Công tác quản lý nhà nước về đất đai và môi trường ở Hải Dương: Những vấn đề cần làm rõ

Trần Văn - Quyết Thắng| 05/08/2020 15:40

(TN&MT) - Sau khi Báo Tài nguyên & Môi trường đăng tải phóng sự truyền hình thứ nhất phản ánh về tình trạng tràn lan bến bãi than, VLXD tại Thị xã Kinh Môn ngang nhiên hoạt động trong mùa mưa lũ, Thanh tra Bộ Tài nguyên và Môi trường đã có công văn gửi UBND tỉnh Hải Dương đề nghị báo cáo về công tác quản lý nhà nước về đất đai và môi trường đối với hoạt động bến bãi tại đây.

Cụ thể, công văn của Thanh tra Bộ Tài nguyên và Môi trường nêu rõ: Ngày 30/7/2020, Báo Tài nguyên và Môi trường có phóng sự “Kinh Môn, Hải Dương: Hàng loạt bến bãi hoạt động gây ô nhiễm” phản ánh hàng loạt bến bãi hoạt động trung chuyển than gây ô nhiễm môi trường. Cụ thể, theo phóng sự phản ánh, trong 112 bến bãi đang hoạt động tại Kinh Môn, Hải Dương có đến 37 bến bãi hoạt động không phép. Chính quyền địa phương đã nhiều lần kiểm tra, xử lý nhưng chưa giải quyết triệt để được tình trạng như báo đã phản ánh. 

Công văn của Thanh tra Bộ TN&MT gửi UBND tỉnh Hải Dương

Bộ Tài nguyên và Môi trường đề nghị Ủy ban nhân dân tỉnh Hải Dương báo cáo công tác quản lý nhà nước về đất đai và môi trường đối với hoạt động bến bãi tại Kinh Môn, Hải Dương và gửi về Bộ Tài nguyên và Môi trường (thông qua Thanh tra Bộ) trước ngày 12/8/2020 để tổng hợp, báo cáo Bộ trưởng. 

Liên quan đến công tác quản lý hoạt động của các bến bãi, UBND Thị xã Kinh Môn cũng vừa mới ban hành Quyết định thành lập 3 Đoàn kiểm tra liên ngành để kiểm tra, xử lý vi phạm đối với hoạt động của các công ty, hộ kinh doanh bến bãi ngoài đê, ven sông trên địa bàn các xã, phường. 

Bãi tập kết than khổng lồ cao trung bình 5 – 6m, không che chắn tại  phường Long Xuyên, Thị xã Kinh Môn.  

Bà Nguyễn Thị Liễu, Chủ tịch UBND Thị xã Kinh Môn cho biết, các đoàn kiểm tra sẽ kiên quyết xử lý nghiêm các bến bãi cố tình hoạt động trong mùa mưa lũ. Nếu đơn vị nào tiếp tục vi phạm và vi phạm nhiều lần, căn cứ theo mức độ, tính chất vi phạm, UBND Thị xã sẽ kiến nghị cơ quan cấp trên có biện pháp xử lý mạnh tay hơn như tổ chức cưỡng chế, thu hồi giấy phép để tăng tính răn đe, đảm bảo quản lý bến bãi đi vào quy củ, nề nếp, thượng tôn pháp luật./.     

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Công tác quản lý nhà nước về đất đai và môi trường ở Hải Dương: Những vấn đề cần làm rõ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO