Công trình công nghiệp nhưng không có hồ sơ thiết kế thi công
Tìm hiểu về việc quản lý xây dựng Dự án sản xuất gạch không nung, bột đá và nung vôi công nghiệp của Công ty SAVINA, trước đó một tuần, Sở Xây dựng Hà Nam thông tin bị “thất lạc” hồ sơ. Một tuần sau, phóng viên Báo Tài nguyên và Môi trường trở lại và có buổi làm việc với Sở Xây dựng. Ông Lại Văn Tuyển, Trưởng phòng Quản lý xây dựng đã thông tin cho báo về Đề án xây dựng dây chuyền sản xuất gạch không nung, bột đá, vôi công nghiệp của Công ty SAVINA.
Năm 2010, Công ty SAVINA xin phép đầu tư dự án là 2 dây chuyền sản xuất là sản xuất gạch không nung và bột đá và được tỉnh Hà Nam chấp thuận. Cuối năm 2011 tỉnh lại có thông báo đồng ý cho Công ty SAVINA bổ sung dây chuyền sản xuất vôi công nghiệp. Do vậy dự án này thực hiện xây dựng đồng thời cả ba dây chuyền từ 2011 đến tháng 6/2013. Theo ông Tuyển, Sở Xây dựng quản lý xây dựng chủ yếu quản lý quy hoạch. Chủ đầu tư có thể thuê tư vấn thẩm tra thiết kế. Sở XD thẩm định kết quả thiết kế cơ sở đá mịn và gạch không nung. Sau đó có thông báo số 701, Sở Xây dựng thẩm định thiết kế phần bổ sung dây chuyền sản xuất vôi công nghiệp. Hồ sơ mà SAVINA trình sở, trên cơ sở đó sở xây dựng xét duyệt.
Theo hồ sơ Sở Xây dựng cung cấp, phần xây dựng dây chuyền sản xuất gạch không nung và bột đá được thuyết minh, thiết kế khá bài bản, nhưng phần xây dựng dây chuyền sản xuất vôi công nghiệp thì không có gì. Điều ngạc nhiên là, phần thiết kế cơ sở, chủ đầu tư photocopy bản thiết kế với các chú thích chữ nước ngoài, không hề có chữ việt để thuyết minh, giới thiệu công trình. Khi hỏi bản thiết kế chi tiết dây chuyền vôi công nghiệp thì phòng quản lý xây dựng cũng như tệp hồ sơ lưu trữ của sở đều không có. Cả tờ trình đầu tiên của Công ty SAVINA và giấy phép xây dựng cũng không có trong hồ sơ lưu trữ. Về việc không có bản thiết kế chi tiết, ông Lại Văn Tuyển giải trình rằng: “Hồ sơ thế nào, chúng tôi thẩm định thế đó” (?!).
Ngày 17/5/2006, Bộ Xây dựng có Thông tư số 02/2006/TT-BXD Hướng dẫn lưu trữ hồ sơ thiết kế, bản vẽ hoàn công công trình xây dựng. Theo đó, ở phần III, mục 2 của Thông tư nêu rõ: “Sở Xây dựng các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương là đầu mối theo dõi, hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện lưu trữ hồ sơ thiết kế, bản vẽ hoàn công công trình xây dựng trên địa bàn”. Thông tư có hiệu lực từ năm 2006, công trình của SAVINA hoàn thành năm 2013, thuộc quyền quản lý của Sở Xây dựng, thế nhưng ông Lại Văn Tuyển cứ khẳng định rằng thời điểm đó sở chưa phải lưu trữ hồ sơ thiết kế, bản vẽ hoàn công công trình xây dựng?
Trong hồ sơ lưu, chỉ có hồ sơ thiết kế cơ sở, lại vẽ không rõ ràng; không có thiết kế, bản vẽ thi công công trình. Không thẩm định thiết kế chi tiết, không trực tiếp giám sát quá trình xây dựng, các ngành chủ quản ở Hà Nam đã không biết Công ty SAVINA hoàn thiện công trình như thế nào.
Việc đánh giá tác động môi trường của dự án sản xuất vôi công nghiệp của Công ty SAVINA thì rất cụ thể, nhưng khi xây dựng xong lại không kiểm tra, giám sát lại xem bộ phận xử lý môi trường có không, có đạt tiêu chuẩn về môi trường hay không? Đó là điểm lạ trong quản lý xây dựng dự án sản xuất vôi công nghiệp của Công ty SAVINA.
Vậy nhưng, hiện nay, Nhà máy sảy xuất vôi công nghiệp của Công ty SAVINA vẫn ngày đêm xả bụi, khí ra môi trường gây hoang mang, lo lắng và bức xúc cho chính quyền và nhân dân xã Thanh Sơ, huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam.
Hệ lụy ai chịu trách nhiệm?
Theo Sở Xây dựng Hà Nam, dây chuyền nung vôi công nghiệp, Sở Xây dựng chỉ thẩm định thiết kế cơ sở, sở không thẩm định thiết kế công nghệ.
Phóng viên Báo Tài nguyên và Môi trường đặt vấn đề, nếu doanh nghiệp trình mình một đằng, họ lại xây dựng một nẻo thì sao? Ông Nguyễn Quang Huy, Phó Giám đốc Sở Xây dựng trả lời, khi đó sẽ có lực lượng thanh tra vào cuộc để làm rõ.
Thực tế thì lò nung vôi công nghiệp số 1 của Công ty SAVINA xây dựng đổ trụ bê tông bao quanh đỡ lò nung hình trụ ở giữa. Một công trình khung bê tông, cao gần 40 m, nhưng Sở xây dựng lại cho rằng đó là lắp đặt máy móc, công nghệ, không phải công trình xây dựng? Như vậy khác nào mặc cho doanh nghiệp muốn xây dựng thế nào thì xây. Khi hoàn công, doanh nghiệp không báo cáo, không cung cấp hồ sơ lưu trữ nhưng cũng chẳng ai ý kiến gì. Qua thực tiễn cũng như chúng tôi đã làm việc với Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nam thì Công ty SAVINA không xây lắp bộ phận xử lý khí thải, bụi thải theo quy trình sản xuất vôi công nghiệp. Như vậy, ngành chức năng quản lý xây dựng ở Hà Nam liệu có thiếu trách nhiệm trong việc để SAVINA bỏ qua phần xây dựng hệ thống xử lý môi trường?
Hoạt động của SAVINA gây ô nhiễm hủy hoại môi trường, người dân đang lên tiếng, song thật bất ngờ, năm 2017, tỉnh vẫn đồng ý cho Công ty này mở rộng dây chuyền sản xuất vôi, Donomite công suất gấp 6 lần, từ 60.000 tấn/năm lên 360.000 tấn/năm, tăng gấp 6 lần hiện tại, trong khi SAVINA không có mỏ đá vôi.
Vẫn như những lò cũ, ở các lò mới chúng tôi chưa thấy SAVINA xây dựng hệ thống xử lý khói bụi, khí thải. Từ 2013, Công ty SAVINA nung vôi công nghiệp, bung khói bụi lên trời một cách vô trách nhiệm, song không có sở, ngành nào nhận trách nhiệm về mình. Sự việc này UBND tỉnh Hà Nam cần làm rõ và trả lời trước người dân và công luận.
Sau 3 ngày làm việc với Sở Xây dựng Hà Nam, ông Vũ Văn Huỳnh, Chánh văn phòng Sở Xây dựng Hà Nam điện thoại thông tin cho phóng viên, sau khi kiểm tra lại tài liệu, Sở khẳng định: Công ty SAVINA không trình Sở và không xin phép Sở Xây dựng công trình sản xuất vôi công nghiệp.
Báo Tài nguyên và Môi trường tiếp tục thông tin về sự việc này.