Công nghệ dự báo: Thời cơ cho các dự báo viên

Tuyết Chinh| 04/06/2020 14:35

Việt Nam đứng trước cơ hội đổi mới công nghệ dự báo, giải phóng sức lao động, nâng cao vai trò của Dự báo viên, hướng tới người dùng, nâng cao hiểu biết về tác động của thiên tai.

“Chúng ta phải nắm bắt lực lượng trẻ, công nghệ hiện đại để xây dựng các sản phẩm hướng tới người dùng, dựa trên tác động của thiên tai để đưa ra cảnh báo, khuyến cáo cho cộng đồng, nâng cao vai trò của dự báo viên trong chu trình dự báo mới”, TS Hoàng Phúc Lâm, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo KTTV quốc gia cho biết.

TS Hoàng Phúc Lâm, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo KTTV quốc gia

Kiên trì tiếp cận các hệ thống dự báo KTTV

Khoa học Trái đất và dự báo khí tượng thủy văn, cảnh báo thiên tai đang đứng trước những cơ hội to lớn trong việc nâng cao chất lượng, hiệu quả. Nghiên cứu, dự báo, cảnh báo thiên tai giúp bảo vệ con người tốt hơn nhờ việc ứng dụng những thành tựu của của Cách mạng 4.0.

Trở về công tác tại phòng Dự báo khí tượng hạn ngắn (nay là phòng Dự báo thời tiết) vào đầu năm 2016 sau 4 năm du học, TS Hoàng Phúc Lâm đã gắn bó với các hoạt động dự báo nghiệp vụ của Trung tâm Dự báo KTTV quốc gia từ đó đến nay.

TS Lâm đã trực tiếp tham gia vào công tác cảnh báo, dự báo bão, ATNĐ, mưa lớn cũng như các buổi thảo trực tuyến và thảo luận nội bộ của Trung tâm Dự báo KTTV quốc gia khi có thời tiết nguy hiểm như bão, áp thấp nhiệt đới, mưa lớn. Trao đổi, hướng dẫn bồi dưỡng nghiệp vụ cho các Dự báo viên trong Trung tâm trong các lĩnh vực dự báo; phụ trách trong công tác hợp tác quốc tế và truyền thông, báo chí của Trung tâm.

Trước những diễn biến phức tạp của các hiện tượng và thiên tai KTTV, liên tiếp xuất hiện nhiều loại hình thiên tai xảy ra ở nhiều vùng trên cả nước, áp lực lớn đến từ truyền thông và các đơn vị sử dụng bản tin cũng như người dân, TS Lâm đã luôn nỗ lực trong việc tìm hiểu, tiếp cận và định hướng công tác cho Trung tâm, đặc biệt là trong công tác hợp tác quốc tế, dự báo khí hậu, dự báo thời tiết, truyền thông thiên tai và nghiên cứu ứng dụng khoa học.

TS Hoàng Phúc Lâm chia sẻ, bản thân đã kiên trì tìm hiểu hệ thống công tác dự báo KTTV ở các nước trên thế giới, qua đó đúc kết được kinh nghiệm và tăng cường hiểu biết về lĩnh vực KTTV.

Góp phần tạo ra công nghệ dự báo chung cho toàn quốc

Với vai trò trọng tâm là công tác nghiên cứu khoa học và hợp tác quốc tế, bằng sự nỗ lực và kinh nghiệm, từ năm 2018 đến nay, TS Lâm cùng các đơn vị trong Trung tâm Dự báo KTTV quốc gia đã bước đầu thiết lập các mối quan hệ với các đơn vị quốc tế như: Viện nghiên cứu quốc tế (IRI) của Hoa Kỳ; Trung tâm quốc tế về nông nghiệp nhiệt đới (CIAT), Cơ quan Khí tượng Anh (UK Met Office), Cơ quan Khí tượng Phần Lan (FMI), tham gia tích cực các hoạt động đa phương của Tổ chức Khí tượng thế giới (WMO), Ủy ban Bão.

Đáng chú ý, trong năm 2018, TS Hoàng Phúc Lâm đã xây dựng được bộ công cụ hỗ trợ thực hiện dự báo thời tiết địa điểm đến 10 ngày cho hệ thống dự báo KTTV quốc gia giúp tự động hóa một phần quá trình dự báo. Qua đó, tạo ra được một công nghệ dự báo chung cho toàn quốc cũng như một định dạng bản tin thống nhất trong hệ thống.

Đến năm 2019, TS Lâm đã chủ động và tích cực tham gia trong các hoạt động nghiên cứu khoa học của Trung tâm (là Thư ký cho 1 đề tài NCKH cấp Nhà nước và chủ trì 1 đề tài NCKH cấp Bộ sẽ hoàn thành trong năm 2020), là tác giả và đồng tác giả của công bố 6 nghiên cứu trên Tạp chí trong nước và nước ngoài. Không những vậy, TS Lâm còn tham gia hướng dẫn các Sinh viên Đại học và Học viên cao học; tham gia giảng dạy trong Khóa đào tạo Dự báo viên thuộc Dự án dự báo thời tiết nguy hiểm khu vực Đông Nam Á.

Trực tiếp thực hiện các cuộc phỏng vấn trên truyền hình, phát thanh và báo giấy, báo mạng khi có các hiện tượng thời tiết nguy hiểm như bão, mưa lớn... TS Lâm luôn chủ động, tích cực cung cấp thông tin và giải đáp thắc mắc cho truyền thông trong lĩnh vực dự báo khí tượng hoặc khi được lãnh đạo Tổng cục KTTV yêu cầu.

TS Hoàng Phúc Lâm cho biết, cùng với hội nhập quốc tế, Việt Nam đứng trước cơ hội đổi mới công nghệ dự báo, giải phóng sức lao động, nâng cao vai trò của Dự báo viên, hướng tới người dùng, nâng cao hiểu biết về tác động của thiên tai. Cùng với đầu tư của Chính phủ, sự hỗ trợ của các tổ chức quốc tế, đây là thách thức lớn và thời cơ chín muồi để đổi mới.

“Lực lượng trẻ, công nghệ hiện đại, chúng ta phải nắm bắt để xây dựng các sản phẩm hướng tới người dùng, dựa trên tác động của thiên tai để đưa ra cảnh báo, khuyến cáo cho cộng đồng, nâng cao vai trò của dự báo viên trong chu trình dự báo mới, nơi máy móc đảm nhiệm phần lớn các công việc thủ công, dự báo viên có thời gian để vận dụng trí tuệ, góp phần tăng thêm giá trị cho các thông tin dự báo, cảnh báo”, TS Hoàng Phúc Lâm nhận định.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Công nghệ dự báo: Thời cơ cho các dự báo viên
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO