Đà Nẵng: Chung tay vì một đại dương không rác
(TN&MT) - Là địa phương có bờ biển đẹp, có môi trường lý tưởng để phát triển du lịch, Đà Nẵng được tạp chí lừng danh Forbes bình chọn là "1 trong 6 bãi biển đẹp nhất hành tinh", những năm qua, người dân và chính quyền TP. Đà Nẵng luôn đi đầu trong công tác bảo vệ môi trường biển, tích cực thu gom rác thải nhựa, "Vì một đại dương không rác".
Phóng viên Báo Tài nguyên & Môi trường có cuộc trao đổi với ông Đặng Quang Vinh - Phó Giám đốc Sở TN&MT TP. Đà Nẵng để hiểu hơn về vấn đề này.
PV: Xin ông cho biết, để giảm thiểu rác thải nhựa đại dương, Đà Nẵng đã xây dựng kế hoạch hành động gì?
Ông Đặng Quang Vinh: Để thực hiện Kế hoạch hành động quốc gia về quản lý chất thải rắn đại dương tới năm 2025 của Chính phủ, Sở TN&MT đã tham mưu UBND TP. Đà Nẵng xây dựng, ban hành nhiều văn bản liên quan, trong đó có Kế hoạch hành động số 122/KH-UBND ngày 24/6/2021 về quản lý rác thải nhựa đại dương trên địa bàn thành phố đến năm 2025 và tầm nhìn 2030. Đây là cơ sở quan trọng để triển khai thực hiện những hoạt động cụ thể về quản ý rác thải nhựa tại địa phương.
Năm 2019, Sở TN&MT đã tham mưu UBND thành phố ban hành Quyết định số 1577/QĐ-UBND về kế hoạch triển khai phân loại chất thải rắn sinh hoạt (CTRSH) tại nguồn trên địa bàn đến năm 2025. Điều đáng mừng là sau 3 năm triển khai, hoạt động phân loại rác thải tại nguồn đã bước đầu tạo sức lan tỏa nhanh và đạt hiệu quả nhất định, nhận được sự quan tâm, hưởng ứng của các tổ chức chính trị - xã hội, các sở, ngành, tổ chức, cá nhân. Qua đó, nhận thức về việc phân loại rác thải tại nguồn cùng các hoạt động làm sạch môi trường, làm sạch bãi biển đã trở thành những phong trào trong các tổ chức, đoàn thể, cộng đồng dân cư.
Đặc biệt, TP. Đà Nẵng rất quan tâm đầu tư cải thiện hệ thống hạ tầng kỹ thuật về thu gom và vận chuyển chất thải rắn trong đô thị, nâng cao hiệu quả thu gom, xử lý rác, góp phần hoàn thiện phương thức triển khai phân loại CTRSH theo Luật Bảo vệ môi trường 2020.
PV: Đà Nẵng là địa phương đầu tiên trong cả nước được Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) lựa chọn triển khai Chương trình "Thành phố sạch, đại dương xanh". Đến nay, dự án đã mang lại những kết quả tích cực như thế nào đối với địa phương từ việc giảm thiểu rác thải nhựa, thưa ông?
Ông Nguyễn Quang Vinh: Đà Nẵng là 1 trong 4 thành phố tại Việt Nam tham gia Chương trình "Thành phố sạch, đại dương xanh" (CCBO) do Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tài trợ. Chương trình được UBND thành phố phê duyệt tại Quyết định số 78/QĐ-UBND ngày 13/1/2023.
Trong thời gian từ tháng 1/2023 đến tháng 8/2024, Chương trình triển khai nhiều hoạt động trên địa bàn thành phố như: hỗ trợ chính quyền thực hiện kế hoạch hành động quản lý rác thải nhựa đại dương; hỗ trợ thực hiện các sáng kiến thúc đẩy chống ô nhiễm rác thải nhựa về trang thiết bị, tư vấn...
Các hoạt động của Chương trình CCBO phù hợp với chủ trương xây dựng thành phố môi trường và các hoạt động thành phố đang triển khai như: Phân loại CTRSH tại nguồn, thúc đẩy phong trào chống rác thải nhựa, hướng tới thực hiện hiệu quả Kế hoạch hành động quốc gia về quản lý chất thải rắn đại dương đến năm 2025 tại Việt Nam nói chung và trên địa bàn TP. Đà Nẵng nói riêng.
Hiện nay, Sở TN&MT đã yêu cầu các sở, ban, ngành chủ động phối hợp triển khai có hiệu quả, vận dụng hết nguồn hỗ trợ của chương trình "Thành phố sạch, đại dương xanh" để nâng cao năng lực quản lý chất thải rắn, thúc đẩy phong trào phân loại rác thải tại nguồn, giảm rác thải nhựa và ô nhiễm nhựa đại dương...
Trong năm 2020 - 2022, Ban quản lý Âu thuyền và Cảng cá Thọ Quang đã triển khai mô hình "Nộp rác lấy phiếu xuất bến". Qua đó, đã thu gom được 55,89m3 rác thủy sản và hơn 4.877m3 rác sinh hoạt từ các tàu, thuyền cập cảng, neo đậu, chuyển giao cho Công ty Môi trường đô thị xử lý.
Với mục tiêu đến năm 2025, tỷ lệ hộ dân tại Đà Nẵng thực hiện phân loại rác thải tại nguồn đạt 90%, đến năm 2030 đạt 100%, thời gian qua, công tác phân loại rác tại nguồn được tuyên truyền mạnh mẽ đến người dân.
PV: Nhằm nâng cao công tác bảo vệ môi trường nói chung và giảm thiểu ô nhiễm rác thải nhựa, thời gian tới, Đà Nẵng sẽ tập trung vào những giải pháp nào, thưa ông?
Ông Đặng Quang Vinh: UBND thành phố xác định việc giảm thiểu rác thải nhựa là nhiệm vụ để hướng tới mục tiêu xây dựng thành phố môi trường, theo Đề án "Xây dựng Đà Nẵng - Thành phố môi trường" giai đoạn 2021 - 2023 được UBND thành phố phê duyệt tại Quyết định số 1099/QĐ-UBND ngày 02/4/2021 đã bổ sung chỉ tiêu cụ thể đến năm 2030 là 100% hộ gia đình thực hiện phân loại CTRSH tại nguồn (trong đó có rác thải nhựa), 100% trường học thực hiện phân loại CTRSH tại nguồn cần đạt được tại các cấp quận, huyện, sở, ngành; tiếp tục triển khai hiệu quả Kế hoạch hành động số 122/KH-UBND ngày 24/6/2021 về quản lý rác thải nhựa đại dương trên địa bàn thành phố đến năm 2025 và tầm nhìn 2030. Đây sẽ là hoạt động xuyên suốt trong công tác bảo vệ môi trường của thành phố trong thời gian tới.
Để thực hiện được các chỉ tiêu này, Sở TN&MT sẽ tiếp tục chủ động rà soát, đánh giá, từ đó tham mưu UBND thành phố tổ chức các hoạt động thiết thực tại cơ quan, đơn vị và có các hình thức khen thưởng, biểu dương các tổ chức, cá nhân tích cực trong công tác này.
Để thúc đẩy phong trào chống rác thải nhựa tại địa phương cần có chính sách cụ thể để huy động sự tham gia tích cực của các doanh nghiệp có chiến lược trong việc đầu tư chuyển đổi công nghệ, tiếp cận với công nghệ cao, sử dụng hiệu quả tài nguyên, nhiên, nguyên vật liệu, từ đó góp phần giảm phát thải ra môi trường.
Vì vậy, cơ quan Trung ương cần sớm thiết lập những chính sách cụ thể để khuyến khích các doanh nghiệp thực hiện đầu tư và chuyển đổi sang các công nghệ thân thiện với môi trường, cần sớm tăng thuế bảo vệ môi trường đối với các loại hình sản xuất sử dụng nguyên liệu nhựa, vật liệu khó phân hủy. Đồng thời thúc đẩy hoạt động phân loại CTRSH theo Luật Bảo vệ môi trường 2020 trên toàn địa bàn thành phố Đà Nẵng.
Tôi tin rằng chính sự quyết liệt thực hiện các giải pháp giảm thiểu rác thải nhựa một lần và thực hiện phân loại rác thải nhựa của chính quyền và người dân thành phố sẽ tạo ra sự lan tỏa, truyền đi những thông điệp ý nghĩa, thiết thực về bảo vệ môi trường biển, bảo vệ sự sống của chính chúng ta ở hiện tại và tương lai.
PV: Trân trọng cảm ơn ông!