Công nghệ cao - giải pháp đột phá cho dự báo thiên tai

Mai Đan (thực hiện)| 23/03/2023 06:48

(TN&MT) - Những năm qua, để giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu (BĐKH), ngành khí tượng thủy văn (KTTV) luôn chú trọng ứng dụng công nghệ hiện đại nhằm nâng cao chất lượng dự báo, cảnh báo thiên tai. Mục tiêu chung là giảm nhẹ rủi ro thiên tai, phục vụ phát triển bền vững kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh trên phạm vi cả nước.

Nhân dịp Ngày Khí tượng thế giới 23/3, phóng viên Báo TN&MT đã có cuộc trao đổi với GS.TS. Trần Hồng Thái - Tổng cục trưởng Tổng cục KTTV xung quanh nội dung này.

8-9-4-.jpg

GS.TS. Trần Hồng Thái - Tổng cục trưởng Tổng cục KTTV

PV: Xin ông cho biết ý nghĩa của chủ đề Ngày Khí tượng thế giới năm nay được cụ thể hóa cho Việt Nam?

GS.TS. Trần Hồng Thái: Ngày Khí tượng thế giới năm nay, chủ đề tuyên truyền của Việt Nam là “Thông tin thời tiết, khí hậu và tài nguyên nước góp phần phát triển kinh tế - xã hội bền vững cho hôm nay và mai sau”. Chủ đề này có ý nghĩa khẳng định giá trị của thông tin, thời tiết, khí hậu và tài nguyên nước đối với xã hội, đồng thời, kêu gọi mỗi cá nhân trên thế giới cần thể hiện vai trò và trách nhiệm trước cuộc sống hiện tại và tương lai nhằm chủ động thích ứng với BĐKH, giảm thiểu tác động suy thoái môi trường.

Đây cũng là dịp tôn vinh những đóng góp của các cơ quan KTTV trên thế giới đối với việc bảo vệ tính mạng và tài sản của con người trước tác động của thiên tai, BĐKH.

PV: Hiện nay, các tác động tiêu cực của BĐKH đến thời tiết và tài nguyên nước đang diễn ra phổ biến trên toàn cầu. Thời gian qua, ngành KTTV đã và đang thực hiện những công việc gì để giải quyết các vấn đề này, thưa ông?

GS.TS. Trần Hồng Thái: BĐKH đã và đang có những ảnh hưởng lớn đến tài nguyên nước ở Việt Nam. Mưa lớn và đặc biệt lớn xảy ra thường xuyên trên diện rộng và cục bộ đã gây lũ lớn, ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất nghiêm trọng tại nhiều khu vực trên phạm vi toàn quốc.

Có thể kể đến các trận mưa đặc biệt lớn vào đầu tháng 8/2015 tại Quảng Ninh. Gần đây nhất, đợt mưa từ ngày 14 - 16/10/2022 tại Huế và Đà Nẵng với lượng mưa ngày trên 700mm ghi nhận tại Đà Nẵng gây ngập úng nghiêm trọng.

Lũ quét và sạt lở đất cũng xảy ra nhiều hơn, khốc liệt hơn ở vùng núi Bắc Bộ, Tây Nguyên và Trung Bộ nắng nóng gay gắt hơn. Ngày 20/4/2019, nhiệt độ cao nhất từ trước đến nay được quan trắc tại Việt Nam tại Trạm khí tượng Hương Khê (Hà Tĩnh) là 43,4oC.

Chỉ trong khoảng 5 năm, Việt Nam đã phải đối mặt với hai mùa khô hạn hán, xâm nhập mặn đặc biệt nghiêm trọng (2015 - 2016 và 2019 - 2020), ảnh hưởng lớn đến kinh tế - xã hội và đời sống nhân dân.

Để giảm thiểu tác động của BĐKH, ngành KTTV thường xuyên giám sát các biểu hiện của BĐKH, nhất là các đợt thiên tai thông qua hoàn thiện thể chế, quản lý công tác quan trắc, dự báo và truyền tin. Mục tiêu chung là phục vụ hiệu quả công tác phòng, chống thiên tai, phát triển bền vững kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh trên phạm vi cả nước.

Các nhiệm vụ trọng tâm ngành KTTV đang thực hiện là: phát triển, hiện đại hóa hệ thống trạm KTTV; tích hợp, lồng ghép giữa mạng lưới trạm KTTV quốc gia với các trạm quan trắc trong ngành TN&MT và đồng bộ, liên thông với các trạm KTTV của các bộ, ngành, địa phương, tổ chức, cá nhân; phát triển và hiện đại hóa công nghệ dự báo KTTV, nghiên cứu ứng dụng giải pháp công nghệ hiện đại trong dự báo, cảnh báo bão, mưa lớn, dông, lốc, sét, lũ, lũ quét, sạt lở đất.

Ngoài ra, đánh giá tổng thể và phân vùng chi tiết rủi ro thiên tai KTTV; thúc đẩy chuyển đổi số, ứng dụng nền tảng số và dữ liệu số trong công tác của Tổng cục KTTV, quản lý vận hành hệ thống dự báo KTTV quốc gia, mạng lưới quan trắc KTTV quốc gia.

Một trong những giải pháp để thực hiện nhiệm vụ trên là tăng cường hợp tác quốc tế nhằm chia sẻ nguồn dữ liệu KTTV, tài nguyên nước, tiếp cận khoa học công nghệ hiện đại để nâng cao năng lực dự báo, cảnh báo KTTV, đảm bảo an ninh nguồn nước.

PV: Nhân Ngày Khí tượng Thế giới năm nay, ông muốn gửi thông điệp gì đến các cấp, các ngành và người dân để cùng chung tay với ngành KTTV giải quyết các vấn đề trên?

GS.TS. Trần Hồng Thái: Thông tin dự báo thời tiết, khí hậu và tài nguyên nước không chỉ giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra, mà còn là tiền đề để góp phần phát triển kinh tế - xã hội bền vững cho hôm nay và mai sau. Điều này thể hiện mong muốn và mục tiêu của ngành khí tượng thế giới nói chung, ngành KTTV Việt Nam nói riêng trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội bền vững; đồng thời khẳng định vai trò, trách nhiệm của KTTV ngày càng lớn hơn.

Trước sự bùng nổ về công nghệ thông tin, đối với ngành KTTV, ngoài việc tổ chức đào tạo con người, hiện đại hóa, cũng cần đẩy mạnh việc sử dụng công nghệ thông tin, thực hiện chuyển đổi số tạo đột phá trong công tác KTTV. Những người làm trong ngành KTTV chính là những người hiểu rõ nhất BĐKH ngày càng khốc liệt, thiên tai thời tiết diễn biến không theo quy luật, do đó việc ứng dụng công nghệ cao là một trong những giải pháp đột phá nhằm tăng cường giám sát và nâng cao chất lượng dự báo thiên tai.

Để các thông tin KTTV đi vào cuộc sống, cần có sự chung tay của các cấp, các ngành trong việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức và trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, các tầng lớp nhân dân, nhất là người đứng đầu các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp về vai trò, vị trí, tầm quan trọng của công tác KTTV. Thông tin, dữ liệu KTTV phải được xác định là cơ sở quan trọng trong quá trình xây dựng và thực hiện các quy hoạch, chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh của các cấp, các ngành.

PV: Trân trọng cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Công nghệ cao - giải pháp đột phá cho dự báo thiên tai
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO