Công bố công trình khoa học quan trọng của ngành Địa chất
(TN&MT) - Chiều 26/9, tại Hà Nội, Cục Địa chất Việt Nam tổ chức buổi gặp mặt tác giả và công bố công trình “Bản đồ địa chất, tài nguyên địa chất Việt Nam và các vùng biển kế cận tỷ lệ 1/1.000.000”. TS. Trần Bình Trọng, Cục trưởng Cục Địa chất Việt Nam chủ trì buổi gặp mặt.
Công trình “Bản đồ địa chất, tài nguyên địa chất Việt Nam và các vùng biển kế cận tỷ lệ 1:1.000.000” và sách thuyết minh (Địa chất và tài nguyên địa chất Việt Nam kèm theo bằng tiếng Việt và tiếng Anh) là công trình tổng hợp một cách toàn diện các tài liệu liên quan hiện có trên toàn bộ phần đất liền Việt Nam và các vùng biển kế cận mang tính hội nhập với Chương trình Khoa học Địa chất Quốc tế: Đề án IGCP 624. Một Địa chất Quốc tế (International One Geology).
Công trình này do Bộ Tài nguyên và Môi trường, Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam (năm 2023 là Cục Địa chất Việt Nam) là cơ quan chủ quản, giao cho Trung tâm Thông tin, Lưu trữ và Bảo tàng Địa chất tổ chức thực hiện theo quyết định số 1398/QĐ-BTNMT ngày 6/08/2013 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường.
Phát biểu khai mạc buổi gặp mặt, Cục trưởng Cục Địa chất Việt Nam Trần Bình Trọng cho biết: Công trình “Bản đồ Địa chất và Tài nguyên Địa chất Việt Nam và các vùng biển kế cận, tỷ lệ 1/1.000.000” là kết quả của sự cống hiến miệt mài và tâm huyết của gần 60 tác giả, qua nhiều thế hệ từ khi ngành địa chất nước nhà được thành lập cho đến nay.
Đây là công trình nghiên cứu kế thừa, tổng hợp và phát triển toàn diện từ những tài liệu khoa học địa chất hiện có. Công trình không chỉ có giá trị to lớn đối với ngành địa chất, khoáng sản Việt Nam, mà còn đánh dấu sự hội nhập mạnh mẽ với các chương trình khoa học địa chất quốc tế, góp phần khẳng định vị thế và năng lực khoa học của nước nhà trên trường quốc tế.
Công trình cũng là một dấu ấn quan trọng, là nền tảng để các nhà khoa học tiếp tục phát triển và nâng cao năng lực nghiên cứu, khám phá tiềm năng địa chất và khoáng sản của Việt Nam, đặc biệt trong bối cảnh mới của sự phát triển bền vững và hội nhập toàn cầu.
“Tôi xin hứa với các bác, các chú, các anh rằng, chúng tôi sẽ tiếp tục lãnh đạo, định hướng và phát triển ngành địa chất Việt Nam theo hướng bền vững, hiện đại, và hội nhập với các xu thế phát triển khoa học - công nghệ của thế giới. Công tác điều tra, thăm dò, và đánh giá tài nguyên địa chất sẽ luôn được chú trọng để tạo tiền đề vững chắc cho sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước”, TS. Trần Bình Trọng nhấn mạnh.
Công tác thành lập bản đồ cùng sách thuyết minh được tập thể tác giả thực hiện trong đề tài nghiên cứu khoa học mã số TNMT.03/10-15 do ông Đào Thái Bắc làm chủ nhiệm; ông Trần Văn Trị là chủ biên khoa học, ông Đào Thái Bắc và ông Nguyễn Xuân Bao là phó chủ biên, hoàn thành tại Trung tâm Thông tin, Lưu trữ và Bảo tàng Địa chất, Cục Địa chất Việt Nam trực thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường.
Phát biểu tại buổi gặp mặt, GS.TS. Trần Văn Trị, chủ biên khoa học của công trình cho biết: Công trình “Bản đồ Địa chất và Tài nguyên Địa chất Việt Nam và các vùng biển kế cận, tỷ lệ 1/1.000.000” là một chuyên khảo tổng hợp về khoa học Trái đất được thực hiện không liên tục trong nhiều năm qua, trong đó kế thừa những thành tựu nghiên cứu, điều tra cơ bản trước đây và được chỉnh lý, bổ sung các tài liệu mới đến đầu năm 2023.
Công trình này được hoàn thành bởi tập thể tác giả gồm các nhà khoa học địa chất từ Cục Địa chất Việt Nam, Tổng hội Địa chất Việt Nam, Hội Dầu khí Việt Nam, Viện Địa chất (Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam), Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản (Bộ Tài nguyên và Môi trường), Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN), Tập đoàn Than và Khoáng sản Việt Nam (TKV), các trường: Trường Đại học Mỏ - Địa chất, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội cũng như một số nhà khoa học từ Nhật Bản, Pháp, CHLB Nga...
Đây là lần đầu tiên có một công trình tổng hợp và cập nhật về các khoa học Trái đất tại Việt Nam và các vùng biển kế cận. Thay mặt tập thể tác giả và những người tham gia, GS.TS. Trần Văn Trị chân thành cám ơn các cơ quan quản lý đã tạo điều kiện thuận lợi cũng như các nhà khoa học đã có những ý kiến đóng góp quý báu để hoàn thành công trình khoa học này.