Công nghiệp thời trang: “Thủ phạm” gây ô nhiễm nguồn nước

10/05/2018 17:06

(TN&MT) - Gây ô nhiễm nguồn nước, sử dụng chất hóa học độc hại và lãng phí nguồn liệu vải, ngành công nghiệp thời trang đang khiến môi trường phải trả một cái...

(TN&MT) - Gây ô nhiễm nguồn nước, sử dụng chất hóa học độc hại và lãng phí nguồn liệu vải, ngành công nghiệp thời trang đang khiến môi trường phải trả một cái giá quá đắt. 
Công nghiệp thời trang Thủ phạm gây ô nhiễm nguồn nước



Ngành công nghiệp thời trang đang tác động xấu đến môi trường  Ảnh: MH
Thời trang - 1 trong 5 ngành ô nhiễm nhất

Theo Ủy ban Kinh tế Liên Hợp Quốc tại Châu Âu (UNECE), thời trang và chăn nuôi cùng xếp thứ 5 trong danh sách những ngành công nghiệp gây ô nhiễm môi trường nặng nề nhất trên thế giới về mức độ phát thải khí nhà kính - sau ngành điện và nhiệt, nông nghiệp, giao thông đường bộ và sản xuất dầu khí. Đây cũng là ngành công nghiệp thứ hai trên thế gây ô nhiễm nguồn nước. Để sản xuất 1 chiếc áo cotton, người ta phải  sử dụng tới 2,7 m3 nước sạch và 150 gam hóa chất. Trong khi đó, khoảng 15% tổng số vải ngành công nghiệp thời trang bị sử dụng lãng phí; những sản phẩm thời trang không bao giờ được bán hay sử dụng chiếm có đến 500 tỉ USD... Bởi vậy ngành thời trang giờ đây tốn nhiều tài nguyên hơn trước.

Không chỉ tốn kém tài nguyên, ngành công nghiệp này còn gây ô nhiễm nguồn nước do sử dụng chất hóa học độc hại. Để làm ra các sản phẩm thời trang, nhiều Công ty trên thế giới đã đầu tư vào các nhà máy dệt, nhuộm. Chỉ tính riêng ở Việt Nam, Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) đã rót gần 5 nghìn tỷ đồng dệt sợi, nhuộm và hạ tầng. Bản đồ các nhà máy dệt may gồm: Dệt nhuộm trải dài khắp nước từ Hưng Yên, Nam Định, Nghệ An đến Thừa Thiên - Huế, Tây Nguyên vào các tỉnh miền Nam như: Bình Dương, Đồng Nai, Long An. Các nhà máy dệt, nhuộm sử dụng rất nhiều loại hóa chất như axit, dung môi hữu cơ kiềm tính, thuốc nhuộm và chất màu, các hoạt chất bề mặt. 

Theo nghiên cứu, trong nước thải dệt nhuộm có cả những chất dễ phân giải vi sinh như bột sắn dùng hồ sợi dọc và những chất khó phân giải vi sinh như: Polyvinyl axetat, thuốc nhuộm phân tán, thuốc nhuộm hoạt tính và các chất dùng tẩy trắng vải. Với các loại vải càng sử dụng nhiều xơ sợi tổng hợp như polyester thì càng dùng nhiều thuốc nhộm và các chất hỗ trợ khó hoặc không phân giải vi sinh, dẫn tới lượng chất gây ô nhiễm môi trường trong nước thải càng cao.

Ngân hàng Thế giới ước tính, dệt nhuộm sử dụng 1/4 hóa chất toàn thế giới mỗi năm và 1/5 lượng nước ô nhiễm toàn cầu do ngành công nghiệp dệt nhuộm thải ra. Các hóa chất nguy hại là độc tố tiêu diệt thủy sinh vật và ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe con người.

