Danh thắng Ngũ Hành Sơn ở về phía Đông Nam thành phố Đà Nẵng, được xếp hạng Di tích quốc gia năm 1980. Đây là một tuyệt tác về cảnh quan thiên nhiên “sơn kỳ thủy tú” mà tạo hóa đã ban tặng cho Đà Nẵng với hệ thống hang động đá vôi Karst đa dạng về số lượng, phong phú về hình thái cùng với sự tồn tại của hàng chục ngôi chùa, am, tháp, miếu thờ, hàng trăm di vật, cổ vật quý hiếm, đồng thời còn là nơi lưu dấu của nền văn hoá cổ Champa rực rỡ.
Nhận thức được giá trị rất quan trọng của di tích, đồng thời, nhằm để có cơ sở pháp lý vững chắc để quản lý, bảo vệ di tích kết hợp phát triển kinh tế - xã hội một cách bền vững ở địa phương, lãnh đạo thành phố Đà Nẵng đã chỉ đạo Sở Văn hóa và Thể thao đã phối hợp với UBND quận Ngũ Hành Sơn xây dựng hồ sơ khoa học báo cáo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và Hội đồng Di sản Văn hóa quốc gia xem xét đề nghị Thủ tướng Chính phủ xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt cho Danh thắng này.
Ngày 24/12/2018, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 1820/QĐ-TTg xếp hạng quốc gia đặc biệt đối với di tích Danh thắng Ngũ Hành Sơn.
Lễ đón nhận Bằng xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt Danh thắng Ngũ Hành Sơn nhằm tôn vinh, giới thiệu, quảng bá những giá trị đặc biệt về mặt cảnh quan thiên nhiên, lịch sử, văn hóa, kiến trúc nghệ thuật của Danh thắng Ngũ Hành Sơn và những tiềm năng của TP Đà Nẵng đến bạn bè trong nước và quốc tế.
Đồng thời, qua đó thể hiện sự tri ân sâu sắc của thế hệ hôm nay đối với di sản văn hóa; khơi dậy và nêu cao lòng tự hào, tự tôn dân tộc, góp phần giáo dục và phát huy truyền thống lịch sử văn hóa, truyền thống yêu nước. Cũng như, nâng cao ý thức trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa nói chung và Danh thắng Ngũ Hành Sơn nói riêng; giới thiệu, quảng bá các giá trị di sản văn hóa của Danh thắng này gắn với thu hút, xúc tiến đầu tư kinh tế - du lịch.
Phát biểu tại lễ đón nhận, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Trịnh Thị Thủy đánh giá cao những nỗ lực, đóng góp của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố Đà Nẵng trong việc giữ gìn, bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa, lịch sử, danh lam thắng cảnh của dân tộc.
Thứ trưởng đề nghị Đà Nẵng sớm triển khai lập Quy hoạch tổng thể bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị của di tích, danh lam thắng cảnh gắn với phát triển kinh tế - xã hội của thành phố trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Tiếp tục xây dựng phương án khai thác du lịch – văn hóa kết nối điểm di tích, danh lam thắng cảnh đặc biệt quan trọng này với các di tích, danh lam thắng cảnh khác của thành phố Đà Nẵng và các tỉnh lân cận, để Ngũ Hành Sơn trở thành điểm đến du lịch thực sự hấp dẫn thu hút đông đảo khách tham quan. Đồng thời, đổi mới công tác giới thiệu, tuyên truyền về giá trị di tích, danh lam thắng cảnh bằng những hình thức phù hợp, qua đó nâng cao ý thức và trách nhiệm bảo vệ và phát huy giá trị di tích, danh lam thắng cảnh trong cộng đồng.
Được biết, tên gọi Ngũ Hành Sơn được dân gian đặt dựa vào cấu tạo, vị trí tự nhiên của núi và thuyết âm dương ngũ hành đã đặt tên lần lượt cho các ngọn núi là: Kim Sơn - Mộc Sơn - Thủy Sơn - Hỏa Sơn - Thổ Sơn và chính thức được xác lập bằng một án văn năm 1837 bởi vua Minh Mạng.
Năm 2018, khu danh thắng Ngũ Hành Sơn đã đón khoảng 2 triệu lượt khách tham quan, trong đó khách nước ngoài hơn 1 triệu lượt (lượng khách tăng so với cùng kỳ 33%). Địa danh này trở thành một điểm đến hấp dẫn đối với du khách khi đến với Đà Nẵng.