Năm 2023, Công an tỉnh Thừa Thiên – Huế đã có nhiều bước đột phá, tạo tiền đề vững chắc trong việc thực hiện nhiệm vụ bảo đảm an ninh trật tự, xây dựng Đảng, xây dựng lực lượng. Đặc biệt là việc triển khai thực hiện Nghị quyết 12-NQ/TW ngày 16/3/2022 của Bộ Chính trị và Nghị quyết số 18-NQ/TU ngày 30/6/2022 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế về “Đẩy mạnh xây dựng lực lượng CAND thật sự, trong sạch, vững mạnh, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới”.
Năm vừa qua, lực lượng Công an tỉnh Thừa Thiên - Huế tập trung xây dựng các phương án, kế hoạch, thực hiện đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm. Điều tra, kết luận 561 vụ phạm tội về trật tự xã hội, án rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng kết luận đạt gần 97 %, các vụ án đặc biệt nghiêm trọng, dư luận xã hội quan tâm đều được điều tra, khám phá nhanh. Nhờ triển khai đồng bộ, quyết liệt các biện pháp nên tội phạm về trật tự xã hội tiếp tục được kéo giảm so với năm trước, giảm 130 vụ, đạt gần 15 %; không để hình thành tổ chức tội phạm hoạt động theo kiểu “xã hội đen”; không để tồn tại tụ điểm tệ nạn xã hội phức tạp, trật tự, an toàn xã hội tiếp tục có nhiều chuyển biến tích cực.
Nổi bật như phá chuyên án, bắt 2 đối tượng lợi dụng không gian mạng tổ chức cho hàng chục trường hợp mang thai hộ vì mục đích thương mại và mua bán bộ phận cơ thể người, thu lợi bất chính hàng tỷ đồng. Phá chuyên án, bắt 3 đối tượng mua bán trái phép, thu giữ hơn 1,3 kg, hơn 31 nghìn viên ma túy tổng hợp và 1 khẩu súng; phát hiện, bắt quả tang đối tượng mua bán trái phép gần 8 kg ma túy tổng hợp; khởi tố 3 bị can là Giám đốc và 2 Phó Giám đốc Trung tâm đăng kiểm Thừa Thiên - Huế về tội “nhận hối lộ”; bắt hàng loạt đối tượng có hành vi lừa đảo chiếm đoạt hàng chục tỷ đồng…
Tại hội nghị triển khai chương trình công tác năm 2024 vừa qua, Công an tỉnh Thừa Thiên - Huế đã công bố đường dây nóng của Đại tá Nguyễn Thanh Tuấn - Giám đốc Công an tỉnh với số điện thoại 0919697575.
Chia sẻ về vấn đề đường dây nóng vừa mới công bố, Giám đốc Công an tỉnh cho biết, việc công bố đường dây nóng của Công an tỉnh đã được thực hiện lâu nay và nhiều vụ việc vi phạm đã được xử lý từ nguồn tin này. Tuy nhiên, với phương châm trọng dân, gần dân, về với dân để phục vụ người dân được nhiều hơn, Ban Giám đốc Công an tỉnh đã quyết định thiết lập thêm đường dây nóng mà đồng chí Giám đốc tiếp nhận các ý kiến trực tiếp.
“Số điện thoại này còn kết nối với lãnh đạo phòng tham mưu, trường hợp bản thân tôi bận không thể nghe máy sẽ được chuyển đến lãnh đạo phòng tham mưu để xử lý ngay nếu cấp thiết. Tất nhiên, mọi phản ánh sau đó đều báo cáo lại Giám đốc Công an tỉnh. Hai vấn đề chủ yếu mà số điện thoại đường dây nóng tiếp nhận là an ninh trật tự và xây dựng lực lượng công an. Quan điểm của tôi là lắng nghe ý kiến góp ý từ người dân càng nhiều càng tốt. Một thực tế, anh em công an rất nhiều việc nên nhiều khi không thể tránh khỏi những thiếu sót, chính từ những ý kiến góp ý, chia sẻ của người dân, anh em lực lượng sẽ làm tốt hơn, hoàn thiện hơn và từ đó có thể phục vụ người dân tốt hơn”, Giám đốc Công an tỉnh Thừa Thiên- Huế chia sẻ.
Năm 2024, Công an tỉnh Thừa Thiên – Huế cho biết, toàn lực lượng sẽ tập trung 4 giải pháp và 8 nhiệm vụ công tác trọng tâm. Trong đó chú trọng tham mưu thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 12-NQ/TW; tiếp tục tăng cường cán bộ cho Công an cơ sở; tập trung đầu tư xây dựng trụ sở làm việc của công an tỉnh tại vị trí mới; ưu tiên đầu tư cơ sở vật chất, trang bị phương tiện cho công an cấp huyện, cấp xã đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ bảo đảm an ninh trật tự ở cơ sở; đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ vào các mặt công tác công an.
Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phương cho biết, trong năm qua tình hình an ninh trật tự địa bàn được giữ vững, các chỉ số về kinh tế, văn hóa, xã hội đều tăng cao, Thừa Thiên - Huế trở thành điểm đến du lịch hấp dẫn, an toàn của du khách trong và ngoài nước; những kết quả trên có sự đóng góp không nhỏ của lực lượng công an toàn tỉnh.
Trong thời gian tới, Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị Công an tỉnh tiếp tục chủ trì, các sở, ban, ngành địa phương trên toàn tỉnh cần vào cuộc tích cực để quyết liệt thực hiện chỉ tiêu “100% các xã, phường, thị trấn không tăng số lượng người nghiện ma túy; kéo giảm tai nạn giao thông”. Tăng cường quản lý địa bàn, đối tượng, nhất là số đối tượng có tiền án, tiền sự, nghiện ma túy, không nghề nghiệp ổn định, hoạt động lưu động, đặc biệt là các đối tượng loạn thần, ngáo đá, các cơ sở kinh doanh có điều kiện về an ninh trật tự, quán bar, vũ trường. Đồng thời đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra, tập huấn, tuyên truyền về phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ, kiên quyết không để xảy ra cháy lớn, cháy gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản trên địa bàn tỉnh…
Phát biểu tại hội nghị triển khai chương trình công tác năm 2024 của Công an tỉnh Thừa Thiên – Huế, Thứ trưởng Bộ Công an - Lê Quốc Hùng cho biết, với mục tiêu đưa Thừa Thiên - Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương theo tinh thần Nghị quyết số 54-NQ/TW của Bộ Chính trị, cùng với sự nỗ lực của các cấp Đảng ủy, chính quyền địa phương và toàn hệ thống chính trị, trong năm 2023 Công an tỉnh Thừa Thiên - Huế cũng đã có nhiều “điểm sáng” trong thực hiện công tác công an.
Thứ trưởng Lê Quốc Hùng yêu cầu trong năm 2024, Công an tỉnh tập trung đánh giá kỹ, sơ kết Nghị quyết 12-NQ/TW của Bộ Chính trị để tiếp tục xây dựng lực lượng công an thật sự, trong sạch, vững mạnh, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới. Yêu cầu Công an tỉnh tiếp tục quan tâm hoàn thiện Công 3 cấp gồm Công an cấp tỉnh, cấp huyện và cấp xã; hoàn thành chỉ tiêu xây dựng Công an phường điển hình, kiểu mẫu về an ninh trật tự và văn minh đô thị. Chú trọng thực hiện tốt công tác an ninh, tăng cường công tác an ninh mạng, an ninh biên giới và hành lang kinh tế Đông Tây…