COP 22: Đoàn kết ứng phó với BĐKH toàn cầu

08/11/2016 00:00

(TN&MT) - Phát biểu tại Lễ khai mạc Hội nghị lần thứ 22 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP 22) hôm 7/11, ông Salaheddine Mezouar - Bộ trưởng Bộ Ngoại Giao Ma-rốc, tân Chủ tịch COP 22 kỳ vọng: Hội nghị có thể đạt được kết quả tham vọng hơn những gì các Bên đã cam kết.

Đoàn đàm phán kỹ thuật Việt Nam tại lễ khai mạc COP 22
Đoàn đàm phán kỹ thuật Việt Nam tại lễ khai mạc COP 22

Hội nghị COP 22 diễn ra tại Bab Ighli, Ma-ra-ket, Ma-rốc trong bối cảnh hơn 100 Bên (quốc gia) đã chính thức tham gia Thỏa thuận, Việt Nam là nước thứ 95 phê duyệt Thỏa thuận này.

Trong Lễ khai mạc, bà Patricia Espinosa, Tổng thư ký Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (UNFCCC) nhấn mạnh 5 nội dung chính các đại biểu cần tập trung thảo luận. Đó là: Tài chính giúp các nước đang phát triển xanh hóa nền kinh tế và chống chịu với biến đổi khí hậu; Đóng góp do quốc gia tự quyết – các kế hoạch hành động khí hậu quốc gia cần phải được lồng ghép và các chính sách và kế hoạch đầu tư; Hỗ trợ thích ứng, cơ chế tổn thất và thiệt hại nhằm đảm bảo sự an toàn cho các cộng đồng dễ bị tổn thương nhất; Nhu cầu tăng cường năng lực cho các nước đang phát triển theo hướng phù hợp với yêu cầu cụ thể của từng quốc gia; Khuyến khích sự tham gia của các bên có liên quan.

Chủ tịch COP 22 - ông Salaheddine Mezouar và Chủ tịch COP 21 - Ségolène Royal tại lễ khai mạc
Chủ tịch COP 22 - ông Salaheddine Mezouar và Chủ tịch COP 21 - Ségolène Royal tại lễ khai mạc

Ông Hoesung Lee, Chủ tịch Ủy ban Liên Chính phủ về biến đổi khí hậu (IPCC) cho biết: COP 22 là COP hành động. Theo yêu cầu của COP 21, IPCC xây dựng báo cáo đặc biệt về tác động của việc tăng 1,5 ­ 2 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp vào cuối thế kỷ. Dự kiến báo cáo sẽ được hoàn thành vào năm 2018. Bên cạnh đó, IPCC xây dựng 2 báo cáo đặc biệt năm 2019 và Báo cáo đánh giá lần thứ VI. Hai báo cáo này sẽ được hoàn thành vào năm 2022, là thời điểm chuẩn bị đánh giá nỗ lực toàn cầu vào năm tiếp theo. Ông Lee mong muốn, những báo cáo của IPCC trong tương lai sẽ là cơ sở khoa học cho các nhà lập chính sách thảo luận và thực hiện Thoả thuận Paris.

Tại lễ khai mạc, các đại biểu đã bật sáng chiếc đèn năng lượng mặt trời, được xem là biểu tượng để chuyển đổi sang công nghệ sạch, là điều cần thiết để đạt được các mục tiêu của Thỏa thuận Paris. Họ cùng thắp sáng đèn, thể hiện sự đoàn kết trong việc ứng phó với biến đổi khí hậu toàn cầu.

Các đại biểu cùng bật sáng chiếc đèn năng lượng mặt trời
Các đại biểu cùng bật sáng chiếc đèn năng lượng mặt trời

Đoàn Việt Nam tham dự COP 22 do Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân làm trưởng đoàn, các thành viên đến từ các Bộ: Tài nguyên và Môi trường, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Ngoại Giao, Công Thương, Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Giao Thông, Xây dựng, Khoa học và Công nghệ. Trưởng đoàn công tác đã phân công cụ thể nội dung công việc cho từng thành viên, bám sát các nội dung Phiên họp, bảo vệ quan điểm của Việt Nam theo các phương án đàm phán đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Chu Thanh Hương (từ Ma-rốc)

 

 
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
COP 22: Đoàn kết ứng phó với BĐKH toàn cầu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO