Trước đó, ngày 30/1/2019, Công ty cổ phần Thép Dana Ý (đường 11B, Cụm Công nghiệp Thanh Vinh, xã Hòa Liên, huyện Hòa Vang, TP. Đà Nẵng) đã có đơn gửi đến TAND TP. Đà Nẵng yêu cầu khởi kiện UBND TP. Đà Nẵng, Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng. Đồng thời, Công ty cũng yêu cầu bồi thường là 400 tỉ đồng do UBND TP đã có quyết định buộc dừng sản xuất gây thiệt hại cho công ty.
Theo nội dung đơn, Công ty Thép Dana Ý khởi kiện 4 công văn, quyết định của UBND TP. Đà Nẵng đối với doanh nghiệp này gồm: Công văn 1446 ngày 2/3/2018 của Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng; Thông báo số 30 ngày 23/3/2018 của UBND TP. Đà Nẵng; Quyết định xử phạt vi phạm hành chính số 5585 ngày 23/11/2018 của Chủ tịch UBND Đà Nẵng (người ký các công văn, thông báo và quyết định trên là ông Hồ Kỳ Minh, Phó Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng) và hành vi không giải quyết việc người dân bao vây nhà máy thép từ ngày 26/9/2018 đến nay của Chủ tịch UBND thành phố.
Theo đó, nội dung đơn kiện cũng trình bày vụ việc, năm 2006, UBND TP. Đà Nẵng khuyến khích và kêu gọi Công ty Thép Dana - Ý di dời nhà máy thép từ khu công nghiệp Hòa Khánh đến Cụm công nghiệp Thanh Vinh, xã Hòa Liên, huyện Hòa Vang, TP. Đà Nẵng. Cùng với đó, UBND TP. Đà Nẵng thống nhất chủ trương di dời các hộ dân cạnh Cụm công nghiệp Thanh Vinh để tạo vành đai phân cách với khu dân cư cho phù hợp tiêu chuẩn quy hoạch cụm công nghiệp.
Tuy nhiên, việc giải tỏa đền bù, di dời các hộ dân bị ảnh hưởng xung quanh nhà máy Thép Dana Ý không thông suốt, “treo” hàng chục năm. Ngoài ra, cơ quan có thẩm quyền vẫn tiếp tục cấp đất cho người dân làm nhà sát cạnh nhà máy. Điều này, khiến hàng trăm hộ dân bức xúc và có phản ứng gay gắt. Ngay sau đó, thủ tục tiến hành giải tỏa được triển khai nhanh chóng. Trong lúc người dân chờ đền bù, bố trí tái định cư thì UBND thành phố bất ngờ thu hồi quyết thu hồi, hủy bỏ chủ trương giải tỏa, di dời các hộ dân sát nhà máy. Bên cạnh đó, ngày 2/3/2018, ông Hồ Kỳ Minh - Phó Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng ký công văn 1446 buộc công ty ngưng toàn bộ hoạt động sản xuất gây ô nhiễm môi trường mà theo Dana Ý mà không dựa trên bất kỳ cơ sở khoa học, quy định pháp luật nào.
Hai mươi ngày sau, UBND TP. Đà Nẵng lại có thông báo số 30 cho phép nhà máy hoạt động trở lại. “Tuy nhiên, Thông báo số 30 này đã có nhiều nội dung không đúng với pháp luật, hạn chế quyền của doanh nghiệp: Đề nghị nhà máy không thực hiện mở rộng sản xuất, không giao kết hợp đồng mua bán nguyên liệu là phế liệu để sản xuất thép…”- Nội dung đơn khởi kiện thể hiện.
Tháng 7/2018, UBND thành phố đã tiến hành 2 kỳ kiểm tra, thực hiện quan trắc môi trường. Kết quả không phát hiện hành vi gây ô nhiễm môi trường của công ty nhưng vẫn “im lặng’ và không công bố kết quả. Ngoài ra, hết thời hạn 6 tháng của thông báo số 30, UBND thành phố vẫn không tổ chức cuộc họp với người dân để trả lời chính thức phương án xử lý di dời nhà máy hay di dời dân như chủ trương kế hoạch trước đó. Người dân bức xúc vì không có câu trả lời rõ ràng về số phận của nhà máy thép nên đã bao vây, không cho công ty hoạt động.
Ngày 21/11/2018, tại công văn 1026-CV/VPTU của Văn phòng Thành ủy đã thừa nhận vấn đề liên quan đến 2 nhà máy cũng là do quy hoạch, do việc bố trí không phù hợp với ngành nghề tại khu vực. Tuy nhiên, đến ngày 22/11/2018, Phó Chủ tịch UBND thành phố - ông Hồ Kỳ Minh ký Quyết định 5585 xử phạt nhà máy Thép Dana Ý tổng số tiền 400 triệu đồng và đình chỉ hoạt động 6 tháng. Công ty Dana Ý cho rằng, các quyết định của chính quyền Đà Nẵng như buộc công ty ngừng hoạt động sản xuất, đã xâm phạm quyền tự do kinh doanh, gây thiệt hại nghiêm trọng đến hoạt động doanh nghiệp và gây mất việc làm của hàng ngàn người lao động.
Trong đơn khởi kiện, Công ty Thép Dana Ý yêu cầu giải quyết 4 nội dung là hủy Công văn 1446 và buộc Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng bồi thường thiệt hại do việc thi hành nội dung của công văn này gây ra là hơn 109 tỉ đồng. UBND TP. Đà Nẵng phải bồi thường thiệt hại do việc thi hành thông báo số 30 gây ra là hơn 11 tỉ đồng. Công ty Thép Dana Ý cũng buộc Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng bồi thường thiệt hại gây ra bởi hành vi không giải quyết việc người dân bao vây nhà máy thép là hơn 120 tỉ đồng và yêu cầu hủy một phần quyết định 5585 và buộc Chủ tịch UBND thành phố bồi thường thiệt hại gây ra bởi việc thực thi quyết định này là hơn 156 tỉ đồng.
Như vậy, tổng số tiền mà Dana Ý yêu cầu được bồi thường từ những thiệt hại phải gánh chịu do các quyết định của UBND TP. Đà Nẵng là gần 400 tỉ đồng. Được biết, ngay sau đó, phía Công ty cổ phần Thép Dana - Ý đã yêu cầu tòa án tạm dừng thụ lý vụ án để hai bên thương lượng nhằm tìm giải pháp tối ưu nhất và tòa đã thực hiện theo yêu cầu. Tuy nhiên, do thời gian hòa giải theo quy định đã hết hiệu lực nên công ty nộp án phí để TAND TP. Đà Nẵng tiếp tục thụ lý giải quyết.
Như chúng tôi đã thông tin trước đó, câu chuyện về nhà máy thép Dana Ý (đóng tại xã Hòa Liên, huyện Hòa Vang, TP. Đà Nẵng) trong khoảng 1 thời gian dài bị người dân vây dai dẳng, không cho sản xuất, đến thời điểm hiện tại vẫn chưa được giải quyết ổn thỏa. Trong khi đó, nhiều người dân xã Hòa Liên cho biết rằng, họ cũng quá mệt mỏi vì quanh năm suốt tháng vây nhà máy thép. Cũng như nhà máy thép, người dân chờ câu trả lời từ chính quyền theo kiểu "di dân hay di dời nhà máy".