Cởi nút thắt trong “tích tụ ruộng đất” ở miền Trung - Tích tụ đất nông nghiệp: Khó vẫn phải làm

Lan Anh| 17/02/2022 10:42

(TN&MT) - Tích tụ, tâp trung đất đai đã và đang góp phần làm thay đổi phương thức và nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp nhiều địa phương ở khu vực Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung. Tuy nhiên, trong quá trình tổ chức thực hiện, vẫn còn một số khó khăn, vướng mắc, cần được tháo gỡ.

“Nút thắt” tích tụ đất nông nghiệp

Theo báo cáo của Tổng cục Quản lý đất đai (Bộ TN&MT), vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung là khu vực có diện tích đất sản xuất nông nghiệp lớn với hơn 8,2 triệu ha đất nông nghiệp (chiếm 29,46% diện tích của cả nước). Tuy nhiên, diện tích các thửa ruộng nhỏ, khó khăn trong áp dụng cơ giới hóa vào đồng ruộng. Những năm qua, thực hiện chủ trương khuyến khích tập trung, tích tụ ruộng đất, các tỉnh, thành khu vực miền Trung đã tích cực dồn điền đổi thửa, hình thành các mô hình trang trại….

Tính đến tháng 7/2020, khu vực Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung đã có 1.032 xã với 321 nghìn ha đất nông nghiệp thực hiện dồn điền đổi thửa, tăng 131% so với năm 2016. Từ vài mô hình trình diễn, đến nay, toàn khu vực đã có hàng trăm cánh đồng mẫu lớn, hiệu quả kinh tế tăng lên từ 20 - 30% so với sản xuất đại trà. Giá trị sản phẩm trồng trọt trên 1ha canh tác được nâng lên hàng năm, đạt 78 triệu/ha (tăng 2,7 triệu/ha so với năm 2015). Kinh tế trang trại cũng phát triển nhanh về số lượng ở hầu hết các địa phương. Đến nay, vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung đã có 3.758 trang trại, tăng gấp 2 lần so với năm 2011. Tuy nhiên, con số này vẫn khá thấp so với các khu vực Đồng bằng sông Hồng, Tây Nguyên, Đông Nam Bộ và Đồng bằng sông Cửu Long.

Tổng cục Quản lý đất đai đã chỉ ra nguyên nhân quá trình tích tụ, tập trung đất đai vẫn còn chậm là do việc thực hiện tích tụ đất đai động chạm đến quyền lợi của hầu hết các hộ dân, khó có được sự đồng thuận. Trong khi đó, tại nhiều địa phương còn thực hiện theo phong trào, áp đặt, thiếu công khai minh bạch, dân chủ và công bằng. Bên cạnh đó, các địa phương thiếu hướng dẫn cụ thể, chưa rõ trách nhiệm quản lý Nhà nước đối với công tác dồn điền đổi thửa, thiếu sự đầu tư kinh phí và sự đồng thuận của người dân nên quá trình thực hiện kéo dài nhiều năm. Có nơi dồn điền đổi thửa xong nhưng không đo đạc lại, việc cấp Giấy chứng nhận (GCN) quyền sử dụng đất còn chậm, công tác quản lý hồ sơ địa chính thiếu chặt chẽ, là nguyên nhân dễ nảy sinh các vấn đề phức tạp, mâu thuẫn xung đột quyền lợi của người dân.

Điển hình, tại huyện Thăng Bình là địa phương tiên phong của tỉnh Quảng Nam trong việc thực hiện chủ trương tích tụ tập trung ruộng đất đã mang lại những kết quả khả quan. Tuy nhiên, đại diện HTX Bình Đào cho rằng, mặc dù đã được phổ biến chủ trương, chính sách về tập trung, tích tụ ruộng đất nhưng nhiều người dân vẫn có tư tưởng sợ mất đất canh tác, ngại cho HTX thuê đất. Ngoài ra, điều kiện thổ nhưỡng, đất đai còn manh mún, ruộng bậc thang, hạ tầng nông nghiệp còn nghèo nàn, không chủ động đầu ra cho nông sản nên khó để phát triển cánh đồng mẫu lớn.

Hoàn thiện chính sách, pháp luật đất đai

Bà Đoàn Thị Thanh Mỹ - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý đất đai nhấn mạnh: Chủ trương khuyến khích tập trung, tích tụ ruộng đất nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp, áp dụng tiến bộ khoa học công nghệ và hình thành khu vực chuyên canh theo hướng sản xuất nông nghiệp hiện đại, chuyên môn hóa gắn với thị trường luôn được Đảng và Nhà nước quan tâm, chỉ đạo.

Việc hoàn thiện chính sách, pháp luật về quản lý sử dụng đất nông nghiệp nhằm tạo động lực cho phát triển nông nghiệp nông thôn và phát triển kinh tế nông thôn là rất cần thiết. Tuy nhiên, đây là vấn đề hệ trọng, tác động đến hàng triệu lao động nông nghiệp. Với sự hỗ trợ của Dự án quản trị đất đai vùng sông Mê Kông, Tổng cục Quản lý đất đai đã thực hiện Dự án “Hỗ trợ xây dựng các chính sách về tập trung, tích tụ đất nông nghiệp”. Đây sẽ là cơ sở để hoàn thiện Luật Đất đai 2013 sửa đổi bổ sung thời gian tới.

Theo bà Hoàng Thị Vân Anh, Vụ trưởng Vụ Chính sách pháp chế (Tổng cục Quản lý đất đai), để gỡ nút thắt trong tích tụ ruộng đất, trong quá trình hoàn thiện chính sách phải bảo vệ sinh kế của các nhóm yếu thế như nông dân sản xuất nhỏ, người dân tộc thiểu số và phụ nữ. Vì vậy, việc điều chỉnh khung chính sách khuyến khích tích tụ đất nông nghiệp cần bao gồm các khía cạnh khác nhau như phát triển nền kinh tế nông nghiệp sản xuất hiện đại, đảm bảo sinh kế bền vững cho nông dân. Đảm bảo ổn định chính trị - xã hội sau tích tụ ruộng đất, đặc biệt là các hình thức góp vốn bằng quyền sử dụng đất của nông dân, bảo vệ nhóm yếu thế và xây dựng mối liên kết giữa nhóm yếu thế và nhóm thuận lợi trong sản xuất.

Liên quan đến đề xuất sửa đổi hạn mức nhận chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp của hộ gia đình, cá nhân, phần lớn các địa phương thống nhất mở rộng hạn mức lên gấp 5 lần so với quy định hiện hành nhằm đáp ứng yêu cầu cho sản xuất lớn, khuyến khích người dân, doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất nông nghiệp; xây dựng mô hình kinh tế trang trại quy mô lớn.

Bên cạnh đó, cần hoàn thiện chính sách chuyển mục đích sử dụng và quản lý đất lúa; có cơ chế hỗ trợ để doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp có mặt bằng sản xuất cũng như bổ sung một số chính sách, pháp luật về thuế, miễn thuế thu nhập cá nhân của hộ gia đình tham gia thực hiện tích tụ đất đai thông qua phương thức chuyển nhượng quyền sử dụng đất…

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cởi nút thắt trong “tích tụ ruộng đất” ở miền Trung - Tích tụ đất nông nghiệp: Khó vẫn phải làm
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO