Bạn đọc - Pháp luật

Đà Nẵng: Ai "chống lưng" cho khu du lịch sinh thái An Sơn Ecopark xây dựng khi chưa được cấp phép?

Võ Hà 05/01/2024 14:10

Kỳ 1: Chủ trương không theo kịp tiến độ thi công

Mặc dù đang trong giai đoạn xin chấp thuận chủ trương đầu tư nhưng doanh nghiệp đã tự ý triển khai thi công, xây dựng trên diện tích đất “tự” vẽ quy hoạch. Đây là thực trạng đang diễn ra tại dự án Khu du lịch sinh thái An Sơn Ecopark thuộc xã Hòa Ninh, huyện Hòa Vang, thành phố Đà Nẵng.

Dự án chưa được phê duyệt nhưng… vẫn làm

Ngày 29/5/2023, Công ty TNHH An Sơn Ecopark gửi hồ sơ đề nghị thực hiện đầu tư dự án Khu du lịch sinh thái An Sơn Ecopark (quy mô khoảng 9,923 ha) đến UBND thành phố Đà Nẵng. Tháng 9/2023, Sở Kế hoạch và Đầu tư có Công văn gửi đến các Sở, ban ngành và địa phương liên quan để lấy ý kiến thẩm định hồ sơ chấp thuận chủ trương đầu tư dự án. Thời điểm hiện tại, các cơ quan chức năng của thành phố đang xem xét đề xuất của nhà đầu tư và chưa có quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư từ UBND thành phố Đà Nẵng.

anh-1.png
Hiện trạng dự án tại thời điểm doanh nghiệp lập hồ sơ đề xuất đầu tư (tháng 5/2023)

Tuy chỉ mới đang trong quá trình “xin cấp phép”, nhưng đến nay theo quan sát của PV, hiện trạng trên phần diện tích đất đề xuất thực hiện dự án đã được Công ty TNHH An Sơn Ecopark triển khai thi công quy mô, rầm rộ theo quy hoạch chi tiết 1/500 đính kèm trong hồ sơ đề nghị chấp thuận chủ trương đầu tư. Trong đó, hệ thống đường giao thông đã được tạo hình, mặt đường đã thi công lu lèn lớp bê tông nhựa. Hệ thống cấp, thoát nước đang được tiến hành thi công khẩn trương sau những ngày mưa lớn.

Ở khu vực được thiết kế là hồ cảnh quan, Công ty đã triển khai kè đá đoạn giáp với đồi hoa, đồi cỏ checkin theo hồ sơ quy hoạch đề xuất với chiều dài ước khoảng hơn 100 m. Bên cạnh đó, đoạn kéo dài từ cổng chính đến cổng phụ dự án đã được kè đá tương tự trong khi hiện trạng là khu vực đất đã được đào xới trước đó. Đối chiếu với quy hoạch chi tiết 1/500 được nhà đầu tư lập thì nếu dự án được phê duyệt, khu vực này được thiết kế là hồ cảnh quan mở rộng.

anh-2.jpg
Hiện trạng dự án vào tháng 12/2023

Hàng ngày, vẫn có rất nhiều xe cơ giới, máy móc hoạt động để thi công, xây dựng các hạng mục trong dự án, và tình trạng ấy kéo dài hàng tháng trời nhưng không bị bất cứ cơ quan chức năng nào kiểm tra.

Theo tính toán của PV, với hiện trạng thi công đã được khoảng 50 – 60% khối lượng của dự án, nếu tình trạng “thi công chui” vẫn sẽ tiếp diễn trong thời gian ngắn nữa thì các hạng mục liên quan đến hạ tầng giao thông, cấp thoát nước, kiến tạo cảnh quan cho dự án,… sẽ được hoàn thành. Phần chưa thể thi công là các hạng mục phục vụ du khách như Bungalow, hầm rượu, vila,… phải chăng là chủ đầu tư cố tình chờ dự án được chấp thuận từ cơ quan chức năng rồi mới triển khai, hợp thức hóa cùng những hạng mục kia.

anh-3.jpg
Kè đá, hạ tầng giao thông,… được thi công dù chưa được cấp phép

Theo hồ sơ xin chấp thuận chủ trương đầu tư lập vào tháng 5/2023, Công ty dự kiến tiến độ thực hiện dự án trong khoảng 3 năm. Từ quý II đến quý IV/2023 sẽ thực hiện lập, thẩm định, phê duyệt Quy hoạch chi tiết xây dựng 1/500. Từ quý I đến quý IV/2024 sẽ lập và phê duyệt Báo cáo nghiên cứu khả thi; thỏa thuận đấu nối hạ tầng kỹ thuật; đánh giá tác động môi trường,...; Lập thiết kế bản vẽ thi công; cấp phép xây dựng. Từ quý IV/2024 đến quý IV/2025 sẽ thi công xây dựng. Đưa công trình vào khai thác vận hành tại quý I/2026. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa có quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư dự án từ cấp chính quyền thành phố Đà Nẵng. Như vậy, có thể thấy rằng, tiến độ cấp chủ trương của thành phố đang “hụt hơi” so với tiến độ đang thi công từ nhà đầu tư và nhà đầu tư đã bỏ qua tất cả các bước về pháp lý quan trọng để đưa dự án “băng băng” về đích.

Bất chấp pháp luật!

Theo tìm hiểu của Báo Tài nguyên và Môi trường, Công ty TNHH An Sơn Ecopark có địa chỉ tại Lô 6 phân khu P, Khu dân cư kinh tế nhà vườn Hòa Ninh, xã Hòa Ninh, huyện Hòa Vang, thành phố Đà Nẵng, được đăng ký lần đầu vào ngày 24/5/2023 do ông Nguyễn Kiệt làm người đại diện pháp luật.

anh-4.jpg
Hàng ngày, dự án vẫn có nhiều lượt xe cơ giới vào phục vụ thi công các hạng mục.

Trước đó, tại khu vực hồ nước trong diện tích đang triển khai thi công dự án, ông Nguyễn Kiệt đã sử dụng đá nguyên khối cỡ lớn làm kè chống sạt lở bờ hồ với chiều dài 111m có tính thẩm mỹ cao.

Trao đổi với PV, ông Phan Văn Tôn, Chủ tịch UBND huyện Hòa Vang cho biết, năm 2022, khi xếp đá làm kè (không có vữa xi-măng), UBND xã Hòa Ninh đã xử phạt vi phạm hành chính 3,5 triệu đồng đối với doanh nghiệp này về hành vi san ủi đất đối với diện tích dưới 0,05ha. Theo ông Tôn, ngoài hạng mục bờ kè đã bị xử lý vi phạm, đối chiếu với cơ sở dữ liệu hiện trạng khu đất trước đây thì các hoạt động khác không làm biến dạng địa hình, không làm suy giảm chất lượng đất và không gây ô nhiễm đất. Tổ hợp tác đang sử dụng đất vào mục đích nông nghiệp và không xây dựng trái phép.

anh-5.jpg
Đào xới, điều phối đất làm biến dạng địa hình

Tại buổi làm việc gần đây nhất ngày 22/11, ông Tôn cho biết, dự án vẫn chưa làm gì thêm, chỉ cải tạo đất, trồng cỏ và cây. Thế nhưng, trên thực tế vào sáng ngày 26/12, PV ghi nhận dự án tiếp tục thi công rầm rộ với các hạng mục làm đường, rải bê tông nhựa hoàn thiện hệ thống giao thông. Chúng tôi đã thông tin lại với ông Phan Văn Tôn thì ông Chủ tịch UBND huyện Hòa Vang ngạc nhiên và cho biết sẽ chỉ đạo UBND xã Hoà Ninh kiểm tra và yêu cầu dừng ngay.

Đến nay khu đất chẳng những không được hoàn trả lại nguyên trạng ban đầu mà quy mô “mất hiện trạng” lại càng ngày càng phình to ra, từ dưới 0,05 ha tiến triển thành nhiều héc-ta!. Nhìn vào hiện trạng của công trình được xây dựng với hạ tầng kỹ thuật giao thông, kè, cống thoát nước, sử dụng xe cơ giới đào xới trung chuyển đất khu vực này đắp cho khu vực nọ cùng hàng trăm m3 đá nguyên khối cỡ lớn được đưa từ bên ngoài vào.… thì liệu chất lượng đất có bị suy giảm hay không? Và việc đưa về hiện trạng ban đầu có thể khả thi?!

anh-6.jpg
Cần sự vào cuộc từ cơ quan chức năng để ngăn chặn và xử lý dứt điểm hành vi xây dựng trái phép trên đất rừng.

Ngoài những sai phạm trên, theo thông tin PV tìm hiểu, trước đó vào tháng 4/2023, cũng với diện tích 9,923 ha kể trên, Tổ hợp tác du lịch kết hợp sản xuất nông nghiệp An Sơn do ông Nguyễn Kiệt làm Tổ trưởng đã có đề xuất gửi đến cấp thẩm quyền về dự án Nông nghiệp gắn với du lịch An Sơn. Đề xuất trên được UBND huyện Hòa Vang thẩm định theo hình thức thí điểm khai thác dịch vụ du lịch kết hợp phát triển nông nghiệp, lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản trên địa bàn huyện (được UBND thành phố Đà Nẵng phê duyệt tại Quyết định số 487/QĐ-UBND ngày 15/2/2022).

Tuy nhiên, hồ sơ Tổ hợp tác trình đến UBND huyện chưa đáp ứng đủ điều kiện quy định tại Quyết định số 487/QĐ-UBND, đồng thời nhiều hạng mục dự kiến đầu tư cũng “vượt qua” tiêu chí thí điểm. Chính vì thế, đến tháng 5/2023, Công ty TNHH An Sơn Ecopark chuyển sang thành lập và đề xuất dự án Khu du lịch sinh thái An Sơn Ecopark đến UBND thành phố Đà Nẵng, song hành với đó là tiếp tục triển khai thi công rầm rộ đến bây giờ.

anh-7.jpg
Ngày 27/12/2023, dự án vẫn được thi công mặc dù ngày 26/12/2023, Chủ tịch UBND huyện Hòa Vang Phan Văn Tôn cho biết sẽ chỉ đạo cho dừng triển khai từ phản ánh của phóng viên.

Trả lời PV vào ngày 5/1/2024, ông Phan Văn Tôn, Chủ tịch UBND huyện Hòa Vang cũng khẳng định Khu du lịch sinh thái An Sơn Ecopark do Công ty TNHH An Sơn Ecopark mới đang trong quá trình xin ý kiến các ban ngành, chưa được chấp thuận chủ trương đầu tư của thành phố và chưa có giấy phép xây dựng. PV đặt giả thiết, nếu thời gian tới nhà đầu tư được cấp thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư và hoàn thiện các thủ tục pháp lý liên quan, trong khi những hạng mục công trình thi công không phép thời gian qua không bị xử lý, thì phải chăng mọi thứ trái phép kia sẽ được hợp thức hóa? Và nếu điều đó xảy ra thì sẽ tạo ra một tiền lệ xấu đối với rất nhiều trường hợp tương tự!

Rõ ràng, sự vào cuộc đồng bộ của các cơ quan chức năng cấp huyện đến cấp thành phố là hết thức cấp thiết để kiểm tra, đánh giá và đưa ra hình thức xử lý theo đúng quy định của pháp luật. Có như vậy mới giữ được sự nghiêm minh của pháp luật, tránh những trường hợp khác tương tự xảy ra.

Theo Luật sư Nguyễn Văn Tứ, Đoàn Luật sư thành phố Đà Nẵng, đất rừng sản xuất là một trong các loại đất thuộc nhóm đất nông nghiệp, loại đất này được sử dụng chủ yếu vào mục đích sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản. Hành vi xây dựng trái phép trên đất rừng sản xuất là hành vi bị nghiêm cấm theo quy định tại Điều 12 Luật đất đai 2013 và bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại Nghị định 91/2019/NĐ-CP.

anh-8.jpg
Luật sư Nguyễn Văn Tứ, Đoàn Luật sư thành phố Đà Nẵng

Trường hợp chủ thể thực hiện hành vi xây dựng công trình trái phép trên đất rừng không phải là chủ sử dụng hợp pháp được Nhà nước giao, cho thuê đất, sẽ bị xử lý theo quy định tại khoản 3 Điều 14 Nghị định 91/2019/NĐ-CP về trường hợp lấn, chiếm đất nông nghiệp là đất trồng lúa, đất rừng đặc dụng, đất rừng phòng hộ, đất rừng sản xuất tại khu vực nông thôn, thì hình thức và mức xử phạt sẽ từ 3.000.000 đến 150.000.000 đồng (tùy vào diện tích lấn, chiếm) và buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm.

Trường hợp chủ thể thực hiện hành vi xây dựng công trình trái phép trên đất rừng sản xuất là chủ sử dụng hợp pháp được Nhà nước giao, cho thuê đất rừng sản xuất, thì đây là hành vi tự ý chuyển mục đích trái phép đất rừng thành đất phi nông nghiệp. Theo khoản 2 Điều 10 Nghị định 91/2019/NĐ-CP thì việc chuyển đất rừng đặc dụng là rừng trồng, đất rừng phòng hộ là rừng trồng, đất rừng sản xuất là rừng trồng sang đất phi nông nghiệp thì sẽ bị phạt tiền từ 3.000.000 đến 250.000.000 triệu đồng (tùy vào diện tích chuyển mục đích trái phép) và buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm.

Như vậy, hành vi xây dựng công trình trái phép trên đất rừng sản xuất sẽ bị xử phạt hành chính với mức phạt tiền có thể lên đến 250.000.000 đồng tuỳ thuộc vào chủ thể thực hiện và tính chất, mức độ của hành vi vi phạm. Ngoài ra, người có hành vi vi phạm buộc phải khôi phục lại tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm, buộc đăng ký đất đai theo quy định đối với trường hợp có đủ điều kiện được công nhận quyền sử dụng đất và buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm.

Kỳ 2: Cần làm rõ nguồn gốc đất

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đà Nẵng: Ai "chống lưng" cho khu du lịch sinh thái An Sơn Ecopark xây dựng khi chưa được cấp phép?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO