Sau phiên khai mạc, các nội dung công việc được chia thành các nhóm nhỏ. Ban Bổ trợ thực hiện (SBI 45) tập trung thảo luận về: hệ thống đăng ký NDC quy định trong Thoả thuận Paris; vấn đề liên quan đến cơ chế trong Nghị định thư Kyoto; kế hoạch thích ứng quốc gia; rà soát các quy định của Quỹ thích ứng; xác định phạm vi, phương thức đánh giá định kỳ cơ chế công nghệ thuộc Thoả thuận Paris; vấn đề tăng cường năng lực cho các quốc gia đang phát triển; rà soát lại chương trình làm việc Doha; tác động từ việc triển khai các biện pháp ứng phó; phạm vi đánh giá nỗ lực toàn cầu năm 2018; giới và biến đổi khí hậu; các vấn đề tổ chức Hội nghị Ban liên chính phủ...
Toàn cảnh phiên họp |
Nội dung về Kế hoạch thích ứng quốc gia, hiện Việt Nam đang phối hợp với UNDP để xây dựng đề xuất Kế hoạch thích ứng quốc gia với sự hỗ trợ của Quỹ Khí hậu xanh. Quan điểm của Việt Nam đối với nội dung này đó là: ngoài việc hỗ trợ xây dựng Kế hoạch thích ứng quốc gia, đề xuất mở rộng hỗ trợ thực hiện các ưu tiên ban đầu trong Kế hoạch thích ứng quốc gia khi Kế hoạch được phê duyệt.
Ban Bổ trợ Khoa học Công nghệ (SBSTA 45) tập trung thảo luận về: Chương trình làm việc Nairobi về tác động, tính dễ bị tổn thương và thích ứng với biến đổi khí hậu; Khuôn khổ Công nghệ quy định tại Điều 10, Thoả thuận Paris; các vấn đề liên quan đến nông nghiệp; vấn đề phương pháp luận trong kiểm kê phát thải KNK và Nghị định thư Kyoto; các cơ chế thị trường, phi thị trường trong khuôn khổ UNFCCC; Hướng dẫn về cách tiếp cận hợp tác và vấn đề huy động, hỗ trợ tài chính theo Điều 6 và Điều 9 của Thoả thuận Paris.
Nội dung Công nghệ được thảo luận trong hai chương trình nghị sự của SBI 45 và SBSTA 45, về xây dựng và chuyển giao công nghệ, báo cáo chung hàng năm của Ban Chấp hành công nghệ và Mạng lưới và Trung tâm Công nghệ khí hậu (CTNC). Sau những ngày làm việc đầu tiên, các bên đã đưa ra dự thảo kết luận để đệ trình lên COP 22 xem xét, phê duyệt.
SBSTA tiếp tục thảo luận các vấn đề liên quan đến Khung công nghệ (Technology Framework), vai trò của Khung công nghệ trong việc nâng cao hiệu quả của Cơ chế công nghệ. Khung công nghệ nên phù hợp với bối cảnh chuyển đổi và tầm nhìn dài hạn cho phát triển và chuyển giao công nghệ quy định tại Điều 10 trong Hiệp định Paris. Đây cũng là một trong những nội dung quan trọng để Việt Nam thực hiện Thoả thuận Paris, cần làm rõ mối liên hệ giữa tài chính và công nghệ để các bên có thể thực hiện Thoả thuận Paris.
Trong vấn đề giới và biến đổi khí hậu, nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam ủng hộ việc mở rộng Kế hoạch làm việc Lima về giới và biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, các nội dung chi tiết để hỗ trợ xây dựng kế hoạch, tổ chức các hội thảo giữa kỳ, tài chính để thực hiện, giám sát đánh giá vẫn còn có nhiều ý kiến khác nhau. Quan điểm của phía Việt Nam là cần làm rõ sự liên kết giữa nội dung giới với tài chính và khung công nghệ, tăng cường năng lực cho các Bên (theo như nội dung đã thống nhất tại Kế hoạch làm việc Lima về giới và biến đổi khí hậu và Thoả thuận Paris).
Liên quan đến quy định tại điều 14 của Thỏa thuận Paris, SBSTA đưa ra tham vấn về vai trò của các báo cáo trong chu kỳ đánh giá lần thứ 6 của IPCC với Đánh giá nỗ lực toàn cầu, làm cơ sở khoa học liên quan đến các chính sách. Khung thời gian của các báo cáo đánh gia lần thứ sáu của IPCC cần phù hợp với khung thời gian của các báo cáo về Đánh giá nỗ lực toàn cầu.
Chu Thanh Hương (đưa tin từ Ma – rốc)