Cuộc thi “Cùng giữ màu xanh của biển”: Rừng của biển - Bài 2: Trả lại rừng xanh cho biển

Nguyễn Phương Trang - (phường Nam Ngạn, TP. Thanh Hóa, tỉnh Than| 10/03/2022 09:30

Là người chịu tác động trực tiếp và nặng nề những cơn bão lũ, nước biển dâng, xâm nhập mặn cùng vô vàn hệ lụy từ thời tiết cực đoan, chính quyền địa phương và người dân thấm thía hơn ai hết lợi ích từ những khu rừng ngăn sóng ven biển. Không ai khác, chính họ phải là người gây dựng lại.

“Tấm khiên xanh” hồi sinh

Thế nhưng, BĐKH đã gây ra nhiều tác hại tới rừng và nghề rừng, đe dọa tới đa dạng sinh học và làm tăng nguy cơ mất rừng. Nhiệt độ tăng lên làm nguy cơ cháy rừng tăng cao, làm thay đổi thành phần và cấu trúc hệ sinh thái, làm tăng nguy cơ tuyệt chủng của một số loài động thực vật, gây khó khăn cho công tác bảo tồn đa dạng sinh học. Hạn hán, nắng nóng và bão lũ làm tăng nguy cơ cháy rừng, cây cối đổ gãy, lũ lụt, sạt lở đất, xói mòn đất xảy ra nghiêm trọng. Thời tiết thay đổi cực đoan ảnh hưởng trực tiếp đến công tác trồng rừng của người dân trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, nhất là công tác trồng rừng ngập mặn gặp nhiều khó khăn.

t13.1.png
Rừng sú, vẹt, bần chua được phủ xanh.

Để tiếp tục phủ kín rừng trên diện tích đất trống lâm nghiệp ven biển, UBND tỉnh Thanh Hóa đã có nhiều văn bản chỉ đạo, yêu cầu UBND các huyện rà soát, chuyển đổi diện tích đất ven biển quy hoạch trồng rừng sản xuất hoặc thuộc các loại đất khác đang bị xói lở hoặc bị ảnh hưởng của cát bay, cát di động nghiêm trọng… để quy hoạch trồng rừng phòng hộ ven biển. Trường hợp khu rừng ven biển đã giao cho hộ gia đình, tổ chức kinh tế nhưng có tầm quan trọng ứng phó với BĐKH thì Nhà nước xem xét thu hồi, mua lại hoặc bồi thường giá trị tài sản mà hộ gia đình, tổ chức đó đã đầu tư theo quy định của pháp luật để quy hoạch trồng rừng phòng hộ ven biển.

Chính vì thế, trong giai đoạn từ năm 2015 đến nay, trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đã triển khai trồng mới được 723,44ha rừng ngập mặn, chủ yếu tập trung trồng mới tại các huyện Nga Sơn, Hậu Lộc và Hoằng Hóa. Phần lớn diện tích cây trồng sinh trưởng phát triển tốt. Một số khu vực cây sinh trưởng kém hơn như tại huyện Hậu Lộc, nguyên nhân chủ yếu là trồng rừng ngập mặn phụ thuộc rất nhiều vào thời tiết, như gió bão, thường được trồng ở những nơi sóng lớn, triều cường, thể nền yếu, thời gian phơi bãi trong ngày ít.

Đặc biệt là Dự án trồng rừng ngập mặn phòng hộ ven biển chống xói lở bờ biển Thanh Hóa, quy mô trồng mới rừng ngập mặn 300ha; kết quả đã trồng được 193,44ha. Dự án trồng cây chắn sóng thuộc dự án củng cố, bảo vệ và nâng cấp đê biển, đê của sông huyện Nga Sơn, đã hoàn thành trồng được 112ha rừng, đạt 100% kế hoạch. Dự án duy tu đê biển huyện Hậu Lộc, quy mô 100ha, kết quả thực trồng rừng phòng hộ ngập mặn đến năm 2018 đạt 38ha, đạt 38% kế hoạch; hiện nay đang tạm dừng trồng rừng do không còn nguồn vốn đầu tư. Dự án đầu tư phát triển rừng ngập mặn phòng hộ tại các xã ven biển huyện Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hóa (do Quỹ thiên tai Miền Trung tài trợ) quy mô 200ha, kết quả đã trồng được 106ha rừng ngập mặn. Dự án Tăng cường khả năng chống chịu của các cộng đồng ven biển dễ bị tổn thương bởi các tác động liên quan đến BĐKH do quỹ GCF tài trợ. Dự án trồng, phục hồi rừng ven biển huyện Hậu Lộc, Quảng Xương thuộc Chương trình ứng phó với biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh giai đoạn 2016 - 2020…

Thanh Hóa hiện có đất có rừng ngập mặn là 873,55ha; đất trống ngập mặn là 520,37ha. Vùng ven biển Thanh Hóa thuộc vùng Bắc Trung Bộ, có nơi rộng từ 0,5 - 1,0km, riêng xã Nga Tân, huyện Nga Sơn từ 6 - 7km (gồm các xã ven biển ven cửa sông trên địa bàn 6 huyện, thị xã, thành phố: Nga Sơn, Hậu Lộc, Hoằng Hóa, Quảng Xương, thị xã Nghi Sơn và thành phố Sầm Sơn).

