Cuộc sống mới trên vùng tái định cư
(TN&MT) Những ngày cuối tháng 7, mưa giông kéo dài làm con đường đến với các bản làng vùng cao Tây Bắc càng trở nên gian nan hơn. Không chùn bước trước khó khăn, chúng tôi tìm về khu tái định cư Suối Dinh, nay đã mang trên mình cái tên mới: bản Hợp Phong, xã Mường Bang, huyện Phù Yên để tìm hiểu về cuộc sống của 60 hộ dân khu tái định cư nơi đây.
Niềm vui trên quê hương mới
Đã có hẹn từ trước, chờ chúng tôi ở trụ sở UBND huyện là anh Đinh Văn Lượng – Phó Giám đốc Ban quản lý Dự án đầu tư và Xây dựng huyện. Anh bảo:
- Nhà báo đã đi Mường Bang bao giờ chưa? Nếu chưa thì khá vất vả đấy nhé, vì toàn những cung đường dốc cao, uốn lượn. Thôi, chúng ta đi luôn không muộn, lát nữa mà mưa xuống thì sợ đường càng khó đi hơn.
Con đường dẫn vào Mường Bang dài hơn 50km, quả thật, nếu ai không quen đường thì chắc hẳn sẽ khá “e ngại” những đoạn cua đầy hiểm trở hay những dốc đứng thẳng tắp này.
Còn nhớ, lần đầu tiên tôi đến với Mường Bang là đầu năm 2019. Khi ấy, Mường Bang vừa trải qua 2 năm thiên tai, bão lũ khắc nghiệt, tuyến đường vào xã có tới hàng chục điểm sạt lở nguy hiểm. Sau 5 năm, đường xá đã dễ đi lại hơn, cũng mở ra con đường cho bà con nơi đây tập trung phát triển kinh tế, thoát khỏi cái đói, cái nghèo.
Ngay từ đầu xã, hiện lên trước mắt chúng tôi là những nếp nhà sàn truyền thống, đan xen là những ngôi nhà xây khang trang dọc theo tuyến đường liên bản.
Dẫn chúng tôi đi tham quan một vòng khu tái định cư, ông Lường Văn Vương, Chủ tịch UBND xã Mường Bang, cho biết: Điểm tái định cư Suối Dinh 1, Suối Dinh 2 có quy mô 90 hộ, 420 nhân khẩu; trong đó, Suối Dinh 1 có 30 hộ, Suối Dinh 2 có 60 hộ. Đây là 1 trong những khu tái định cư được chính quyền tỉnh Sơn La và huyện Phù Yên đặc biệt quan tâm.
Gia đình bà Mùi Thị Thiệu, trước đây sống ở xã ven sông Đà Tân Phong, vốn đã quen gắn bó với miền sông nước. Bà Thiệu tâm sự, rời khỏi nơi gắn bó bao đời, chúng tôi cũng có nhiều băn khoăn, bỡ ngỡ, lo lắng lắm. Nhưng nơi ở cũ, thiếu đất sản xuất, suốt ngày vất vả cũng không đủ ăn.
Vậy nên, sau khi được cán bộ huyện, xã tuyên truyền, vận động, đi tham quan và chứng kiến tận mắt khu vực tái định cư, gia đình tôi đã mạnh dạn đăng ký đến nơi ở mới. Đến đây, không chỉ được nhà nước hỗ trợ làm nhà, chúng tôi còn được chia đất, hướng dẫn kỹ thuật gieo trồng, chăn nuôi, được hỗ trợ kinh phí mua cây con giống. Bà con vui và phấn khởi lắm.
Đến từ bản Bó Mý, xã Bắc Phong, gia đình anh Mùi Văn Tiến cũng mới di chuyển về khu tái định cư Suối Dinh được khoảng 2 năm nay. Tỉ mỉ kiểm tra, chăm sóc vườn cây ăn quả vừa mới gieo trồng, anh Tiến bảo: Về nơi ở mới, gia đình tôi được hỗ trợ tiền di chuyển, dựng nhà ở; được chia 1,5ha đất sản xuất nông nghiệp.
Sau đó, được cán bộ huyện, xã hướng dẫn, tôi đã lựa chọn trồng cây ăn quả, cây lấy gỗ, cây dược liệu… để làm sinh kế bền vững cho gia đình. Lấy ngắn nuôi dài, trong thời gian chờ các loại cây trồng cho thu hoạch, anh đã trồng ngô, sắn, cây lương thực ngắn ngày để đảm bảo cho cuộc sống trước mắt.
Được biết, mỗi hộ dân khi đến khu vực tái định cư Suối Dinh, đều được chia 57m2 đất ruộng, 3.500m2 đất sản xuất theo từng nhân khẩu, dưới phương thức bốc thăm. Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện đã tổ chức các lớp tập huấn, hướng dẫn bà con trồng cây ăn quả, măng bát độ, ngô, xoài...; trồng cỏ làm thức ăn nuôi trâu, bò nhốt chuồng. Đến từng nhà, trực tiếp “cầm tay chỉ việc” để bà con nhanh chóng nắm bắt phương thức sản xuất. Bởi thế, ai cũng nhất trí, đồng thuận cao.
Từ năm 2022 đến nay, huyện Phù Yên đã hoàn thành 6 đợt di chuyển dân, với 60 hộ dân bắt đầu an cư, lạc nghiệp. Sau 3 năm trên quê hương mới, đất dần bén hơi người, niềm vui tươi, sự phấn khởi đã hiển hiện trên khuôn mặt mỗi người dân nơi đây, khi đã có nơi ở mới, đường xá thuận lợi, có đất sản xuất, không còn lo cái đói, cái nghèo đeo bám.
Thành công nhờ cách làm đúng
Được biết, để xây dựng thủy điện Hoài Bình, Phù Yên là một trong những địa phương thuộc tỉnh Sơn La bị ảnh hưởng lớn với 24/27 xã, thị trấn phải thực hiện di chuyển dân.
Sau khi đến các điểm tái định cư tập trung, xen ghép, các hộ dân đã được Đảng, nhà nước quan tâm đầu tư phát triển KT-XH, xây dựng cơ sở hạ tầng qua các thời kỳ, từ phòng sông Đà, Ban quản lý dự án 747, Ban quản lý Dự án 1382, Ban quản lý Đề án 1460, và nay là Ban quản lý dự án đầu tư và xây dựng huyện.
Thế nhưng, sau rà soát, một bộ phận bà con các xã vùng dọc sông Đà vẫn gặp nhiều khó khăn do thiếu đất ở, đất sản xuất. Một số công trình được đầu tư nay đã xuống cấp, tỷ lệ hộ nghèo cao so với mặt bằng chung của tỉnh.
Đề án ổn định dân cư, phát triển KT-XH vùng di chuyển dân sông Đà xây dựng thủy điện Hòa Bình thuộc tỉnh Sơn La (Đề án 1460) được thực hiện với mục tiêu: Ổn định nơi ở của các hộ dân, không còn hộ thiếu đất ở, đất sản xuất và hộ đói; giảm hộ nghèo xuống bằng mức bình quân chung của tỉnh.
Theo đó, sẽ di chuyển, ổn định 140 hộ dân, gồm 50 hộ theo hình thức xen ghép tại điểm tái định cư Mó Sách xã Nam Phong; 90 hộ tại điểm tái định cư Suối Dinh 1, 2 xã Mường Bang.
Là đơn vị được giao thực hiện ổn định dân cư, nhớ lại chặng đường ban đầu, anh Đinh Văn Lượng kể: Khó có thể kể hết những nhọc nhằn, vất vả của đội ngũ cán bộ làm công tác tái định cư thời điểm đó. Bởi, có tới tận 2 dự án, cùng nhiều công việc khác nhau phải triển khai cùng lúc, trong khi lực lượng cán bộ chuyên môn còn thiếu.
Các công trình, dự án hầu như đầu tư ở các xã có điều kiện kinh tế, giao thông khó khăn, nên công tác đầu tư rất gian nan. Phải đến năm 2020, tuyến đường vào điểm tái định cư Suối Dinh với chiều dài 16,6km được đầu tư xây dựng, việc di chuyển dân mới trở nên dễ dàng hơn.
Có đường, có mặt bằng sạch để dựng nhà rồi, làm thế nào để thuyết phục bà con đến nơi ở mới, an cư lạc nghiệp cũng là câu chuyện không đơn giản.
Trực tiếp gắn bó, cùng ăn cùng ở với nhân dân, ông Cầm văn Đông, Phó Chủ tịch UBND huyện Phù Yên, chia sẻ: Để vận động nhân dân di dời đến nơi ở mới, UBND huyện đã thành lập Tổ công tác phối hợp với 4 xã thuộc vùng Đề án, gồm Nam Phong, Tân Phong, Bắc Phong, Tường Phong, đến từng bản làng, từng hộ dân để tuyên truyền, thông tin đến người dân về vị trí, địa điểm, tiềm năng lợi thế khu tái định cư so với nơi ở cũ; các chế độ chính sách mà người dân được hưởng khi di chuyển…
Qua 7 cuộc tuyên truyền, vận động, 6 đợt tổ chức cho 146 hộ dân thăm quan khu tái định cư, đã có 61 hộ ký cam kết di chuyển. Tháng 1/2022, 17 hộ dân đầu tiên đã tiến hành bốc thăm chọn lựa nền nhà. Chính quyền các xã đã huy động các ban, ngành đoàn thể, các tổ chức chính trị xã hội hỗ trợ nhân dân tháo dỡ nhà cửa, bốc xếp, vận chuyển đến nơi ở mới.
Xã Mường Bang đã bố trí cán bộ cùng nhân dân sở tại đón, góp công sức, hỗ trợ thực phẩm trong thời gian dựng nhà, chia sẻ kinh nghiệm chăn nuôi, trồng trọt... cho bà con.
Khó khăn nào rồi cũng qua đi. Chủ tịch UBND xã Mường Bang Lường Văn Vương, bảo: Để bà con yên tâm sinh hoạt, sản xuất, chúng tôi luôn xác định, phải thường xuyên quan tâm, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của nhân dân tái định cư, tăng cường sự đoàn kết, tương trợ giúp đỡ giữa nhân dân sở tại và nhân dân tái định cư.
Nhờ đó, giờ đây, người dân đã yên tâm gắn bó với nơi ở mới. Chủ động khai thác tiềm năng, thế mạnh địa phương, từng bước thay đổi cơ cấu kinh tế, phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập.
Đầu tháng 6 vừa qua, UBND xã Mường Bang đã chính thức công bố thành lập bản Hợp Phong theo Nghị quyết của HĐND tỉnh, trên cơ sở hợp nhất 2 điểm tái định cư Suối Dinh 1, 2, với 60 hộ, 238 nhân khẩu. Việc thành lập bản Hợp Phong phù hợp với mong muốn, nguyện vọng của các hộ dân tái định cư, được bà con nhân dân đồng tình ủng hộ, tạo sự đoàn kết, gắn bó, sự tương đồng trong phong tục, tập quán sinh hoạt, sản xuất giữa bà con sở tại và bà con tái định cư.
Chào tạm biệt Hợp Phong khi cơn mưa cuối ngày đã bắt đầu nặng hạt. Vẫn biết rằng, ba năm là chặng đường không dài, nhưng bước khởi đầu gian nan nhất đã qua.
Dù vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức, tin rằng, sự vào cuộc đồng bộ của các cấp chính quyền, sự chung sức, đồng lòng của bà con nhân dân, cuộc sống của bà con Hợp Phong nói riêng, người dân Mường Bang nói chung sẽ ngày càng ấm no, tươi đẹp hơn. Để cuộc sống của người dân trên quê hương mới, sẽ thật sự từng bước tốt hơn nơi ở cũ!