Xã hội

Cửa ngõ Sài Gòn những ngày giải phóng

Thiếu tá Nguyễn Ngọc Nho - Cựu chiến binh Đoàn 559 Anh hùng 29/04/2023 - 11:39

(TN&MT) - Sau chiến dịch 275 (Mật danh của chiến dịch Tây Nguyên năm 1975), giải phóng thị xã Buôn Ma Thuột và tiến công địch rút chạy khỏi Tây Nguyên theo quốc lộ 7, mà đỉnh cao là thắng lợi tại thị trấn Cheo Leo, Phú Bổn, gần như Quân đoàn 2 của địch đã bị tiêu diệt và tan rã hoàn toàn.

Về phía ta, hai đơn vị công binh (Lữ đoàn 575 và Trung đoàn 7) cùng đội hình Quân đoàn 3, trong đó có Lữ đoàn xe tăng 273, các đơn vị bộ binh thiện chiến (Trung đoàn 198, Trung đoàn 48) cùng lực lượng đặc công, pháo cao xạ của ta được lệnh tiếp tục hành quân chiến đấu theo hướng quốc lộ 4, quốc lộ 13 đánh chiếm Sư đoàn 25 ngụy rồi tiến về Cầu Bông (quốc lộ 22, nơi tiếp giáp Củ Chi và Hóc Môn, cách trung tâm Sài Gòn chừng 30km), cùng các đơn vị trực thuộc tác chiến ở cửa ngõ Tây Bắc trước khi tiến về Sài Gòn.

5-1-.jpg
Đoàn quân giải phóng trên quốc lộ I từ Nha Trang tiến về giải phóng miền Nam. Ảnh: Lâm Hồng Long/TTXVN

Nhiệm vụ của chúng tôi là giải phóng Sài Gòn, còn các đồn bốt nhỏ lẻ, các cứ điểm chốt chặn của địch trên dọc đường hành quân, chúng tôi được lệnh để bộ đội địa phương và dân quân du kích giải quyết.

Đội hình Lữ đoàn Công binh 575 của chúng tôi do anh Nghĩa chỉ huy. Anh Nghĩa là Lữ đoàn phó, Tham mưu trưởng. Trong nhiệm vụ của đơn vị giao, đây là lực lượng tiên phong có nhiệm vụ phối kết hợp với các đơn vị trong Quân đoàn. Trước khi nhận nhiệm vụ, Lữ đoàn trưởng Nguyễn Bá Tòng căn dặn: Bằng bất cứ giá nào, các đồng chí cũng phải hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.

Kể từ chiến dịch Tây Nguyên và trên đường cùng Quân đoàn theo hướng Tây Bắc tiến đánh Sài Gòn, tôi - trợ lý quân lực cùng trợ lý tác chiến Lực, trợ lý trang bị chiến đấu Giới và Tiểu đội trưởng thông tin, trinh sát Hậu luôn bám sát và ngồi chung xe chỉ huy của Lữ đoàn phó, Tham mưu trưởng Nghĩa, trên một chiếc xe Jeep lấy được của địch từ Buôn Ma Thuột.

Đêm 25/4/1975, bờ sông Sài Gòn im ắng lạ thường, đội hình tiểu đoàn công binh cầu phà, đội rà phá bom mìn, đội trinh sát tinh nhuệ đã được lệnh đào gấp hầm hào trú ẩn, hội ý lên phương án tác chiến phối hợp với lữ đoàn xe tăng và pháo binh, bộ binh… chờ giờ G tiến đánh hướng vào Sài gòn. Anh em tranh thủ nghỉ ngơi, ăn uống. Nhiều ngày qua, đây là lần đầu tiên chúng tôi được ăn bữa cơm nóng do các má, các chị em du kích Củ Chi lo cho, lần đầu tiên biết đến bánh tráng cuộn thịt lẫn rau, lần đầu tiên biết đậu phộng là lạc, biết quả mận là quả roi miền Bắc, biết trái thơm là trái dứa và lần đầu tiên được thưởng thức mỳ tôm…

… Ngày 29/4, đơn vị tôi phối kết hợp với lữ đoàn xe tăng và bộ binh đánh chiếm cứ điểm Cầu Bông trên đường 22. Chúng tôi được lệnh bằng mọi giá phải cùng các đơn vị trong Quân đoàn giải phóng cứ điểm Cầu Bông nhưng không được để địch phá cầu. Giao tranh ác liệt diễn ra từ mờ sáng 29/4, xe tăng ta sử dụng chủ công là 5 chiếc M48, M41 chiến lợi phẩm thu được của địch. Điều này hoàn toàn khiến cho quân địch bất ngờ bởi các chiến sỹ chúng ta đã nhanh chóng chiếm lĩnh và sử dụng thành thục khí tài của địch, yếu tố bất ngờ đó đã góp phần làm nên chiến thắng trong trận đánh lịch sử ác liệt tại Cầu Bông, chiếc cầu quan trọng trên đường tiến quân vào giải phóng Sài Gòn, hướng Quân đoàn 3. Những chiến sỹ công binh chúng tôi đã hoàn thành nhiệm vụ chiến đấu tiêu diệt các đơn vị cảm tử của địch khiến chúng không kịp cho nổ mìn phá cầu, tạo điều kiện cho xe tăng và quân ta tiến về hợp cùng các cánh quân giải phóng Sài Gòn.

Chiều 30/4, vài tiếng sau giải phóng nhưng tiếng súng thi thoảng vẫn còn đâu đó. Rất nhiều những tàn binh địch vứt súng đạn, trút bỏ quần áo quân vụ, tìm vội quần áo dân sự tháo lui. Trên hầu hết các đường phố, nhất là trên các cây cầu dẫn vào dinh Độc Lập, bộ đội ta và lực lượng quân quản, anh em du kích được lệnh thu dọn tàn dư binh lính địch và dụng cụ chiến tranh... Lữ đoàn chúng tôi được Quân đoàn giao nhiệm vụ cùng một số đơn vị khác bảo vệ phi trường Tân Sơn Nhất với hai nhiệm vụ chính, một là không cho kẻ địch phá hoại máy bay và các loại vũ khí trang thiết bị, cơ sở vật chất kỹ thuật và phương tiện chiến tranh; nhiệm vụ thứ hai cũng vô cùng quan trọng, đó là bảo vệ các sở chỉ huy, các nhà làm việc của địch, đề phòng chúng tẩu tán và phi tang tài liệu chiến tranh, phá hoại trang thiết bị…

Tất cả các đơn vị đều được phân ra từng phân đội, mỗi phân đội có các chiến sỹ công binh làm nhiệm vụ gỡ từng quả mìn địch cài lại trên máy bay, nhà công vụ; một lực lượng chiến sỹ trinh sát sẵn sàng đánh địch còn cố thủ tại các hầm ngầm. Thời điểm đó, chúng tôi đã bắt sống được khá nhiều tàn binh vì quá sợ hãi không dám ra khỏi hầm và cũng không tin là ta đã đánh chiếm dinh Độc Lập, giải phóng miền Nam.

5-2-.jpg
Cánh quân phía Đông Bắc của Quân giải phóng vượt xa lộ Biên Hòa, phát triển đánh thẳng về Sài Gòn sau khi tấn công tiêu diệt tập đoàn phòng ngự Biên Hòa, tiêu diệt và làm tan rã Sở chỉ huy Quân đoàn 3 ngụy, Sư đoàn Bộ binh số 18, lực lượng lính thủy đánh bộ, lính nhảy dù, lính thiết giáp ngụy ở Long Bình. Ảnh: Vũ Tạo/TTXVN

Đêm 30/4/1975, đêm đầu tiên ngủ tại Sài Gòn. Nhẽ ra đó là một đêm tôi và anh em được ngủ trọn vẹn đúng nghĩa, ấy vậy mà đâu có ai ngủ được. Thấy cái gì cũng lạ, cái gì cũng hiện đại, có rất nhiều trang thiết bị phục vụ đời sống cho binh lính Mỹ và ngụy quyền Sài Gòn trong sân bay mà đa số các chiến sỹ của chúng ta chưa một lần biết đến, chưa một lần được sử dụng. Chẳng hạn như việc một số đồng đội tôi đi kiểm tra phía Đông sân bay, phát hiện có trái mìn định hướng lắp trên chái nhà trước đó là nhà chỉ huy của địch. Vì không có thang leo lên gỡ nên anh em định bắn kích nổ chủ động. Rất may cô du kích đi cùng biết chuyện đã giải thích: “Đây là chiếc máy điều hòa không khí, không phải mìn”.

... Kết thúc chiến tranh, anh em chúng tôi mỗi người một nhiệm vụ riêng nên ít khi có dịp gặp nhau. Khoảng năm 80, nhân chuyến công tác xuống Thái Bình quê lúa nhà anh Giới, mấy anh em chúng tôi may mắn gặp lại, ôm nhau mừng mừng tủi tủi, rồi râm ran kể lại chuyện xưa. Nào chuyện hành quân, quanh năm nằm võng trên đường Trường Sơn, ba lô súng đạn vẫn mang trên vai ngủ ngon lành và bật dậy rất nhanh hành quân thần tốc; chuyện anh em lần đầu thấy xe Hon đa ở Cheo Leo Phú Bổn mà không ai biết đi; chuyện chuyến đi trinh sát bằng xe Jeep chúng tôi lấy được của địch, cũng vì đi xe của địch nên chúng cứ “tưởng quân mình”, không kịp trở tay đã bị chúng tôi tiêu diệt…

Rồi chuyến đi về quê nhút Thanh Chương - quê hương của cậu Thực - chiến sỹ trinh sát cừ khôi của Lữ đoàn đã theo chúng tôi từ ngày đầu chiến dịch. Thực cùng 3 chiến sĩ trong cánh quân của chúng tôi đã hy sinh tại căn cứ Củ Chi đêm 25/4/1975, chỉ vài ngày trước khi quân ta tiến vào giải phóng Sài Gòn, chỉ còn vài ngày nữa là chiến thắng.

Chiến tranh là một cuộc thử thách quá ác liệt với cả một dân tộc và với từng con người. Vào những thời khắc cam go, người lính chúng tôi không cho phép mình mềm lòng, lung lay ý chí chiến đấu. Trước những mất mát đau thương, có lúc phải tạm gói ghém lại để vượt lên, bước tiếp. Như sự hy sinh của Thực. Khi ấy, vì nhiệm vụ hành quân, chúng tôi chỉ biết bàn giao lại tư trang cá nhân và địa chỉ quê nhà của Thực cho anh chị em du kích Củ Chi rồi lập tức lên đường, mãi sau chiến tranh mới có dịp về quê thắp hương cho đồng đội.

…Mới đó mà đã 48 năm. Cứ mỗi dịp tháng tư là kỷ niệm lại ùa về. Nhớ những ngày mưa bom bão đạn, cùng đồng đội lội suối băng rừng nếm mật nằm gai. Nhớ những cuộc chia ly tại cửa ngõ Sài Gòn khi chiến thắng đã cận kề, nhớ không khí tiến về Sài Gòn đánh trận cuối cùng... Những ký ức ấy không bao giờ chúng tôi quên được.

Những ngày này, có rất nhiều chuyến trở về thăm chiến trường xưa. Khắp nơi trên cả nước rực rỡ cờ hoa. Và cũng rất nhiều vòng hoa tại các Nghĩa trang Liệt sĩ, nhiều gia đình thắp hương tưởng nhớ người thân đã mất, nhiều đồng đội thắp hương tưởng nhớ đồng đội của mình đã hy sinh. Những lúc như thế, tôi lại ngẫm nghĩ mãi về hai câu thơ của nhà thơ Tố Hữu trong trường ca “Việt Nam - máu và hoa”: “Phải bao máu thấm trong lòng đất/ Mới ánh hồng lên sắc tự hào”.

Ba Vì, tháng 4/2023

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cửa ngõ Sài Gòn những ngày giải phóng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO