Đa dạng các hình thức giảm nghèo thông tin
(TN&MT) - Thiếu hụt thông tin là một trong những chiều thiếu hụt các dịch vụ xã hội cơ bản trong bộ tiêu chí nghèo đa chiều. Nhiều địa phương đã nỗ lực thực hiện các giải pháp thông tin, tuyền truyền để chính sách giảm nghèo đi vào cuộc sống kịp thời, đầy đủ; giúp người nghèo nắm được các thông tin, chính sách và học hỏi các những mô hình hay, cách làm tốt. Từ đó, thay đổi nhận thức vàquyết tâm vươn lên thoát nghèo.
Theo ông Phí Mạnh Thắng - Chánh Văn phòng Quốc gia về giảm nghèo, một trong những nhiệm vụ trọng điểm trong giai đoạn 2021 - 2025 là thực hiện các nhiệm vụ hỗ trợ người nghèo sử dụng các dịch vụ viễn thông, Internet, ứng dụng công nghệ thông tin để họ chủ động hơn trong việc tiếp cận chính sách, tìm kiếm các nguồn hỗ trợ cũng như học hỏi kinh nghiệm, giải pháp thoát nghèo, từng bước hòa nhịp chuyển đổi số quốc gia.
“Đặc biệt, chuyển đổi số, phổ cập dịch vụ Internet, phổ cập mạng di động là những chỉ tiêu rất thiết thực với người dân, nhất là bà con nghèo ở vùng sâu, vùng xa. Vì vậy, cần mạnh dạn đặt mục tiêu phấn đấu 80 - 100% dân số đạt những chỉ tiêu này. Và người dân sống ở địa bàn nghèo đều có cơ hội sử dụng dịch vụ viễn thông, Internet để có thông tin kiến thức, học tập kỹ năng, tham khảo các mô hình thoát nghèo, làm giàu, tìm kiếm thị trường cho sản phẩm mình làm ra”, ông Thắng khẳng định.
Quán triệt mục tiêu giảm nghèo thông tin trong Chương trình Mục tiêu quốc gia về giảm nghèo giai đoạn 2021 - 2025, thời gian qua, tỉnh Bắc Kạn đã quan tâm đầu tư về dịch vụ viễn thông và phương tiện tiếp cận thông tin cho người dân gắn với thực hiện các nhiệm vụ về chuyển đổi số.
Toàn tỉnh hiện có 73 điểm cung cấp dịch vụ bưu chính công cộng phục vụ tiếp cận thông tin của Nhân dân tại các xã có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn. Các điểm cung cấp dịch vụ bưu chính công cộng đã cung ứng các dịch vụ bưu chính công ích phục vụ sự chỉ đạo, điều hành của các cấp chính quyền, địa phương và nhu cầu trao đổi thông tin liên lạc, sử dụng dịch vụ bưu chính của Nhân dân trên địa bàn, như: Chấp nhận, vận chuyển và phát thư, công văn, báo chí, bưu gửi và thực hiện một số hoạt động phục vụ nhu cầu đọc sách báo miễn phí của Nhân dân. Đồng thời, các điểm cung cấp dịch vụ bưu chính công cộng đã phục vụ miễn phí người dân đọc sách, báo, tạp chí điện tử; cung cấp dịch vụ phục vụ truy nhập Internet băng rộng để người dân khai thác các thông tin thiết yếu, sử dụng dịch vụ công trực tuyến.
Hạ tầng kỹ thuật viễn thông cũng ngày càng được đầu tư hoàn thiện, các dịch vụ viễn thông và internet đảm bảo chất lượng ổn định. Theo thống kê, 96% thôn bản được phủ sóng băng di động; 76,6% hộ gia đình có cáp quang. Năm 2022, tỷ lệ hộ nghèo thiếu hụt chỉ số dịch vụ xã hội cơ bản về giảm nghèo về thông tin trong sử dụng dịch vụ viễn thông còn 27,76%, thiếu hụt về phương tiện phục vụ tiếp cận thông tin còn 7,8%.
Năm 2023, UBND tỉnh đã giao Sở Thông tin và Truyền thông bổ sung lắp đặt thêm các cụm thu loa truyền thanh nhằm mở rộng diện tích phủ sóng loa truyền thanh tại các thôn và đáp ứng nhu cầu thông tin tuyên truyền của người dân.
Đồng thời hỗ trợ duy trì, vận hành cung cấp dịch vụ tại các điểm cung cấp thông tin công cộng tại 20 xã có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn. Tập đoàn Viettel sẽ hỗ trợ tỉnh phát triển hạ tầng công nghệ thông tin, mở rộng vùng băng rộng và nâng cao chất lượng dịch vụ viễn thông, công nghệ thông tin, trong đó ưu tiên phủ sóng 3G/4G đối với các vùng “trắng sóng”, vùng “lõm” sóng tại các thôn, bản trên địa bàn tỉnh; hỗ trợ, phát triển 5G tại các địa bàn trọng yếu,...
Một mô hình hay được nhiều địa phương như Bắc Cạn, Hà Giang, Lào Cai, Bình Phước, Tây Ninh... nhân rộng là Tổ công nghệ số cộng đồng. Tổ thực hiện các hoạt động tuyên truyền, hướng dẫn, hỗ trợ người dân sử dụng công nghệ số, đưa công nghệ số vào mọi ngõ ngách cuộc sống; người dân được tiếp cận công nghệ theo cách đơn giản, tự nhiên, xuất phát từ nhu cầu và tạo ra giá trị thiết thực.
Tại Lào Cai, đến nay đã có gần 1.600 tổ công nghệ số cộng đồng với trên 7.400 thành viên tham gia. Tại Bắc Giang, các thành viên Tổ Công nghệ số cộng đồng cũng là những tuyên truyền viên tích cực trong phổ biến các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về công tác chuyển đổi số đến với nhân dân, góp phần hình thành nên các công dân số, xây dựng chính quyền số, phát triển kinh tế số, xã hội số trên địa bàn toàn tỉnh. Đến nay, tỉ lệ hồ sơ thủ tục hành chính nộp trực tuyến đạt 67,89% (tăng 42% so với cùng kỳ năm 2022).
Theo Bộ Thông tin và Truyền thông, qua thực tế triển khai cho thấy, chuyển đổi số chỉ thành công khi được người dân hiểu, hưởng ứng, tham gia, dần xây dựng một cộng đồng dân cư số và gắn kết với nhau hơn, tăng hiệu quả thực hiện các hoạt động, giải pháp giảm nghèo. Từ những thành công bước đầu, Bộ đã ban hành hướng dẫn thí điểm triển khai Tổ công nghệ số cộng đồng tại các địa phương. Đồng thời, khuyến nghị UBND cấp tỉnh chỉ đạo UBND cấp huyện giao Chủ tịch UBND cấp xã ban hành quyết định thành lập Tổ Công nghệ số cộng đồng, trong đó mỗi thôn, bản, tổ dân phố có thể thành lập một Tổ công nghệ số cộng đồng.
Cùng với việc chú trọng nâng cao năng lực cho cán bộ làm công tác thông tin truyền thông, nhiều địa phương đã sử dụng đa dạng hình thức tuyên truyền đến tận cơ sở; đảm bảo nội dung thông tin, tuyên truyền phong phú, hiệu quả, đáp ứng nhu cầu thông tin thiết thực của người dân.
Cụ thể là in cẩm nang tuyên truyền với nội dung về các chính sách, pháp luật, chủ trương của Đảng và Nhà nước về giảm nghèo; chuyển đổi phương thức canh tác, sản xuất theo hướng khoa học, phát triển chuỗi giá trị, tăng cường gắn kết quân dân, gắn kết phát triển kinh tế - xã hội; tổ chức các hội thảo phổ biến kiến thức khoa học - kỹ thuật, công nghệ, chia sẻ kinh nghiệm áp dụng trong sản xuất, những mô hình sinh kế bền vững, bảo vệ môi trường sinh thái và phòng, chống biến đổi khí hậu, ứng dụng công nghệ thông tin…
Các cơ quan thông tin đại chúng thực hiện các tác phẩm báo chí truyền thông có tính chuyên đề nhằm cung cấp thông tin thiết yếu. Nội dung thông tin, tuyên truyền có tính chuyên đề bám sát với đời sống xã hội; bảo đảm phù hợp, thiết thực với người nghèo, trong đó, tập trung vào các tấm gương điển hình, sáng kiến hay, mô hình giảm nghèo tiêu biểu. Tùy theo đặc trưng văn hóa vùng miền, các địa phương đã phát huy hiệu quả hệ thống thông tin cơ sở, giúp tạo sự lan tỏa trong toàn xã hội, khơi dậy tinh thần tự lực, tự cường, nỗ lực vươn lên thoát nghèo của người dân…