp với Sở NN&PTNT rà soát Quy hoạch 3 loại rừng đồng bộ với quy hoạch sử dụng đất của thành phố sau khi có kết luận chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ; hoàn thiện thủ tục pháp lý về giao, cho thuê đất gắn với giao, cho thuê rừng đối với các tổ chức, cá nhân, hộ gia đình.
Công tác phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn (PCTT&TKCN) đạt kết quả cao
Trong năm 2017, TP. Đà Nẵng hứng chịu nhiều cơn bão, lũ trong đó có bão số 10 là cơn bão lớn nhất trong năm, tuy nhiên người dân cũng đã được thông báo kịp thời, các lực lượng sẵn sàng phương án ứng cứu nên giảm được một phần thiệt hại về người và của. Bão số 10 không có thiệt hại về người, 04 tàu thuyền bị chìm, ước thiệt hại khoảng 310 triệu đồng. Bão số 12 và mưa lũ từ ngày 3-8/11 làm 12 người bị thương, sập, hư hỏng 02 nhà, ngập 12.633 nhà, 3 tàu và 2 thúng máy bị chìm. Ước tính thiệt hại khoảng 80 tỷ đồng.
Sau cơn bão 12 và mưa lũ ngày 3 - 8/11 đã phát sinh 7.400 tấn rác. Các Sở đã huy động 13 ngàn người tham gia dọn vệ sinh. Công ty Công viên Cây xanh đã huy động toàn bộ lực lượng hơn 600 công nhân và hơn 25 phương tiện xe cơ giới để thực hiện khắc phục khối lượng cây xanh bị ngã đổ. Vì vậy công tác khắc phục hậu quả thiên tai nhanh chóng hoàn thành.
Trong năm, trên biển xảy ra 10 vụ tàu thuyền bị hỏng máy và thuyền viên bị tai nạn. BCH PCTT&TKCN thành phố phối hợp với BCH Bộ đội Biên phòng, Trung tâm Phối hợp TKCN Hàng hải khu vực 2, Đài Thông tin Duyên hải Đà Nẵng và các đơn vị liên quan tổ chức cứu hộ, cứu nạn kịp thời và đạt hiệu quả cao các trường hợp tàu thuyền và thuyền viên bị tai nạn trên biển. Đồng thời, tổ chức 7.280 phiên liên lạc thông báo hướng dẫn 34.284 lượt phương tiện biết về ATNĐ, bão và hướng dẫn xử lý các tình huống xảy ra trên biển.
Có thể nhận thấy, công tác phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn của TP. Đà Nẵng trong năm 2017 có những tiến bộ nhất định. Thiệt hại về vật chất là tương đối lớn nhưng các địa phương đã nhanh chóng khắc phục, tái thiết sớm ổn định đời sống và sản xuất; trong và sau thiên tai không để người dân bị đói, khát và bùng phát dịch bệnh. Bước đầu đã ứng dụng công nghệ tiên tiến trong theo dõi, chỉ đạo, vận hành công tác phòng chống thiên tai...
Tuy nhiên vẫn còn một số tồn tại cần được khắc phục như: việc lồng ghép công tác phòng chống thiên tai vào các quy hoạch, kế hoạch, chương trình, dự án phát triển kinh tế xã hội chưa được tốt, một số dự án giao thông khu đô thị, cơ sở hạ tầng cắt ngang tuyết thoát lũ, lấn sông...; việc thực thi các chỉ thị, thông báo, cảnh báo thiên tai của các cộng đồng ngư dân hoạt động trên biển còn hạn chế; kế hoạch, phương án phòng chống thiên tai được xây dựng chưa sát thực tế...
Để khắc phục những tồn tại của năm 2017 và làm tốt công tác PCTT&TKCN năm 2018, Phó Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng, Hồ Kỳ Minh yêu cầu các ngành, sở quận, huyện tổ chức hội nghị ở đơn vị mình để rút kinh nghiệm thực hiện tốt nhiệm vụ trong năm 2018 và các năm tiếp theo, công việc này hoàn thành trước tháng 5/2018; Rà soát, củng cố thành viên BCH PCTT&TKCN, phân công lãnh đạo, chuyên viên trực 24h trong những ngày thiên tai; Tiếp tục rà soát cập nhật, bổ sung phương án phòng chống và khắc phục hậu quả ứng với một số kịch bản thiên tai, hoàn thành trước ngày 15/6/2018.