Để có được màu xanh đó, chính quyền và người dân các huyện ven biển đã nỗ lực hết mình trong công tác thu gom, xử lý rác thải ven biển. Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền nâng cao ý thức của cộng đồng trong việc bảo vệ môi trường được chú trọng. Theo ý kiến của người dân các xã Ngư Lộc, Đa Lộc, Hải Lộc… hầu hết mọi người đều đồng quan điểm cho rằng: Ý thức bảo vệ môi trường biển của người dân ngày một nâng cao, vì vậy, rác thải ven biển đã giảm đáng kể, tình trạng người dân xả rác thải sinh hoạt rất hạn chế. Nhiều ngư dân vui mừng khi những cánh rừng ngập mặn ngày càng được mở rộng, mang lại nguồn lợi thủy sản có giá trị kinh tế cao. Bên cạnh đó, các cấp chính quyền Thanh Hóa đã phối hợp các đơn vị tiến hành tổ chức thành công Lễ phát động hưởng ứng Ngày Môi trường Thế giới và Tuần lễ Biển và Hải đảo Việt Nam, tổ chức nhiều đợt ra quân dọn sạch bãi biển… thường xuyên và hiệu quả thiết thực.

Vĩ thanh

Khi mặt trời đã ngả về phía Tây, nước thủy triều đang rút dần để lộ những gốc sú, vẹt, bần chua và làm rõ hơn tiếng bật càng tí tách của những con tôm, tiếng “cơm sôi” xì xì của những chú cua, cũng là lúc bà con ngư dân í ới rủ nhau đi ra bãi bắt cá, bắt tôm, bắt cua. Chị Nguyễn Thị Xinh, người dân thôn Đa Phạn, xã Hải Lộc cho biết: “Từ khi rừng sú, vẹt, bần chua được trồng, rừng xanh nay đã hồi sinh, gia đình tôi còn có nghề phụ, rảnh rỗi ra biển tìm con tôm, con cá về bán nuôi các con ăn học”.

t13.2.png
Người dân bắt cua, tôm, cá dưới những tán rừng sú, vẹt, bần chua

Anh Phạm Văn Tú, thôn 4, xã Nga Tân, huyện Nga Sơn, đang mải miết đuổi theo đàn cá còi, thấy chúng tôi, anh dừng lại xòe đôi bàn tay đầy bùn với những con cá còi khoe: “Cá to và béo lắm anh ạ, cá này mà kho tộ ăn chỉ “chết” cơm thôi, anh định mua bao nhiêu để tôi gọi mấy người đem đến cho. Anh chỉ về phía rừng bần trước đó nói, ở đây người nhà tôi đang bắt cá nhiều lắm. Ngoài bắt cua, bắt tôm cá ra, cũng nhờ rừng ngập mặn xanh tốt người dân vùng biển chúng tôi ít lo nghĩ nước mặn xâm nhập hay mỗi mùa bão lũ đổ về vì đã có rừng cây vững chãi dọc biển bảo vệ, người dân yên tâm hơn”, anh Tú tâm sự thêm.

Trong câu chuyện với anh Tú, chị Xinh, tôi lại nhớ đến lời tâm sự của anh Vũ Ngọc Đỉnh, Chủ tịch UBND xã Đa Lộc: Hiện nay, xã đã hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng trên diện tích nuôi ngao kém hiệu quả để phục vụ dự án trồng rừng ngập mặn ven biển. Năm 2020, toàn xã đã trồng 215,2ha rừng, trong đó, trồng bổ sung trên diện tích trống là 97,9ha; trồng bổ sung tầng cây cao là 61,7ha; trồng bổ sung tầng cây thấp là 55,6ha. Bên cạnh đó, xã đã chú trọng công tác cải tạo, duy trì và phát triển gần 300ha rừng tự nhiên và đã trồng. Rừng ngập mặn trồng đến đâu xanh tốt đến đó, nhiều loại tôm, cá, cua và thủy sinh về sinh sống. Nhất là dưới những tán rừng bần, rừng sú, vẹt, loại đặc sản cá còi của địa phương sinh trưởng rất nhanh.

Năm 2019, Ban QLDA GCF tỉnh Thanh Hóa đã trồng, phục hồi 350ha rừng ngập mặn, trong đó trồng mới là 50ha. Hiện tại, diện tích được nghiệm thu, thanh toán, cây trồng đang sinh trưởng, phát triển tốt, đảm bảo các tiêu chí, điều kiện theo quy định của Bộ NN&PTNT và của dự án.

Chia tay những ngư dân ven biển mưu sinh dưới những cánh rừng phòng hộ ngập mặn cũng là lúc hoàng hôn buông xuống, những đợt gió mùa cuối cùng bị rừng chặn lại đang rít lên từng hồi phía xa xa. Dưới những tán rừng sú, vẹt, bần chua, tiếng người dân í ới gọi nhau, tiếng lao xao hỏi thăm nhau về kết quả “thu hoạch” trong ngày cùng những nụ cười rạng rỡ trên khuôn mặt như báo hiệu một mùa “bội thu” đang tới.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cuộc thi “Cùng giữ màu xanh của biển”: Rừng của biển - Bài 2: Trả lại rừng xanh cho biển
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO