Chưa đến mức độ nghiêm trọng
Báo cáo tại cuộc họp, ông Nguyễn Văn Hải, Phó Cục trưởng Cục ứng phó và Khắc phục hậu quả thiên tai (Bộ NN&PTNT) cho biết, trong thời gian gần đây, động đất xảy ra thường xuyên và có xu thế gia tăng cả về tần suất và cường độ trên địa bàn huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum. Theo đó, từ năm 1903 đến năm 2020 (117 năm) đã ghi nhận 33 trận động đất có độ lớn M = 2,5 - 3,9.
Từ tháng 2/2021 đến nay, động đất xuất hiện và có xu hướng gia tăng. Cụ thể, năm 2021 có 114 trận (gấp 3,5 lần 117 năm trước đó); riêng 8 tháng đầu năm 2022, đã xảy ra 146 trận (gấp 1,3 lần năm 2021). Từ ngày 15-28/4/2022, đã xảy ra liên tiếp 41 trận với M = 2,5 - 4,5, trong đó, ngày 15/4 độ lớn 4,1 và ngày 18/4 độ lớn 4,5.
Tiếp đó, từ ngày 23-24/8/2022, đã xảy ra liên tiếp 12 trận động đất với M = 2,5 – 4,7, trong đó, trận động đất lúc 14h08’ ngày 23/8 có độ lớn 4,7 (tương đương cường độ động đất tại thủy điện Sông Tranh 2). Theo nhận định sơ bộ của Viện Vật lý địa cầu, cường độ động đất trong khu vực có thể lên tới 5,5.
Theo báo cáo, trận động đất độ lớn 4,7 vào hồi 14h08’ ngày 23/8 đã gây rung chấn trong khu vực huyện Kon Plong và các địa phương lân cận (Quảng Nam, Đà Nẵng). Báo cáo ban đầu của các địa phương, động đất đã làm hư hại mái ngói của 1 nhà tại xã Đăk Ring, huyện Kon Plong, tỉnh Kon Tum; trên địa bàn tỉnh Quảng Nam không ghi nhận thiệt hại.
Đánh giá bước đầu về nguyên nhân, mức độ các trận động đất, ông Lê Văn Chính, Phó Trưởng phòng, Bộ Khoa học và Công nghệ cho rằng, các trận động đất xảy ra từ tháng 3/2021 đến nay có độ lớn M=1,6 - 4,5 tại khu vực huyện Kon Plông, Kon Tum và lân cận gây chấn động lớn nhất là cấp V - VI theo thang MSK-64. “Với cường độ chấn động như vậy là chưa đến mức độ nghiêm trọng”, ông Lê Văn Chính nhận định.
Theo nhận định bước đầu, động đất khu vực huyện Kon Plông, Kon Tum là đất kích thích gây ra do quá trình tích nước của các hồ chứa thủy điện trên địa bàn này (hiện tượng tương tự như đã xảy ra trước đây tại các hồ chứa các nhà máy thủy điện Hòa Bình, Sơn La, Lai Châu, và đặc biệt là tại thủy điện Sông Tranh 2...). Tuy nhiên, để khẳng định nguyên nhân phát sinh động đất và có cơ sở dự báo xu thế hoạt động, cường độ trong tương lai phục vụ đánh giá khả năng gây thiệt hại cho các công trình dân sinh và thuỷ điện cần có những khảo sát, quan trắc và nghiên cứu chi tiết về địa chất kiến tạo và chế độ địa chấn trong khu vực Kon Tum và lân cận.
Ông Lê Văn Chính nhấn mạnh, do các kết quả nghiên cứu trước đây về chế độ kiến tạo và hoạt động động đất tại khu vực Kon Tum và lân cận chưa đủ độ chi tiết để có thể đánh giá về nguyên nhân và mức độ nguy hiểm của động đất đối với các công trình dẫn sinh và thủy điện. Đồng thời, chưa có những nghiên cứu chi tiết về động đất kích thích trong khu vực. Vì vậy, cần có nghiên cứu chi tiết để phục vụ xác định nguyên nhân, mức độ nguy hiểm động đất và đề xuất các giải pháp ứng phó phù hợp, đồng thời, cần có sự phối hợp chặt chẽ của các Bộ/ngành, địa phương và công trình thuỷ điện trên địa bàn.
Khẩn trương lắp đặt 3 trạm quan trắc động đất tại huyện Kon Plong
Trước diễn biến phức tạp của động đất, Chính phủ, Ban Chỉ đạo quốc gia về Phòng chống thiên tai và các Bộ, ngành chỉ đạo triển khai nhiều biện pháp ứng phó. Cụ thể, ngày 23/8, Thủ tướng Chính phủ đã có Công điện số 750/CĐ-TTg chỉ đạo UBND các tỉnh Kon Tum, Quảng Nam và các Bộ ngành triển khai ứng phó với động đất trong khu vực.
Tiếp đó, sáng ngày 24/8, Thường trực Ban Chỉ đạo đã chủ trì họp với các Bộ: Công Thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Viện Vật lý địa cầu về ứng phó với động đất; cử đoàn công tác trực tiếp đến huyện Kon Plong để kiểm tra, nắm bắt tình hình thực tế và phối hợp với địa phương chỉ đạo ứng phó.
Tại các địa phương, Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh Kon Tum đã chỉ đạo tổ chức 2 đoàn công tác của huyện Kon Plong kiểm tra, đánh giá tác động và mức độ ảnh hưởng của các trận động đất đã xảy ra đối với nhà ở của nhân dân, trụ sở làm việc, trường học, y tế và các công trình cơ sở hạ tầng; sẵn sàng nhân lực, vật tư, phương tiện để ứng phó và khắc phục hậu quả kịp thời khi có tình huống; thực hiện tuyên truyền, phổ biến thông tin về động đất qua Đài Phát thanh, truyền hình tỉnh, huyện, hệ thống Đài truyền thanh xã.
UBND tỉnh Quảng Nam đã có Công văn số 558/UBND-KTN ngày 24/8/2022 chỉ đạo theo dõi, chủ động ứng phó với động đất; Công văn số 4992/UBND ngày 29/7/2022 triển khai thực hiện Quyết định 645/QĐ-TTg ngày 27/5/2022 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch Quốc gia ứng phó thảm họa động đất, sóng thần.
Công ty thủy điện Thượng Kon Tum đã tổ chức kiểm tra, rà soát, đánh giá hiện trạng an toàn công trình và thiết bị của Nhà máy Thủy điện Thượng Kon Tum. Hiện, chưa phát hiện hư hỏng hay sự cố bất thường.
Phó Trưởng Ban chỉ đạo quốc gia về Phòng chống thiên tai Trần Quang Hoài đề nghị, Viện Vật lý địa cầu tiếp tục theo dõi chặt chẽ, cung cấp kịp thời bản tin động đất cho cơ quan chức năng, chính quyền địa phương. Phối hợp với các địa phương khẩn trương tuyên truyền, nâng cao hiểu biết và hướng dẫn kỹ năng ứng phó động đất cho người dân để chủ động ứng phó, tránh hoang mang, hoảng loạn khi động đất xảy ra. Đồng thời, khẩn trương lắp đặt 3 trạm quan trắc động đất tại huyện Kon Plong, tỉnh Kon Tum và 2 trạm quan trắc tại thuỷ điện Đăk Ring.
Ông Trần Quang Hoài cũng đề nghị, Ban Chỉ huy PCTT&TKCN các tỉnh Kon Tum, Quảng Nam tổ chức theo dõi, kiểm tra, đánh giá thiệt hại; huy động lực lượng và nguồn lực hỗ trợ những hộ dân bị thiệt hại (nếu có) và bảo đảm an toàn công trình theo quy định. Thông tin, truyên truyền về các biện pháp ứng phó với động đất theo tài liệu do Ban Chỉ đạo quốc gia về Phòng chống thiên tai, Bộ Xây dựng và Viện Vật lý địa cầu cung cấp.
Cung cấp thông tin đầy đủ, kịp thời thông tin về động đất, thiệt hại do động đất (nếu có), tránh tâm lý hoang mang trong nhân dân, nhất là đối với các hộ đồng bào dân tộc thiểu số. Tổ chức đánh giá nơi ở an toàn, công trình cơ sở hạ tầng, nhất là các hồ chứa thủ lợi, thủy điện để có giải pháp ứng phó kịp thời. Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tập đoàn Điện lực Việt Nam chỉ đạo kiểm tra, đánh giá ảnh hưởng của động đất đến an toàn hồ đập; triển khai các biện pháp để bảo đảm an toàn hồ đập.
Bộ Giao thông vận tải chỉ đạo kiểm tra, đánh giá ảnh hưởng của động đất đến công trình giao thông trong khu vực; chủ động triển khai các biện pháp để bảo đảm an toàn.