TS. Văn Ngọc Thịnh |
PV: Trong vấn đề đa sinh học, ông lo ngại nhất điều gì?
TS. Văn Ngọc Thịnh: Ngày nay, để đáp ứng sự toàn cầu hóa, tốc độ tăng trưởng của các nền kinh tế, đặc biệt là các quốc gia đang phát triển như Việt Nam, nhu cầu về nguyên vật liệu ngày càng tăng dẫn đến nhu cầu về các nguồn tài nguyên thiên nhiên, đa dạng sinh học bị sử dụng quá mức, dẫn đến suy thoái. Chúng ta đang đứng ở thời kỳ kỷ nguyên tuyệt chủng lần thứ 6 do con người tạo ra. Trong 50 năm trở lại đây, chúng ta đã mất đi gần 70% quần thể các loài động vật hoang dã có xương sống và làm cho nhiệt độ toàn cầu ấm lên 10C. Đó là điều mà chúng tôi đang lo ngại. Nếu như tiếp diễn thì 50 năm sau, nguồn tài nguyên thiên nhiên, đa dạng sinh học sẽ ở bên bờ vực thẳm. Điều đó rất đáng tiếc, đáng báo động.
PV: Trước tình trạng đó, mối quan hệ giữa thiên thiên, đa dạng sinh học và con người cần phải thay đổi theo chiều hướng nào, thưa ông?
TS. Văn Ngọc Thịnh: Tôi cho rằng, mối quan hệ giữa con người và thiên nhiên cần phải gắn kết lại. Bởi quan điểm về bảo tồn đa dạng sinh học đã thay đổi. Trước đây, người ta lấy yếu tố thiên nhiên là yếu tố nòng cốt, sau đó thay đổi yếu tố con người cho phù hợp. Tuy nhiên, hiện tại, để đáp ứng việc duy trì giá trị đa sinh học thì phải lấy yếu tố con người là yếu tố trung tâm, là yếu tố cốt lõi và làm thế nào để con người hài hòa với thiên nhiên. Khi đó, mới bảo tồn được các giá trị đa dạng sinh học. Quên đi yếu tố con người thì giá trị đa dạng sinh học dù có được bảo tồn tốt đến mấy thì với tốc gia tăng dân số lên đến gần 9 tỷ người trong vòng 10 năm tới đây thì nhu cầu về đa dạng sinh học để phục vụ con người cũng khó đáp ứng được. Đây là yếu tố mà chúng ta phải tính đến, phải lấy con người là yếu tố trung tâm trong bảo tồn đa dạng sinh học.
PV: Nói riêng về câu chuyện bảo tồn đa sinh học ở Việt Nam, theo ông, đâu là điểm sáng?
TS. Văn Ngọc Thịnh: Hiện nay, tầm nhìn của lãnh đạo, của nguyên thủ quốc gia về bảo vệ môi trường, bảo tồn thiên nhiên rất rõ ràng. Trước đây, chúng ta đánh đổi nhiều thứ để phát triển kinh tế, tuy nhiên, bây giờ, ở đâu, từ cấp Chính phủ, Thủ tướng đến tất cả Bộ, ngành đều nói đến vấn đề phát triển bền vững, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, quan điểm thuận thiên. Đó là một trong những yếu tố đảm bảo thành công đến 50% trong hành trình chúng ta cứu lấy đa dạng sinh học ở Việt Nam.
Yếu tố thứ hai là con người Việt Nam nói chung. Người dân Việt Nam đã nhận ra được trách nhiệm lớn của họ trong bảo tồn thiên nhiên, giảm nhu cầu tiêu thụ động vật hoang dã, tiêu dùng có trách nhiệm với môi trường. Đây là yếu tố rất thuận lợị. Nếu có thêm yếu tố mạnh mẽ nữa là sự cam kết giữa người dân, giữa các doanh nghiệp và sự lãnh đạo sáng suốt của Chính phủ và các cơ quan ban, ngành, đặc biệt là chính quyền các tỉnh, địa phương – nơi có các vườn quốc gia, các khu bảo tồn có giá trị cao về đa dạng sinh học cùng nhau đồng hành thì tôi nghĩ, đó là cơ hội tốt và chúng ta sẽ làm được. Hy vọng trong 5 – 10 năm tới, Việt Nam sẽ không mất đi trên bản đồ đa dạng sinh học thế giới.
Nhiều người dân đã nhận ra trách nhiệm lớn của họ trong bảo tồn thiên nhiên |
PV: Những giải pháp nào cần được đặt ra, khi Chủ đề của Ngày quốc tế Đa dạng sinh học thế giới năm nay là “Chúng ta là một phần của giải pháp - Vì thiên nhiên”, thưa ông?
TS. Văn Ngọc Thịnh: Năm nay là năm Liên Hợp Quốc chọn là năm Đa dạng sinh học. Ngày quốc tế Đa dạng sinh học gửi đi thông điệp chúng ta hãy chung tay bảo vệ đa dạng sinh học, bởi trái đất đang suy thoái. Những gì mà chúng ta thu nhận hôm nay chỉ có một đồng, nếu như không bảo vệ, bán đi giá trị đa dạng sinh học, nguồn tài nguyên thiên nhiên để lấy 1 đồng thì chắc chắn 10 năm sau, chúng ta phải bỏ ra 10 đồng để bù đắp lại mất mát đó để chúng ta có cuộc sống tốt đẹp hơn, hài hòa hơn. Đó là thông điệp mà tôi nghĩ mọi người đã nhận ra và họ đang hành động.
PV: Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà từng nói rằng: “Vấn đề bảo tồn đa dạng sinh học là vấn đề đạo đức”. Ông nghĩ sao về quan điểm này?
TS. Văn Ngọc Thịnh: Đây là quan điểm rất đúng. Vấn đề môi trường, thiên nhiên là vấn đề đạo đức, không chỉ là đạo đức giữa con người với con người, mà còn là trách nhiệm giữa con người với thiên nhiên. Cây cối, loài vật đều có đời sống riêng, đều có nhu cầu về nguồn thức ăn, về môi trường trong lành, có không khí để hít thở, để quang hợp, phát triển. Nếu chúng ta phá vỡ đi, có nghĩa là làm mất đi chính giá trị của vật thể đó. Chính vì vậy, cần phải chú trọng thiết lập mỗi quan hệ một cách tôn trọng và hài hòa giữa con người và thiên nhiên, thông qua các hành động cụ thể, thiết thực, thể hiện cách ứng xử nhân văn của con người./.
PV: Trân trọng cảm ơn ông!