Ngày 02/6 vừa qua, Công ty Coca-Cola và Tổ chức The Ocean Cleanup chính thức thông báo Coca-Cola sẽ là đối tác triển khai toàn cầu cho dự án làm sạch sông ngòi của The Ocean Cleanup. Quan hệ hợp tác đặc biệt này kết nối công ty đa quốc gia và tổ chức công nghệ phi lợi nhuận dưới một mục tiêu chung rõ ràng: Ngăn rác thải nhựa đổ ra đại dương, với bước tiếp cận đầu tiên là xử lý rác thải đổ ra biển từ các con sông.
Tận dụng quy mô và mạng lưới toàn cầu của Coca-Cola cùng các giải pháp dữ liệu và công nghệ của The Ocean Cleanup, chương trình hợp tác lần này sẽ đẩy nhanh quá trình triển khai hệ thống thu gom rác thải nhựa và làm sạch 15 con sông trên thế giới trong vòng 18 tháng tới, bao gồm việc giới thiệu và ứng dụng giải pháp vệ sinh sông ngòi bán tự động dùng năng lượng mặt trời Interceptor™ của The Ocean Cleanup. Hai bên cũng kêu gọi sự quan tâm và hành động của các ngành công nghiệp lẫn cá nhân trên toàn thế giới nhằm giải quyết vấn đề về rác thải nhựa, ngăn rác thải nhựa đổ ra đại dương, từ đó bảo vệ hệ sinh thái, các loài sinh vật và nguồn tài nguyên nước.
Giải pháp Interceptor
Hệ thống Interceptor được công bố vào năm 2019 là giải pháp đầu tiên có khả năng triển khai trên diện rộng để ngăn chặn rác thải từ sông ngòi đổ ra đại dương. Interceptor hoạt động 100% bằng năng lượng mặt trời, lọc rác tự động và có thể vận hành tại hầu hết các con sông ô nhiễm nhất trên thế giới.
Thông qua quan hệ hợp tác giữa The Ocean Cleanup và Coca-Cola, từ nay đến cuối năm 2022, hai đơn vị sẽ phối hợp triển khai chương trình ứng dụng giải pháp Interceptor để làm sạch 15 con sông trên toàn cầu. Hai hệ thống Interceptor đầu tiên trong chương trình hợp tác đã được The Ocean Cleanup lắp đặt tại Santo Domingo, Cộng hoà Dominica và Cần Thơ, Việt Nam.
Tại những con sông này, The Ocean Cleanup và Coca-Cola sẽ tiếp tục hỗ trợ phát triển các giải pháp xử lý rác thải sau khi thu gom. Hai đơn vị cũng đang lên kế hoạch mở rộng quy mô dự án trên 13 con sông còn lại trong thời gian tới.
The Ocean Cleanup cung cấp các giải pháp hiệu quả với chuyên môn cao trong lĩnh vực công nghệ thu gom rác thải nhựa, áp dụng từ kinh nghiệm thực tiễn, hiểu biết khoa học về ô nhiễm rác thải nhựa, cùng cơ sở dữ liệu cũng như cách xử lý dữ liệu từ các chương trình mà tổ chức này đã triển khai trước đây. Coca-Cola sẽ hỗ trợ The Ocean Cleanup thông qua mạng lưới toàn cầu của công ty hiện đang hoạt động tại hơn 200 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Hệ thống Interceptor hiện đã được The Ocean Cleanup lắp đặt tại Cần Thơ, Việt Nam. |
Coca-Cola sẽ hỗ trợ trực tiếp tại các địa phương để triển khai hệ thống Interceptor mới, cũng như quá trình xử lý nhựa sau khi thu gom với các biện pháp chuyên biệt để quản lý rác thải nhựa trong một mô hình kinh tế tuần hoàn. Ocean Cleanup và Coca-Cola sẽ cùng hợp tác để bảo đảm có thêm các đối tác mới và kêu gọi đầu tư cần thiết để mở rộng quy mô dự án, cụ thể là lắp đặt thêm giải pháp Interceptor, bảo đảm giấy phép và triển khai Hệ thống Theo dõi Sông ngòi (River Monitoring System - RMS) nhằm phân tích chi tiết hơn về mức độ ô nhiễm tại các con sông.
Vì một thế giới không rác thải
Ông James Quincey, Chủ tịch kiêm CEO của Công ty Coca-Cola cho biết: “Là một công ty toàn cầu, chúng tôi luôn nỗ lực để đảm bảo tất cả các vật liệu mà chúng tôi dùng cho bao bì đều được thu gom và tái chế, và sẽ không trở thành rác thải. Chúng tôi ủng hộ The Ocean Cleanup cùng những giải pháp công nghệ bảo vệ hệ sinh thái đại dương, cũng là góp phần bảo tồn nguồn nước của chúng ta”.
Công ty Coca-Cola đang triển khai các hoạt động toàn diện để giải quyết vấn đề rác thải nhựa thông qua Chiến lược Vì một thế giới không rác thải. Chiến lược đề ra ba mục tiêu toàn cầu chính bao gồm: (1) 100% bao bì của Coca-Cola có thể tái chế đến năm 2025 – và sử dụng ít nhất 50% vật liệu tái chế trong bao bì đến năm 2030; (2) Mỗi lon và chai mà Coca-Cola bán ra đều được công ty thu gom và tái chế đến năm 2030; và (3) Cùng hợp tác vì một môi trường trong lành, không có rác thải.
Không ngừng cải tiến, Coca-Cola đang đầu tư cho nhiều công nghệ mới, các giải pháp vật liệu bao bì và sáng kiến giảm thiểu bao bì, bao gồm công nghệ tái chế siêu nhẹ, bao bì có nguồn gốc thực vật và những giải pháp hỗ trợ quá trình phân loại. Mới đây, Coca-Cola đặt mục tiêu đến năm 2025, tuỳ thuộc vào tăng trưởng kinh doanh, công ty sẽ giảm sử dụng khoảng 20% nhựa nguyên sinh từ nhiên liệu hoá thạch so với hiện nay.
Để đẩy lùi rác thải nhựa đòi hỏi hành động và tư duy hiệu quả của các bên, bao gồm các tổ chức dân sự, các ngành công nghiệp và khu vực công. Vì vậy, Công ty Coca-Cola luôn hỗ trợ xây dựng và tham gia vào các quan hệ hợp tác toàn cầu, hướng đến tương lai Vì một thế giới không rác thải. Mục tiêu chung là khuyến khích nhiều người hơn cùng tái chế, tái sử dụng và có thêm nhiều tổ chức đầu tư vào nền kinh tế tuần hoàn mà ở đó, các sản phẩm và vật liệu đến cuối chu trình sử dụng vẫn duy trì được giá trị của chúng và quay lại quy trình sản xuất, trở thành một phần trong chuỗi khép kín, để có rất ít hoặc không có rác thải xả ra môi trường./.