Công điện hỏa tốc ứng phó với bão số 10

26/12/2016 00:00

(TN&MT) - Chiều nay (26/12), bão Nock-ten đã đi vào Biển Đông - cơn bão số 10   

 

(TN&MT) - Ban Chỉ đạo Trung ương phòng chống thiên tai, Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm cứu nạn vừa liên tiếp ban hành 2 Công điện chỉ đạo ứng phó bão số 10, mưa lũ miền Trung và gió mùa đông bắc.

Chiều nay (26/12), bão Nock-ten đã đi vào Biển Đông - cơn bão số 10        

Trung tâm Dự báo KTTV Trung ương cho biết: Hồi 16 giờ, vị trí tâm bão ở vào khoảng 14,1 độ Vĩ Bắc; 119,4 độ Kinh Đông, cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 840 km về phía Đông Đông Nam. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 12 (120-135km/giờ), giật cấp 14-15.

Dự báo trong 24 giờ, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 15-20km. Đến 16 giờ ngày 27/12, vị trí tâm bão ở vào khoảng 15,1 độ Vĩ Bắc; 116,0 độ Kinh Đông, cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 450 km về phía Đông Đông Nam. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 10 (90-105km/ giờ), giật cấp 12-13.

Vùng nguy hiểm: gió mạnh từ cấp 6 trở lên phía Bắc vĩ tuyến 12,5 độ Vĩ Bắc; phía Đông kinh tuyến 114 độ Kinh Đông. Gió mạnh từ cấp 8 trở lên phía Bắc vĩ tuyến 13,0 độ Vĩ Bắc đến vĩ tuyến 16,0 độ Vĩ Bắc; phía Đông kinh tuyến 115 độ Kinh Đông. Cấp độ rủi ro thiên tai: cấp 3.

Trong 24 đến 48 giờ tiếp theo, bão có khả năng đổi hướng di chuyển theo hướng Tây Nam, mỗi giờ đi được khoảng 15-20km và suy yếu dần thành áp thấp nhiệt đới. Đến 16 giờ ngày 28/12, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở vào khoảng 12,7 độ Vĩ Bắc; 112,8 độ Kinh Đông, cách đảo Song Tử Tây (thuộc quần đảo Trường Sa) khoảng 220km về phía Tây Bắc. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 7 (50-60km/giờ), giật cấp 8-9.

Do ảnh hưởng của bão, vùng biển giữa Biển Đông có gió mạnh cấp 6-8, vùng gân tâm bão đi qua cấp 9-10, giật cấp 12-13, sóng biển cao 4-6 mét. Biển động rất mạnh. Cấp độ rủi ro thiên tai: cấp 3.

Trong 48 đến 60 giờ tiếp theo, Áp thấp nhiệt đới di chuyển theo hướng Tây Nam, mỗi giờ đi được khoảng 20km.

Công điện số 44

Vào lúc 16h00 ngày 26/12, Ban Chỉ đạo Trung ương phòng chống thiên tai, Văn phòng Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm cứu nạn vừa có Công điện hỏa tốc số 44 gửi Ban Chỉ huy PCTT và TKCN các tỉnh, thành phố ven biển từ Quảng Bình đến Kiên Giang; các Bộ: Quốc phòng, Giao thông vận tải, Ngoại giao, Tài nguyên và Môi trường, Thông tin và Truyền thông; NNPTNT... chỉ đạo đối phó cơn bão số 10 và mưa lũ.

Để chủ động đối phó với diễn biến của bão và mưa lũ, Ban Chỉ đạo Trung ương PCTT - Ủy ban Quốc gia TKCN yêu cầu Ban Chỉ huy các địa phương, bộ ngành triển khai thực hiện một số nội dung sau:

Thứ nhất, về công tác đảm bảo an toàn tàu thuyền trên biển. Theo dõi chặt chẽ các bản tin dự báo, cảnh báo, thông tin kịp thời, đầy đủ cho chủ phương tiện, người lao động, ngư dân đang hoạt động trên biển biết vị trí và diễn biến của bão để chủ động các biện pháp phòng tránh, thoát khỏi hoặc không đi vào khu vực nguy hiểm đảm bảo an toàn cho người và phương tiện...

Kiểm đếm, duy trì liên lạc thường xuyên với thuyền trưởng, chủ các phương tiện và các cơ quan chức năng để xử lý kịp thời các tình huống xấu có thể xảy ra.

Thứ hai, bảo đảm an toàn dân cư, sản xuất và hồ chứa. Rà soát, sẵn sàng phương án sơ tán dân khỏi những nơi nhà cửa không đảm bảo an toàn, những khu vực trũng, thấp có nguy cơ ngập lụt ven sông, ven biển;

Các tỉnh miền Trung chịu ảnh hưởng nề của các đợt mưa, lũ lớn kéo dài vừa qua cần theo dõi sát sao tình hình mưa lũ để có biện pháp đảm bảo an toàn hồ chứa và điều chỉnh lịch thời vụ gieo trồng vụ Đông Xuân cho phù hợp.

Triển khai ứng phó mưa lũ theo các cấp báo động và theo phương châm 4 tại chỗ.

Có phương án kiểm soát chặt chẽ việc đi lại của người dân qua các khu vực ngầm, tràn, hạn chế thấp nhất thiệt hại về người.

Thứ ba, sẵn sàng lực lượng, phương tiện để cứu hộ, cứu nạn khi có yêu cầu...

Công điện ứng phó bão Nock-ten và gió mùa đông bắc

Trước đó, vào 17h30 ngày 25/12, Văn phòng Ban Chỉ đạo Trung ương phòng chống thiên tai, Văn phòng Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm cứu nạn đã có Công điện số 43 gửi Ban Chỉ huy PCTT và TKCN các tỉnh, thành phố ven biển từ Quảng Ninh đến Ninh Thuận và khu vực miền núi phía Bắc; Ban Chỉ huy PCTT và TKCN các các Bộ: Quốc phòng, Giao thông Vận tải, Ngoại giao, Tài nguyên và Môi trường, Y tế, Thông tin và Truyền thông;... chỉ đạo ứng phó cơn bão Nock-ten và gió mùa đông bắc.

Để chủ động đối phó với bão, mưa lũ và ảnh hưởng của gió mùa Đông Bắc, Văn phòng Ban Chỉ đạo TWPCTT, Văn phòng Ủy ban Quốc gia TKCN đề nghị Ban Chỉ huy PCTT và TKCN các Bộ, Ngành và các địa phương trong khu vực chịu ảnh hưởng triển khai thực hiện một số nội dung sau:

Thứ nhất, đối với cơn bão Nock-ten và ảnh hưởng của gió mùa trên biển, theo dõi chặt chẽ các bản tin dự báo, cảnh báo, thông tin kịp thời cho chủ các phương tiện, người lao động, ngư dân đang hoạt động trên biển biết vị trí và diễn biến của bão, ảnh hưởng của gió mùa Đông Bắc để chủ động các biện pháp phòng tránh.

Kiểm đếm, quản lý việc ra khơi của các tàu thuyền, thường xuyên duy trì liên lạc với thuyền trưởng, chủ các phương tiện và các cơ quan chức năng để xử lý kịp thời các tình huống xấu có thể xảy ra.

Thứ hai, đối với tình hình mưa, lũ khu vực miền Trung, theo dõi chặt chẽ diến biến mưa, lũ; thông tin kịp thời đầy đủ đến các cấp chính quyền, người dân, nhất là vùng ven sông, suối, hạ lưu các hồ chứa, vùng thấp trũng để chủ động các biện pháp phòng tránh; riêng các khu vực đã bị ảnh hưởng trong đợt mưa lũ giữa tháng 12 vừa qua cùng với việc triển khai các biện pháp phòng, chống đợt mưa lũ mới cần tiếp tục đẩy mạnh công tác khắc phục hậu quả, phục hồi sản xuất, phòng ngừa dịch bệnh và ổn định đời sống nhân dân.

Tổ chức kiểm tra, rà soát những khu vực có nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất, sẵn sàng triển khai phương án sơ tán người và tài sản đến nơi an toàn.

Bố trí lực lượng kiểm soát đảm bảo an toàn cho người và phương tiện qua lại tại các ngầm, tràn, đường ngập nước, đò ngang, đò dọc khi có lũ.

Chỉ đạo kiểm tra các hồ chứa, chủ động việc xả lũ đảm bảo an toàn cho đập và hạ du, nhất là đối với các hồ chứa đã đầy hoặc gần đầy nước sau những đợt mưa lũ vừa qua và các hồ chứa nhỏ do địa phương quản lý.

Tổ chức kiểm tra đảm bảo an toàn đối với các công trình đang thi công, đặc biệt là các công trình trên sông, suối. Bố trí lực lượng, phương tiện cứu hộ, cứu nạn tại những khu vực trọng điểm xung yếu để sẵn sàng ứng phó khi có yêu cầu.

Đối với rét đậm, rét hại ở các tỉnh miền núi phía Bắc: Theo dõi chặt chẽ diến biến của gió mùa Đông Bắc để thông tin kịp thời, chỉ đạo các phương án phòng, chống rét phù hợp với tình hình thời tiết và điều kiện thực tế ở địa phương, đảm bảo an toàn cho người và hạn chế thấp nhất thiệt hại đối với vật nuôi, cây trồng, ở các vùng núi cao xem xét cho học sinh nghỉ học khi cần thiết.

Các cơ quan thông tin đại chúng, hệ thống Đài thông tin Duyên Hải và các cơ quan thông tấn, báo chí của Trung ương và địa phương thường xuyên cập nhật thông tin về diễn biến của bão, mưa lũ truyền tin dự báo, cảnh báo bão, mưa lũ đến các cấp chính quyền, người dân để chủ động các biện pháp phòng tránh.

Tổ chức trực ban nghiêm túc, thường xuyên báo cáo về Văn phòng Ban Chỉ đạo TW PCTT và Văn phòng Uỷ ban Quốc gia TKCN.

PV

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Công điện hỏa tốc ứng phó với bão số 10
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO