Đã có quy trình khắc phục hậu quả sự cố tràn dầu trên biển

09/01/2019 00:56

(TN&MT) - Bộ TN&MT vừa ban hành Thông tư số 33/2018/TT – BTNMT quy định quy trình khắc phục hậu quả sự cố tràn dầu trên biển. Thông tư gồm 4 chương 21 điều quy...

(TN&MT) - Bộ TN&MT vừa ban hành Thông tư số 33/2018/TT – BTNMT quy định quy trình khắc phục hậu quả sự cố tràn dầu trên biển. Thông tư gồm 4 chương 21 điều quy định từ việc điều tra, đánh giá mức độ ô nhiễm môi trường đến giám sát, đánh giá việc thực hiện kế hoạch.
Theo thông tư này, các cơ quan, tổ chức, cá nhân có trách nhiệm khắc phục hậu quả sự cố tràn dầu trên biển, khi điều tra, đánh giá sơ bộ mức độ ô nhiễm phải xác định nồng độ tổng dầu mỡ khoáng đối với môi trường nước biển và tổng hydrocacbon trong môi trường trầm tích bề mặt đáy biển. Thời hạn hoàn thành điều tra đánh giá sơ bộ không quá 10 ngày kể từ khi có báo cáo sự cố tràn dầu.
Sau khi điều tra, đánh giá nếu nồng độ dầu trong môi trường nước, môi trường trầm tích bề mặt đáy biển thấp hơn giá trị tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia; không có dầu tập kết tại khu vực bờ biển và ảnh hưởng tới tài nguyên sinh vật là không đáng kể thì tiến hành công bố thông tin khu vực không bị ô nhiễm môi trường. Nếu nồng độ dầu trong nước cao hơn tiêu chuẩn, quy chuẩn thì phải đánh giá chi tiết và hoàn thành trong vòng 20 ngày, kể từ khi có báo cáo điều tra, đánh giá sơ bộ.
Việc đánh giá chi tiết mức độ ô nhiễm môi trường biển sẽ dựa trên 15 chỉ số thành phần và trọng số của các thành phần đó. Qua các chỉ số này để phân cấp mức độ tổn thương thấp, trung bình, cao, rất cao.
r

Đáng lưu ý là các tổ chức, cá nhân chỉ phải lập kế hoạch khắc phục sự cố tràn dầu khi số lượng các vị trí có thông số môi trường lớn hơn giá trị cho phép chiếm tỷ lệ lớn hơn 25% tổng số vị trí đo đạc, quan trắc, lấy mẫu; tổng diện tích các tiểu vùng có mức độ tổn thương thấp chiếm tỷ lệ lớn hơn 15% tổng diện tích khu vực điều tra, đánh giá chi tiết.
Những trường hợp không thuộc quy định trên thì phải tiến hành đo đạc, quan trắc, lấy mẫu và phân tích các thông số môi trường vượt tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia; định kỳ đánh giá mức độ tổn thương của từng tiểu vùng. Tần suất đo đạc, quan trắc, lấy mẫu và phân tích 1 tuần một lần đối với môi trường nước biển, 2 tuần một lần đối với môi trường trầm tích bề mặt đáy biển. Định kỳ 15 ngày tiến hành đánh giá diễn biến ô nhiễm môi trường do sự cố tràn dầu trên biển. Việc theo dõi diễn biến được tiến hành trong vòng 30 ngày kể từ ngày có báo cáo kết quả đánh giá chi tiết mức độ ô nhiễm môi trường biển. Nếu các thông số vẫn vượt tiêu chuẩn, quy chuẩn thì mới phải lập kế hoạch khắc phục hậu quả.
Trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày có báo cáo đánh giá chi tiết hoặc kể từ ngày kết thúc việc theo dõi diễn biến môi trường biển, cơ quan, tổ chức, cá nhân khắc phục hậu quả sự cố phải hoàn thành việc lập kế hoạch, gửi về UBND, Bộ, ngành trực tiếp quản lý để các cơ quan này gửi đến Bộ Tài nguyên và Môi trường. Kế hoạch khắc phục hậu quả sự cố chỉ được thay đổi khi phương án khắc phục theo kế hoạch không hiệu quả; do yêu cầu đột xuất về quốc phòng, an ninh; thiên tai hoặc các trường họp bất khả kháng. 

Cơ quan nhận kế hoạch và báo cáo kết quả thực hiện có trách nhiệm giám sát kết quả việc thực hiện khắc phục hậu quả sự cố tràn đầu trên biển. Nội dung giám sát tập trung vào các thông số môi trường đạt tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường hiện hành; tài nguyên sinh vật, các hệ sinh thái được phục hồi. 
Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 12 tháng 3 năm 2019.

 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đã có quy trình khắc phục hậu quả sự cố tràn dầu trên biển
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO