Trong bối cảnh mới với những thay đổi của điều kiện tài nguyên, chuyển dịch năng lượng, những biến động, bất định lớn của kinh tế - xã hội toàn cầu, Luật Dầu khí hiện hành đã trở thành “chiếc áo quá chật” kìm hãm sự phát triển của ngành. Để đảm bảo hài hòa lợi ích của Nhà nước và nhà đầu tư, hỗ trợ nhà đầu tư cùng vượt qua khó khăn ở những thời điểm giá dầu sụt giảm, hướng tới mục tiêu khai thác kịp thời và sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên dầu khí, nhiều ý kiến cho rằng, Luật Dầu khí (sửa đổi) cần cân nhắc nhiều hơn đến các cơ chế, biện pháp khuyến khích các nhà đầu tư phù hợp với các điều kiện đặc thù của nguồn tài nguyên dầu khí của nước ta. Trong đó, cần tham khảo các thông lệ dầu khí quốc tế tại các quốc gia trên thế giới và trong khu vực.
Malaysia: Áp dụng nhiều hình thức hợp đồng dầu khí mới
Theo TS. Phan Minh Quốc Bình - Phó Viện trưởng Viện Dầu khí Việt Nam (VPI), Malaysia được đánh giá là một quốc gia thành công trong việc thu hút đầu tư nước ngoài cho nhiều lĩnh vực, trong đó có lĩnh vực dầu khí. Cách thức mà Malaysia đã thực hiện là nỗ lực hướng tới các điều khoản tài chính và phi tài chính khả thi về mặt thương mại để thu hút đầu tư của các Công ty dầu khí quốc tế (IOCs). Chính phủ nước này đã liên tục hoàn thiện và đưa vào áp dụng những hình thức hợp đồng mới phù hợp với các đặc điểm về tiềm năng và các điều kiện triển khai hoạt động dầu khí khác nhau.
Cơ chế khuyến khích đầu tư cho các hoạt động dầu khí của Malasia được áp dụng linh hoạt và thay đối khác nhau tùy thuộc vào các điều kiện đặc thù của mỗi nguồn tài nguyên dầu khí và các điều kiện biến động của thị trường, trong đó bao gồm cơ chế tài chính đối với các mỏ thuộc khu vực nước sâu xa bờ, khu vực có nhiệt độ cao, áp suất cao, các mỏ dầu khí cận biên và các mỏ dầu khí cạn kiệt nhằm tận thu nguồn tài nguyên dầu khí.
Tính đến năm 2021, Malaysia đã chính thức ban hành 11 mẫu hợp đồng dầu khí thuộc các hình thức hợp đồng khác nhau, gồm có: Thỏa thuận tô nhượng (trước năm 1976), Hợp đồng Chia sản phẩm (9 mẫu hợp đồng), Hợp đồng dịch vụ rủi ro và các dạng hợp đồng khác áp dụng đối với các mỏ dầu khí tận thu. Thông qua các mẫu hợp đồng này, Malaysia đã có những điều chỉnh thay đổi và cho thấy sự linh hoạt các định chế tài chính khác nhau.
Năm 2011, để khắc phục suy giảm sản lượng, Malaysia đã xây dựng chính sách khuyến khích đầu tư (sửa đổi Luật thuế thu nhập từ dầu mỏ) và giới thiệu thêm một hình thức hợp đồng mới trên cơ sở điều chỉnh mẫu PSC, gọi là hình thức Hợp đồng Dịch vụ Rủi ro (RSC) cho đối tượng mỏ nhỏ, mỏ cận biên. Nhà thầu sẽ nhận được một khoản phí từ Petronas dựa trên các tỷ lệ đã thỏa thuận, thay vì phân chia sản lượng khai thác. Các ưu đãi bổ sung như miễn giảm thuế cũng được áp dụng cho các công ty đầu tư vào các mỏ cận biên theo các hợp đồng dịch vụ rủi ro này.
Đối với các mỏ dầu khí nhằm tận thu tài nguyên, Petronas ban hành các hình thức hợp đồng dầu khí có nhiều điểm khác biệt so với hợp đồng PSC thông thường. Như Hợp đồng chia sản phẩm cho các tài sản cuối đời mỏ (Late life aset (LLA) PSC) áp dụng với các mỏ có trữ lượng dưới 30 triệu thùng dầu được ban hành năm 2019; Hợp đồng chia sản phẩm cho các mỏ nhỏ (Small Field Assets (SFA) PSC): áp dụng với các mỏ có trữ lượng dưới 15 triệu thùng dầu hoặc 200 BSCF khí được ban hành năm 2020.
Các hình thức hợp đồng này có cấu trúc tài chính đơn giản theo hướng khuyến khích nhà thầu tiết giảm chi phí (không áp dụng cơ chế thu hồi chi phí và chia dầu khí lãi như PSC thông thường). Đối với Hợp đồng SFA PSC ngoài việc chi trả cho thuế tài nguyên nhà thầu không phải trả các loại thuế, phí khác như phí nghiên cứu, phí đào tạo, quỹ giáo dục, phí bổ sung…
Thay đổi các quy định tài chính trong PSC tại Indonesia
Tương tự tại Indonesia, để phù hợp với tình hình đầu tư vào hoạt động dầu khí ở từng thời kỳ nhằm khuyến khích nền kinh tế phát triển, Chính phủ nước này đã thay đổi các quy định tài chính trong PSC một cách linh hoạt. Sự thay đổi các điều khoản tài chính trong hợp đồng PSC Indonesia được phân chia thành các thế hệ PSC qua từng giai đoạn, theo cơ chế thu hồi chi phí.
Để được phép thu hồi chi phí, các nhà thầu phải được Chính phủ nước chủ nhà phê duyệt chương trình công tác và ngân sách hàng năm. Tuy nhiên, có một số những khó khăn nhất định trong quản lý việc thu hồi chi phí của nhà thầu đặc biệt là khi giá dầu suy giảm từ năm 2014. Giá dầu giảm dẫn đến việc suy giảm đáng kể phần thu cho cả Chính phủ và Nhà thầu, trong khi Chính phủ vẫn phải hoàn trả khoản chi phí hàng năm của Nhà thầu. Khoản chi phí nhà thầu được thu hồi này thậm chí còn có tỷ trọng cao hơn phần thu của Chính phủ, trong năm 2016, tổng chi phí thu hồi là 11,4 tỷ USD trong khi phần thu của Chính phủ chỉ là 9,29 tỷ USD.
Sau 51 năm thực hiện hợp đồng PSC theo cơ chế thu hồi chi phí, Chính phủ Indonesia đã quyết định thiết lập một hình thức hợp đồng dầu khí mới gọi là phân chia tổng doanh thu (Gross Split) PSC vào đầu năm 2017 theo quy định Bộ Năng lượng và Tài nguyên Khoáng sản (MEMR) số 8/2017. Theo đó, cơ chế thu hồi chi phí theo các PSC cũ được thay thế bởi cơ chế phân chia tổng doanh thu (Progressive Sliding Gross Split Mechanism). Theo cơ chế mới này, các chi phí mà nhà thầu đã bỏ ra sẽ không được phép thu hồi mà chỉ có một phần được khấu trừ khi tính thuế thu nhập. Mặc dù các hợp đồng hiện tại sẽ không tự động điều chỉnh theo cơ chế Gross Split PSC nhưng các nhà thầu được phép yêu cầu chuyển đổi cấu trúc hợp đồng. Quy định cũng đặt ra tỷ lệ phân chia cơ sở được áp dụng trong mọi hợp đồng theo cơ chế Gross Split PSC và sẽ được điều chỉnh dựa trên thành phần thay đổi và thành phần lũy tiến. Theo đó, tỷ lệ phân chia dầu khí lãi của nhà thầu và chính phủ là 43% - 57% (dầu) và 48% - 52% (khí).
Bài học kinh nghiệm cho ngành dầu khí Việt Nam
Dự thảo Luật Dầu khí (sửa đổi) cho đến nay đã nghiên cứu, xem xét các hình thức hợp đồng mới áp dụng cho các đối tượng như các dự án khuyến khích đầu tư, đặc biệt khuyến khích đầu tư trên cơ sở tham khảo thông lệ dầu khí quốc tế. Đặc biệt, dự thảo Luật cũng đã trao quyền chủ động cho Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam) với vai trò là công ty dầu khí quốc gia trong quá trình đàm phán hợp đồng dầu khí với các nhà thầu dầu khí để có các điều khoản thỏa thuận phù hợp với những rủi ro và thách thức cụ thể cho từng đối tượng tài nguyên. Tuy nhiên, nếu so sánh với các quốc gia trong khu vực, có thể thấy mức độ linh hoạt trong việc áp dụng các hình thức hợp đồng dầu khí của Việt Nam vẫn có phạm vi hẹp trong khuôn khổ hợp đồng chia sản phẩm dầu khí PSC theo cơ chế thu hồi chi phí. Do đó, để tăng cường cải thiện môi trường đầu tư, các cơ quan quản lý nhà nước cần tiếp tục xem xét, tham khảo kinh nghiệm của các nước bạn trong khu vực, trong việc đa dạng và linh hoạt các hình thức hợp đồng dầu khí phù hợp với các điều kiện đặc thù của từng loại tài nguyên.
Tại Tọa đàm “Luật Dầu khí sửa đổi phục vụ mục tiêu phát triển” do Petrovietnam tổ chức mới đây, TS. Phan Minh Quốc Bình đã đưa ra một số ví dụ cụ thể, như đối với các mỏ dầu khí cận biên, có thể xem xét áp dụng hình thức hợp đồng dịch vụ rủi ro (RSC). Thực tế áp dụng tại Malaysia, RSC đem lại nhiều lợi ích và thuận lợi cụ thể cho Nhà thầu trong việc phát triển mỏ cận biên. Hợp đồng dịch vụ rủi ro (RSC) giúp nhà thầu giảm thiểu rủi ro hơn so với các điều khoản tài chính khác trong PSC Malaysia. Trong trường hợp hết hạn hợp đồng mà nhà thầu chưa thu hồi hết chi phí, nhà thầu sẽ được hoàn trả tương ứng các chi phí chưa thu hồi sau khi dự án kết thúc. Thêm vào đó tỷ lệ thu hồi chi phí trong RSC được bảo đảm tối thiểu là 70% và có thể tăng thêm. Nếu nhà thầu đảm bảo khai thác đủ sản lượng khai thác đã cam kết, nhà thầu sẽ được áp dụng tỷ lệ thu hồi chi phí 100% đối với các chi phí đầu tư đã bỏ ra.
Trong bối cảnh tiềm năng dầu khí trong nước ngày càng hạn chế, công tác tìm kiếm thăm dò, gia tăng trữ lượng dầu khí không đảm bảo bù cho sản lượng dầu khí khai thác hàng năm . Trong khi đó, hầu hết các mỏ dầu khí đang khai thác ở nước ta đã bước vào giai đoạn suy giảm sản lượng và dần cạn kiệt (Bạch Hổ, Lan Tây, Lan Đỏ,…). Vì vậy, việc xem xét tham khảo các thông lệ dầu khí quốc tế tốt tại các quốc gia trên thế giới và trong khu vực để điều chỉnh các cơ chế, chính sách phù hợp với các điều kiện đặc thù của nguồn tài nguyên dầu khí của Việt Nam là rất cần thiết. Điều này cần được thể hiện rõ trong nội dung dự thảo Luật dầu khí sửa đổi được Chính phủ trình Quốc hội xem xét vào kỳ họp tháng 10 sắp tới; hướng tới mục tiêu đẩy mạnh thu hút đầu tư vào hoạt động dầu khí, để khai thác kịp thời và sử dụng hiệu quả nhất nguồn tài nguyên quý giá của đất nước.