Đà Nẵng: Dân lại vây nhà máy thép, cần một sự phán quyết từ chính quyền

03/10/2018 15:12

(TN&MT) - Những ngày đầu tháng 10, hàng chục hộ dân sống cạnh 2 Nhà máy thép Dana - Ý và Dana - Úc (KCN Thanh Vinh, Q. Liên Chiểu, TP. Đà Nẵng) tiếp tục kéo đến bao vây nhà máy. Theo các hộ dân, đã hết thời hạn tạm ngưng hoạt động 2 nhà máy nhưng bản thân các hộ dân chưa ngã ngũ câu chuyện “chọn thép hay chọn dân”. Đi không được, ở không xong, các hộ dân lâm cảnh bất an, lo ngại môi trường…

Trước đó, lãnh đạo TP thống nhất chủ trương để nhà máy thép Dana Ý và Dana Úc tiếp tục hoạt động trở lại trong vòng 6 tháng kể từ ngày 26/3/2018 để giải quyết các vấn đề tồn kho
Trước đó, lãnh đạo TP thống nhất chủ trương để nhà máy thép Dana - Ý và Dana - Úc tiếp tục hoạt động trở lại trong vòng 6 tháng kể từ ngày 26/3/2018 để giải quyết các vấn đề tồn kho

Đây không phải lần đầu các hộ dân kéo đến bao vây 2 nhà máy thép để phản đối hoạt động. Ngay từ đầu năm 2018, hàng trăm người dân liên tục kéo đến bao vây 2 nhà máy thép yêu cầu ngừng hoạt động vì cho rằng 2 nhà máy này làm ô nhiễm môi trường khu dân cư. Tuy nhiên, theo Sở TN&MT Đà Nẵng, thành phố giám sát chặt chẽ mọi hoạt động của 2 nhà máy thép. Ông Lê Quang Nam, Giám đốc Sở này cho hay: Thành phố chỉ đạo thành lập 2 tổ công tác. 1 Tổ giám sát hoạt động của 2 nhà máy do Giám đốc Sở Công thương làm Tổ trưởng. 1 Tổ giám sát về lĩnh vực môi trường do Giám đốc Sở TN&MT làm Tổ trưởng.

“Liên tục từ ngày 3/4 đến thời điểm hiện nay, Sở TN&MT chia làm 2 ca giám sát, 1 ca từ 6 giờ sáng đến 11 giờ trưa, 1 ca từ 20 giờ tối đến 6 giờ sáng. Sở cũng đã tham mưu cho UBND thành phố có Văn bản gởi Bộ TN&MT mời đơn vị quan trắc độc lập đánh giá về các hoạt động của 2 nhà máy trong quá trình hoạt động có gây ảnh hưởng đến môi trường hay không; đồng thời mời đơn vị tư vấn quan trắc 2 thực hiện độc lập các kết quả quan trắc để đánh giá tác động môi trường”- ông Nam cho biết.

Người dân thôn Vân Dương 2 (xã Hòa Liên) đã chờ đợi rất lâu để được di dời nhà máy
Người dân thôn Vân Dương 2 (xã Hòa Liên) đã chờ đợi rất lâu để được di dời nhà máy

Trong khi đó, trao đổi với báo chí, phía doanh nghiệp, ông Huỳnh Văn Tân - Tổng Giám đốc Công ty CP Thép Dana - Ý cũng đề nghị chính quyền có câu trả lời rõ ràng với người dân và doanh nghiệp về số phận đi hay ở của nhà máy. Theo ông Tân, việc đóng cửa nhà máy thép Dana - Ý ảnh hưởng đến 1.000 công nhân, tác động trực tiếp đến 2.000 gia đình và hơn 4.000 trẻ em. Riêng tiền điện mất 500 tỷ đồng mỗi năm, Cảng Đà Nẵng mất nửa triệu tấn hàng xuất nhập khẩu qua cảng.

“Người dân cứ bao vây nhà máy thế cũng không được, không đảm bảo cho một xã hội pháp quyền. Phải có 1 giải pháp chứ không thể 2 bên sống chung được. Nếu thành phố có đủ khả năng, đủ điều kiện thì vận động dân như thế nào nhưng không được bao vây nhà máy. Chúng tôi cam kết đảm bảo các yêu cầu môi trường và đã thuê các công ty chuyên về quan trắc môi trường đến kiểm tra. Thực tế, kết quả đều nằm trong phạm vi cho phép”- ông Tân nói.

Mới đây nhất, tại buổi họp báo định kỳ của UBND TP. Đà Nẵng, lãnh đạo Sở TN&MT thành phố cho hay: dự kiến hôm nay (3/10) trên cơ sở các kết quả quan trắc độc lập này, Đà Nẵng sẽ có công bố cuối cùng về các chỉ số môi trường của 2 nhà máy thép trên. “Quan điểm của thành phố là giải pháp phù hợp với quy định của luật pháp. Đối với hoạt động của 2 nhà máy nếu vượt tiêu chuẩn cho phép, vượt ở công đoạn nào, bộ phận nào thì rõ ràng phải dừng hoạt động để khắc phục, nếu không khắc phục được thì phải di dời. Đó là quan điểm cương quyết của lãnh đạo thành phố”- ông Nam nhấn mạnh.

Những ngày đầu tháng 10, hàng chục hộ dân sống cạnh 2 Nhà máy thép Dana-Ý và Dana-Úc (KCN Thanh Vinh, Liên Chiểu, Đà Nẵng) tiếp tục kéo đến bao vây nhà máy
Những ngày đầu tháng 10, hàng chục hộ dân sống cạnh 2 Nhà máy thép Dana - Ý và Dana - Úc (KCN Thanh Vinh, Liên Chiểu, Đà Nẵng) tiếp tục kéo đến bao vây nhà máy

Tuy nhiên, trao đổi với PV trong sáng nay (3/10), ông Lê Quang Nam - Giám đốc Sở TN&MT TP. Đà Nẵng cho hay, hiện UBND TP. Đà Nẵng đã giao cho Sở TT-TT, và sẽ có thông báo sớm đến các cơ quan thông tấn báo chí và người dân về các chỉ số quan trắc môi trường liên quan đến 2 nhà máy thép. Được biết, từ năm 2006, TP. Đà Nẵng đã thống nhất chủ trương di dời các hộ dân sát cạnh nhà máy để tạo vành đai phân cách cho phù hợp với tiêu chuẩn quy hoạch cụm công nghiệp. Tuy nhiên, vì các khu công nghiệp thu hút được ít nhà đầu tư nên thành phố đã điều chỉnh quy hoạch, dừng mở rộng KCN Hòa Khánh và không thực hiện di dời người dân tại khu vực này nữa. Lâu dần, từ 150 hộ dân ban đầu đã phát sinh thành 1200 hộ dân. Hồ sơ di dời, chi phí đền bù vượt quá chi phí ban đầu của thành phố.

Đầu năm 2017, các hộ dân rất bức xúc và phản ứng gay gắt do việc thành phố “treo” di dời hàng chục năm, làm ảnh hưởng đến cuộc sống của họ khi phải sống cạnh cụm công nghiệp. Để khắc phục thiếu sót trong quy hoạch cụm công nghiệp Thanh Vinh, UBND TP. Nẵng quyết định phải di dời nhà dân theo các thông báo số 197/TB-UBND ngày 29/12/2016, Thông báo số 05-TB-UBND ngày 22/02/2017, Công văn số 730/VP-QLĐTư ngày 13/3/2017. Các thông báo này đều có nội dung cụ thể “thống nhất chủ trương giải tỏa di dời các hộ dân tại khu vực lân cận 02 nhà máy…”.

Nhiều kết quả quan trọng quan trắc môi trường liên quan hai nhà máy thép này sẽ được công bố trong những ngày tới
Nhiều kết quả quan trọng quan trắc môi trường liên quan hai nhà máy thép này sẽ được công bố trong những ngày tới

Tuy nhiên, việc thực hiện thủ tục giải tỏa, đền bù, tái định cư vẫn tiếp tục ì ạch, chậm tiến độ, không thông suốt khến người dân vô cùng bức xúc và bao vây hai nhà máy thép của công ty Dana - Ý và công ty Dana - Úc nhằm áp lực chính quyền thành phố và buộc di dời 2 nhà máy.

Liên quan đến vấn đề này, theo Văn phòng UBND TP.Đà Nẵng, đơn vị vừa ban hành công văn về tiếp tục triển khai kết luận của Ban Thường vụ Thành ủy liên quan đến hoạt động của 2 nhà máy thép. Theo đó, UBND huyện Hòa Vang, Sở Xây dựng, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khẩn trương kiểm tra, báo cáo, đề xuất thiệt hại về nhà ở, sản xuất nông nghiệp cho người dân hai thôn Vân Dương 1 và Vân Dương 2, xã Hòa Liên, nơi có 2 nhà máy thép.

Đồng thời, UBND huyện phối hợp với Công an TP. Đà Nẵng chỉ đạo Công an huyện Hòa Vang tổ chức nắm tình hình, có biện pháp xử lý kịp thời, bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên 2 địa bàn thôn này. Bên cạnh đó, cơ quan chức năng cần tăng cường công tác tuyên truyền, vận động, giải thích để người dân hiểu, ủng hộ chủ trương của thành phố trong việc xử lý hoạt động sản xuất thép trên địa bàn theo quy định pháp luật.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đà Nẵng: Dân lại vây nhà máy thép, cần một sự phán quyết từ chính quyền
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO