(TN&MT) - Công ty TNHH Xử lý chất thải Việt Nam (VWS) vừa có văn bản gửi Thành ủy, UBND TP HCM và các Sở ngành có liên quan giải trình Công văn 299/UBND-ĐT, ngày 21/1/2015 của UBND TP HCM (Công văn 299) về việc điều chỉnh Giấy phép đầu tư của VWS.
Nhà máy phân loại tái chế vẫn “trùm mền” từ năm 2010 đến nay |
Việc điều chỉnh công suất
VWS cho biết, ngày 3/11/2014, Công ty đã gửi văn bản giải trình tới UBND TP HCM và Sở Kế hoạch - Đầu tư về mục đích trong việc xin điều chỉnh nâng công suất tiếp nhận của Khu liên hợp xử lý chất thải Đa Phước lên thành 10.000 tấn rác/ngày là để phù hợp với công suất đã thiết kế, xây dựng của bãi chôn lấp công nghệ cao. Việc điều chỉnh nâng công suất tiếp nhận hàng ngày này không ảnh hưởng đến tổng khối lượng 24 triệu m3 của bãi chôn lấp công nghệ cao đã được thiết kế bởi chuyên gia Hoa Kỳ và được Bộ Kế hoạch - Đầu tư cấp Giấy chứng nhận đầu tư số: 2535/GP ngày 28/12/2005 và Bộ Xây dựng thẩm định. Thiết kế này là thiết kế cho các ô chôn lấp xử lý rác chứ không phải là công trình dân dụng nhà ở hay công nghiệp. Khối lượng rác tăng thêm đã được các chuyên gia Hoa Kỳ tính toán, xây dựng quy trình vận hành hợp lý, đảm bảo an toàn cho hoạt động chung của toàn Khu liên hợp.
Đồng thời, việc xin điều chỉnh giấy phép nâng công suất tiếp nhận là đúng với quy định của pháp luật và phù hợp với thực tế hoạt động hiện nay bởi TP HCM đã có quyết định đến cuối tháng 3/2015 đóng cửa bãi chôn lấp gây ô nhiễm môi trường ở Khu xử lý rác Phước Hiệp (huyện Củ Chi). Theo đó, 2.000 tấn rác/ngày đang được TP HCM vận chuyển theo lộ trình từ Khu xử lý rác Phước Hiệp về Khu liên hợp xử lý chất thải Đa Phước xử lý và chôn lấp theo công nghệ cao. VWS nhấn mạnh, việc điều chỉnh này chỉ là một thủ tục pháp lý, chứ không nhất thiết bắt buộc Thành phố phải giao đủ 10.000 tấn rác/ngày cho VWS xử lý.
Về nội dung Công văn số 299 cho rằng Khu liên hợp xử lý chất thải Đa Phước không xây dựng Nhà máy phân loại, thu gom nguyên liệu tái chế công suất 2.500 – 3.000 tấn/ngày. VWS cho biết, căn cứ nội dung Hợp đồng VWS đã ký với UBND TP.HCM năm 2005 sẽ có ba thành phần rác mà Thành phố phải giao cho VWS gồm: Rác phế liệu để Công ty có thể phân loại, tái chế; rác hữu cơ để sản xuất phân compost; bãi chôn lấp rác công nghệ cao.
Trong khi, theo VWS, đơn vị này đã thực hiện đúng các cam kết của Hợp đồng, cụ thể: Bãi chôn lấp rác công nghệ cao đã đi vào hoạt động từ năm 2007; Nhà máy phân loại tái chế đã hoàn thành từ năm 2010; Nhà máy sản xuất phân compost năm 2011… Tuy nhiên, VWS cho rằng thời gian qua, Thành phố không thực hiện được việc thu gom, phân loại rác tại nguồn giao cho VWS nên hai nhà máy trên mặc dù được đầu tư gần 20 triệu USD vẫn bị “trùm mền” từ nhiều năm nay. Tổng khối lượng rác Thành phố giao cho VWS là rác lẫn lộn các chất thải sinh hoạt hàng ngày, không có phế liệu để Công ty phân loại và có nhiều chủng loại tạp chất gây ảnh hưởng sức khỏe người lao động, chỉ có thể xử lý chôn lấp theo công nghệ cao.
Khu liên hợp xử lý chất thải Đa Phước được đầu tư theo công nghệ hiện đại của Hoa Kỳ
Đặc biệt, VWS đã tiếp tục làm tốt hơn và đầu tư nhiều hạng mục hơn so với cam kết ban đầu như xây dựng trạm rửa xe tự động để các xe tải chở rác vào công trường được rửa sạch khi trở ra và chạy trên đường không phát tán ra mùi hôi thối. Công ty còn đầu tư Nhà máy sản xuất điện năng từ khí bãi chôn lấp, tạo thêm sản phẩm có ích cho xã hội thay vì chỉ đốt bỏ như dự kiến ban đầu; lắp đặt Nhà máy xử lý nước với công nghệ lọc Nano – là nhà máy xử lý nước rỉ rác công nghệ cao đầu tiên có tại Việt Nam, có thể tái sử dụng nước đầu ra thay vì xử lý bình thường như các dự án khác; đầu tư công nghệ phun xịt Poshi-Shell che đậy rác, khử mùi hôi và giết côn trùng hàng ngày. Đây là công nghệ mới nhất được áp dụng tại Hoa Kỳ và được VWS sử dụng tại Việt Nam từ những ngày đầu tiếp nhận và xử lý rác.
Về đơn giá xử lý rác
Nội dung Công văn 299 cho rằng đơn giá Thành phố trả cho VWS cao hơn các dự án khác 3 triệu USD/năm, VWS cho rằng giá xử lý rác của đơn vị này hiện nay là giá đã được tổ đàm phán liên ngành (gồm tất cả các ban ngành chức năng của Thành phố) thương thảo, đàm phán với VWS trước khi dự án chính thức được thực hiện. Đây là dự án được đầu tư 100% bằng nguồn vốn của doanh nghiệp, còn dự án ở Phước Hiệp là nguồn vốn do ngân sách Thành phố đầu tư và thanh toán cho tiền xử lý rác nên không thể so sánh như nhau được. Đơn giá xử lý rác còn căn cứ trên quy mô đầu tư kỹ thuật khác nhau, công nghệ vận hành và xử lý khác nhau, tiêu chuẩn bảo đảm về mặt môi trường của mỗi dự án khác nhau nên giá thành xử lý rác sẽ phải có sự chênh lệch khác nhau.
Cũng theo văn bản của VWS, đơn giá xử lý rác đã được VWS giải trình rất nhiều lần với Thành phố, trong khi đó Khu liên hợp xử lý chất thải Đa Phước là một dự án lâu dài, thời hạn hợp đồng kéo dài 50 năm, chỉ cần căn cứ theo các nội dung của hợp đồng đã thỏa thuận và ký kết để thực hiện.
Về việc thực hiện Luật Cạnh tranh
Về nội dung Công văn 299 cho rằng nếu như VWS nhận thêm rác từ Phước Hiệp thì tổng khối lượng rác sẽ nâng công suất lên đến 5.000 – 5.500 tấn/ngày và sẽ chiếm khoảng 75% tổng khối lượng rác xử lý mỗi ngày của toàn Thành phố. So sánh với tổng số tấn rác thu gom/ngày của Thành phố là 6.700 tấn sẽ là dấu hiệu vi phạm điều cấm của Luật Cạnh tranh.
VWS cho biết, tại TP.HCM, có rất nhiều công ty được cấp giấy phép hoạt động trong lĩnh vực xử lý rác như: Tâm Sinh Nghĩa, Vietstar… chứ không phải chỉ riêng VWS được cấp phép độc quyền. Như vậy, việc VWS xử lý 75% hoặc 100% khối lượng rác của Thành phố không phải là dấu hiệu vi phạm Luật Cạnh tranh. VWS đã quyết tâm làm tốt nhất trong khả năng có thể để xử lý rác thải, bảo vệ môi trường và sức khỏe cho người dân nên đã được Thành phố tin tưởng, giao thêm rác đến cho VWS xử lý.
VWS cũng cho rằng, đơn vị này rất tự hào vì đã được Thành phố tin tưởng, giao cho nhiệm vụ xử lý rác, góp phần bảo vệ môi trường xanh, sạch đẹp cho người dân Thành phố thông qua hợp đồng giao nhận và xử lý chất thải rắn. Đến nay, hợp đồng này đã thực hiện được 9 năm và chuẩn bị bước sang năm thứ 10.
Bài & ảnh: Tường Thanh