Công nghiệp khai thác khoáng sản: Cần minh bạch

21/09/2016 00:00

Việt Nam đã tiếp cận Sáng kiến minh bạch trong công nghiệp khai thác từ năm 2005 và Bộ Công Thương là cơ quan được Chính phủ chỉ định làm cơ quan đầu mối xem xét thực thi. Tuy nhiên, đến nay Việt Nam vẫn chưa có kết luận rõ ràng về việc tham gia Sáng kiến này.

Vừa qua, tại Hà Nội, Trung tâm con người và thiên nhiên (PanNature), Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và các tổ chức thành viên thuộc Liên minh khoáng sản phối hợp tổ chức tọa đàm “Việt Nam tham gia Sáng kiến minh bạch trong công nghiệp khai thác (EITI) - Cơ hội hay rào cản?”.

TS. Phạm Quang Tú - Tổ chức Oxfam tại Việt Nam, cho biết EITI ra đời từ năm 2003 và đến nay đã có 51 quốc gia trên thế giới áp dụng cơ chế này để giúp giảm tỷ lệ tham nhũng, thu về ngân sách Nhà nước hàng tỷ đô-la mỗi năm. Đến nay báo cáo EITI cấp quốc gia đã được công bố với tổng giá trị dòng tiền lên tới 1.900 tỷ đồng.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Theo các chuyên gia kinh tế, trong ba thập kỷ qua, ngành công nghiệp khai thác khoáng sản của Việt Nam mở rộng nhanh chóng về mặt quy mô, nhưng việc quản lý còn nhiều bất cập, như cấp phép tràn lan, đầu tư Nhà nước thiếu hiệu quả, thu ngân sách không tương xứng với quy mô khai thác; xuất khẩu trái phép, gây hệ luỵ môi trường và xã hội. Đồng thời, tỷ lệ thất thu thuế tài nguyên khoáng sản ở Việt Nam rất lớn do DN cố tình tìm cách trốn, tránh thuế.

Bà Trần Thanh Thuỷ - đại diện Liên minh khoáng sản cho biết, Việt Nam xếp thứ 15 trên thế giới về diện tích khoáng sản, xếp thứ 65 về tuổi địa chất, có 60/200 loại khoáng sản phổ biến trên thế giới. Đặc biệt, Việt Nam đứng thứ 7 về khai thác dầu thô ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương, đóng góp 2,3% tổng sản lượng thiếc và 1,8% tổng sản lượng xi măng thế giới. Trong khi đó, thuế tài nguyên đóng góp vào ngân sách chỉ chiếm từ 0,9 - 1,1% thu ngân sách. Theo bà Thanh Thủy, khi tham gia EITI sẽ giúp giảm tình trạng thất thu thuế, trốn thuế. Đây là thanh công cụ để thúc đẩy minh bạch trong khai thác khoáng sản, từ đó góp phần tăng ngân sách.

Ông Đậu Anh Tuấn - Trưởng Ban pháp chế VCCI cho rằng, cũng như đất đai, hoạt động khai thác khoáng sản luôn tiềm ẩn các xung đột xã hội gay gắt giữa Nhà nước, DN và xã hội. Thực tế cho thấy, có những DN nộp khoản phí, thuế môi trường hàng năm nhưng không biết nguồn tiền đó được dùng vào đâu, đầu tư vào cái gì để giảm thiểu ô nhiễm môi trường, vì thế không ít DN cảm thấy bức xúc. Trong khi đó, người dân lại cũng không được hưởng nguồn thu từ thuế tài nguyên khoáng sản. Điều này đã gây ra bức xúc thường xuyên cho cả ba chủ thể là Nhà nước, người dân và DN, tích tụ lâu dần trở thành các xung đột và mâu thuẫn xã hội tiềm ẩn có thể bùng phát bất cứ lúc nào. Việc thiếu công khai minh bạch theo đó đã tạo điều kiện cho DN có tiền lệ xấu trong bảo vệ môi trường, gây mất công bằng với DN làm ăn đàng hoàng.

Trước thực trạng thất thoát về thuế tài nguyên cũng như những yếu kém về quản lý và quản trị hoạt động ngành khai khoáng, các tham luận khác tại buổi tọa đàm đều thống nhất cho rằng, Việt Nam cần nhanh chóng tham gia EITI. Việt Nam tham gia EITI sẽ góp phần giảm hành vi trốn, tránh thuế trong lĩnh vực khai khoáng; giảm thiểu rủi ro pháp lý cho Chính phủ, đặc biệt là công đoạn cấp phép; tạo môi trường đầu tư tốt hơn, để lựa chọn dự án có hiệu quả; minh bạch cấp phép, sản xuất và thu ngân sách.

Theo Liên minh Khoáng sản, Việt Nam đã tiếp cận EITI từ năm 2005 và Bộ Công Thương là cơ quan được Chính phủ chỉ định làm cơ quan đầu mối xem xét thực thi. Tuy nhiên, đến nay Việt Nam vẫn chưa có kết luận rõ ràng về việc tham gia sáng kiến này.

Theo Báo Xây dựng

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Công nghiệp khai thác khoáng sản: Cần minh bạch
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO