Tham dự cuộc họp về phía Việt Nam có Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Võ Tuấn Nhân và phía Lào có ông Say-nha-khon In-tha-vong, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lào.
Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân phát biểu tại cuộc họp |
Phát biểu khai mạc cuộc họp Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân cho biết, cuộc họp thường niên giữa hai Bộ đã được tổ chức định kỳ nhiều năm qua kể từ khi hai Bộ ký Bản ghi nhớ hợp tác trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường (TN&MT). Trong quá trình làm việc giữa hai bên trong thời gian qua, hai bên đã triển khai và thực hiện các chương trình, dự án hợp tác giữa hai Bộ trong lĩnh vực TN&MT cụ thể trong vấn đề về quản lý tài nguyên nước, chính sách đất đai, khí tượng thủy văn và quản lý môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học.
“Tại Cuộc họp thường niên lần này, tôi mong muốn hai bên tiếp tục hợp tác chặt chẽ và hiệu quả trong các lĩnh vực đã được lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ hai nước thống nhất tại Kỳ họp Ủy ban liên Chính phủ Việt Nam – Lào cũng như các thỏa thuận hợp tác hai Bộ đã ký kết, đồng thời thảo luận, thống nhất về kế hoạch tổ chức Hội nghị Bộ trưởng Việt Nam và Lào về hợp tác trong bảo tồn đa dạng sinh học đã được hai đồng chí Bộ trưởng khẳng định về chủ trương”, Thứ trưởng nói.
Trong lĩnh vực bảo tồn ĐDSH, Việt Nam và Lào đã có một quá trình hợp tác lâu dài về bảo tồn liên biên giới bắt đầu từ giữa thập niên 1990 đến nay, được ghi nhận bởi các hoạt động về nghiên cứu về ĐDSH (loài); thực thi pháp luật về ngăn chặn khai thác, vận chuyển, buôn bán trái phép gỗ và ĐVHD qua biên giới; cơ chế trao đổi/giao lưu, đối thoại và tham vấn giữa các cơ quan hữu quan cấp bộ/ngành và các địa phương (tỉnh) về quản lý khu bảo tồn thiên nhiên, phát triển cộng đồng vùng đệm, bảo vệ các hệ sinh thái rừng, nguồn nước.
Ông Say-nha-khon In-tha-vong Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lào phát biểu tại cuộc họp |
Tại cuộc họp, Cục bảo tồn thiên nhiên và Đa dạng sinh học đề xuất thiết lập một khung hành động chung với các sáng kiến thúc đẩy bảo tồn ĐDSH liên biên giới và tăng cường quản lý hệ thống khu bảo tồn thuộc vùng sinh thái dãy Trường Sơn trong giai đoạn 2019-2024; đồng thời tìm kiếm sự ủng hộ hoặc phương án huy động nguồn lực tài chính và sự tham gia của các bên quan tâm về thực hiện các sáng kiến bảo tồn liên biên giới.
Tại cuộc họp, các đại biểu đã nghe về tình hình hợp tác giữa hai Bộ trong năm 2019 qua các lĩnh vực quản lý tài nguyên nước, chính sách đất đai, khí tượng thủy văn và quản lý môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học và kế hoạch tổ chức cuộc họp cấp Bộ trưởng về Đa dạng sinh học giữa Việt Nam - Lào dự kiến tổ chức ở Quảng Bình trong thời gian tới.
Theo đó, trong năm 2019 hai bên đã có nhiều buổi làm việc và cử cán bộ qua học tập chia sẻ kinh nghiệm lẫn nhau. Tổng cục KTTV có hợp tác với phía bạn Lào trong việc thu nhận dữ liệu thủy văn thuộc thượng lưu sông Mê Kông (bao gồm số liệu của Lào) thông qua Ủy ban sông Mê Kông (MRC) và trong việc chia sẻ các thông tin cảnh báo thời tiết nguy hiểm thông qua Dự án Trình diễn dự báo thời tiết nguy hiểm cho khu vực Đông Nam Á.
Ông Say-nha-khon In-tha-vong tặng quà cho Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân |
Ngoài ra, Bộ Tài nguyên và Môi trường tiếp tục phối hợp với Lào và cùng phối hợp với các nước trong Tiểu vùng sông Mê Công, các đối tác phát triển và các tổ chức quốc tế có liên quan trong việc quản lý và sử dụng có hiệu quả, bền vững nguồn nước sông Mê Công.
Trong năm 2020, Bộ Tài nguyên và Môi trường đề xuất một số nội dung hợp tác như: Tăng cường hoạt động chia sẻ thông tin, dữ liệu về các sông xuyên biên giới giữa 02 quốc gia và các công tác phối hợp giữa 02 bên hướng tới quản lý tổng hợp nguồn nước xuyên biên giới. Phối hợp chặt chẽ trong việc chia sẻ thông tin về về các đập thủy điện trên dòng chính sông Mê Công đang chuẩn bị đi vào vận hành với Ủy ban sông Mê Công Việt Nam…
Phối hợp đề xuất xây dựng và thực hiện dự án trong chương trình toàn cầu về bảo vệ các loài hoang dã (Global Wildlife Program) do WB điều phối chung về “Thúc đẩy bảo tồn động vật hoang dã và du lịch có trách nhiệm dựa vào thiên nhiên vì sự phát triển bền vững ở Việt Nam” huy động tài trợ từ GEF-7 trong GWP; Phối hợp xây dựng hồ sơ đề cử Khu dữ trữ sinh quyển liên biên giới giữa Việt Nam-Lào trình UNESCO công nhận để tăng cường hợp tác về bảo tồn đa dạng sinh học tại các khu bảo tồn liên biên giới.
Bộ Tài nguyên và Môi trường hai nước Việt Nam - Lào cùng thống nhất đề nghị với Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam và Bộ Giáo dục và Thể thao Lào để đưa vào Kế hoạch hợp tác năm 2020 giữa Chính phủ hai nước: 100 suất học bổng đào tạo, bồi dưỡng ngắn hạn về chuyên môn nghiệp vụ cho cán bộ Bộ Tài nguyên và Môi trường Lào sang học tập tại Việt Nam, trong khuôn khổ Đề án “Nâng cao chất lượng và hiệu quả hợp tác Việt - Lào trong lĩnh vực giáo dục và phát triển nguồn nhân lực giai đoạn 2011 - 2020” ký ngày 22 tháng 4 năm 2011 tại Thủ đô Viêng Chăn, Lào…
Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm |
Kết thúc cuộc họp, Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân thay mặt Bộ Tài nguyên và Môi trường Việt Nam đánh giá cao các kết quả đạt được của cuộc họp lần này và mong muốn cùng với đồng chí Thứ trưởng và các đơn vị của hai Bộ tiếp tục thúc đẩy sự hợp tác chặt chẽ giữa hai Bộ trong lĩnh vực môi trường, tài nguyên nước, quản lý đất đai, khí tượng thủy văn, bảo tồn đa dạng sinh học, góp phần thực hiện có hiệu quả Biên bản ghi nhớ đã ký giữa hai Bộ.
“Hai bên cùng nghiên cứu đề xuất xây dựng các dự án mở mới trong lĩnh vực quản lý đất đai, môi trường, biến đổi khí hậu, khí tượng thủy văn, tài nguyên nước, bảo tồn đa dạng sinh học và ứng dụng công nghệ viễn thám sử dụng nguồn hỗ trợ chính thức của Chính phủ Việt Nam dành cho Chính phủ Lào để thống nhất nội dung hợp tác, tiến tới xây dựng các đề xuất dự án để trình Ủy ban hợp tác hai nước xem xét, bố trí kinh phí để thực hiện trong những năm tới”, Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân nhấn mạnh.
Ông Say-nha-khon In-tha-vong, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lào hoàn toàn thống nhất với những ý kiến tại buổi làm việc, ông hi vọng trong thời gian đến hai bên sẽ phối hợp tốt để triển khai các nội dung hợp tác một cách hiệu quả và nhanh chóng nhất.