Mới đây, tại buổi đối thoại thời trang với chủ đề Thời trang bền vững do H&M Việt Nam, Tạp chí Elle Việt Nam và Đại học quốc tế RMIT tại Việt Nam tổ chức tại TP. HCM, bà Bùi Thu Hiền - Điều phối viên quốc gia của Liên minh Bảo tồn thiên nhiên quốc tế (IUCN) chia sẻ: "Trong ngành hàng may mặc, polyester là loại vải được sử dụng phổ biến nhất. Nhưng khi loại vải này được giặt trong máy giặt gia đình, chúng tạo nên những sợi vải siêu nhỏ (microfiber) làm gia tăng lượng nhựa trong nước biển. Những sợi này rất nhỏ, có thể dễ dàng đi qua nhà máy xử lý nước thải vào các tuyến đường thủy. Vì không phân hủy sinh học, chúng trở thành mối đe dọa nghiêm trọng đối với sinh vật dưới nước. Những loại sinh vật nhỏ như sinh vật phù du sẽ ăn chúng, sau đó trở thành chuỗi thức ăn cho cá và động vật ăn thịt. Cuối cùng, các sợi siêu nhỏ chui vào dạ dày con người. 

Kiểm soát chặt chẽ 

Để hạn chế ô nhiễm, Việt Nam quy định các công ty sợi, dệt nhuộm phải vào khu công nghiệp để dễ kiểm soát xả thải ra môi trường. Doanh nghiệp buộc phải có hệ thống xử lý chất thải riêng đáp ứng các quy chuẩn môi trường đối với nước thải. Một số địa phương như: Đà Nẵng đã từ chối các dự án dệt may của nhà đầu tư Hồng Kông (Trung Quốc), Ninh Bình xếp dệt may vào diện không ưu tiên thu hút đầu tư. Ngay cả Nam Định, “thủ phủ dệt may” của Việt Nam hiện phải đợi khu liên hợp sợi - dệt - nhuộm Rạng Đông lớn nhất nước 1.500 ha xây dựng xong mới bắt đầu nhận nhà đầu tư mới.

Lãnh đạo Tổng cục Môi trường cho biết, hiện nay, chỉ cấp phép đầu tư cho các dự án sử dụng công nghệ sản xuất tiên tiến, đồng thời đảm bảo đầu tư các hạng mục xử lý chất thải đạt yêu cầu theo quy định của pháp luật bảo vệ môi trường. Để hạn chế tình trạng gây ô nhiễm môi trường các cơ quan quản lý sẽ giám sát xả thải, kiểm soát ô nhiễm và quan trắc môi trường; thực hiện tốt quy hoạch phát triển các khu công nghiệp, khu kinh tế. 

Tuy vậy, ông Trần Tuấn Anh - Bộ trưởng Bộ Công Thương đã lưu ý các tỉnh, thành phố cần có chính sách nhất quán và thân thiện hơn đối với đầu tư dệt - nhuộm - hoàn tất bởi hoàn toàn có thể bảo vệ môi trường thông qua áp dụng các yêu cầu cao về xử lý nước thải, không ngăn cản và không kỳ thị ngành dệt nhuộm như hiện nay.

Thời gian qua, bên cạnh việc xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung, nhiều doanh nghiệp dệt may Việt Nam còn áp dụng các giải pháp sản xuất sạch hơn, điển hình như: Công ty Dệt Nam Định, Dệt Sài Gòn, Cơ sở nhuộm Nhất Trí, nhuộm Thuận Thiên…. Khi tham gia sản xuất sạch hơn, các doanh nghiệp đã triển khai áp dụng các giải pháp như: Công nghệ xử lý khí thải thông qua bộ phận thu khí lò hơi; sử dụng định mức tiêu hao hợp lý nguồn nguyên, nhiên liệu của ngành dệt nhuộm thông qua các giải pháp kỹ thuật, quản lý để giảm thiểu ô nhiễm tại nguồn; có các hệ thống xử lý nước thải cho các dây chuyền dệt nhuộm, di chuyển các xí nghiệp nhuộm vào các khu công nghiệp dệt may có trung tâm xử lý nước thải tập trung… Ngành nhuộm hiện nay đã sử dụng loại thuốc nhuộm thân thiện hơn với môi trường thay thế các loại thuốc nhuộm vô cơ trước đây. 
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Công nghiệp thời trang: “Thủ phạm” gây ô nhiễm nguồn nước
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO