Ngày 27/11, Báo Tài nguyên & Môi trường đăng tải bài viết: "Cơ sở tái chế dầu thải “mọc” trên đất rừng" phản ánh về cơ sở tái chế dầu thải trái phép dưới chân núi Nưa, di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt của xã Thái Hòa, huyện Triệu Sơn (Thanh Hóa). Trong nhiều tháng qua, để che mắt cơ quan chức năng, người dân địa phương có diện tích rừng trồng ở đây, cơ sở này ban ngày khóa kín cổng và bắt đầu các hoạt động tái chế dầu thải vào ban đêm.
Khi làm việc với phóng viên (ngày 22/11/2019) đại diện lãnh đạo Phòng Tài nguyên & Môi trường huyện Triệu Sơn cho biết sẽ xử lý ngay, không để cơ sở dầu tái chế chất thải nguy hại tồn tại trên đất trồng rừng, gây ô nhiễm môi trường, nguy cơ dẫn đến cháy rừng…
Nhưng theo phản ánh của người dân địa phương, cơ sở tái chế dầu thải này hàng đêm vẫn hoạt động bình thường, không bị chính quyền địa phương và cơ quan chức năng, ngành tài nguyên & môi trường huyện Triệu Sơn (tỉnh Thanh Hóa) xử lý.
Để kiểm chứng thông tin phản ánh của người dân xã Thái Hòa, huyện Triệu Sơn (ngày 5/12/2019) chúng tôi lại tiếp tục hành trình “lặn lội” vào cơ sở tái chế dầu thải, nằm sâu trong rừng trồng của xã Thái Hòa. Đúng như những gì phản ánh của người dân, cơ sở tái chế dầu thải này vẫn còn nguyên “hiện trạng”.
Cơ sở tái chế dầu thải trên đất rừng xã Thái Hòa vẫn nguyên "hiện trạng" |
Trước thực tế trên, phóng viên trao đổi với bà Nguyễn Thị Xuân, Phó trưởng phòng, Phòng Tài nguyên & Môi trường huyện Triệu Sơn. Bà Xuân cho biết: “Huyện đã giao cho xã Thái Hòa xử lý dứt điểm cơ sở tái chế dầu thải, xã đã có báo cáo sẽ xử lý cơ sở này trước ngày (3/12/2109) nhưng đến thời điểm hiện nay, xã Thái Hòa chưa báo cáo lại. Theo nội dung báo cáo của UBND xã Thái Hòa số 207/BC – UBND, ngày 28/11/2019, về việc: Chấp hành pháp luật đất đai, luật bảo vệ môi trường, cụ thể như sau: “Thực hiện nhiệm vụ tổ chức kiểm tra, giám sát việc tháo dỡ công trình xây dựng trái phép, Xưởng tái chế dầu thải trên đất rừng sản xuất của hộ ông Lê Văn Thanh, Khu vực khe Cồng, xã Thái Hòa, huyện Triệu Sơn. Ngày 24/8/2019, UBND xã đã cử đồng chí Lê Đình Hòa, Trưởng Công an xã tham gia làm việc cùng đoàn, làm việc của Công An huyện Triệu Sơn để kiểm tra, xác minh làm rõ vi phạm tại cơ sở.
Ngày 26/8/2019, đồng chí Vũ Trọng An, Phó Chủ tịch UBND xã tham gia làm việc cùng đoàn Sở Tài nguyên & Môi trường và UBND huyện Triệu Sơn kiểm tra việc chấp hành pháp luật bảo vệ môi trường tại cơ sở. Ngày 6/9/2019, UBND xã Thái Hòa tổ chức kiểm tra tại thực địa việc khắc phục hậu quả của hộ ông Lê Văn Thanh, trong việc tự ý chuyển mục đích sử dụng đất rừng sản xuất, sang đất phi nông nghiệp mà không được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cho phép.
Trong tất cả các buổi làm việc đều yêu cầu hộ ông Lê Văn Thanh tháo dỡ công trình vi phạm, khôi phục lại hiện trạng ban đầu, nhưng đến nay ngày 27/11/2019 theo kiểm tra, hộ ông Lê Văn Thanh không chấp hành, theo quy định của các cơ quan có thẩm quyền như đã cam kết trong các cuộc làm việc. UBND xã Thái Hòa đã mời ông Lê Văn Thanh về trụ sở UBND xã vào chiều 28/11/2019 để thống nhất nội dung, lần cuối trước khi báo cáo UBND huyện Triệu Sơn đề nghị chỉ đạo cưỡng chế tháo dỡ.
Tại buổi làm việc, ông Lê Văn Thanh đề nghị UBND xã tạo điều kiện cho hộ không tháo dỡ… Chủ tịch UBND xã đã kết luận: Hoạt động của Xướng tái chế dầu thải trên đất rừng sản xuất là không thể. Yêu cầu hộ ông Lê Văn Thanh tháo dỡ ngay xưởng trong thời gian (từ ngày 28/11 – 3/12/2019). Đến ngày, 3/12/2019, UBND xã sẽ vào kiểm tra, nếu chưa tháo dỡ, sẽ báo cáo UBND huyện Triệu Sơn đề nghị chỉ đạo cưỡng chế tháo dỡ.”
|
Theo quan điểm của bà Nguyễn Thị Xuân, Phó Trưởng phòng, Phòng Tài nguyên & Môi trường huyện Triệu Sơn: “Hiện nay, phòng và UBND huyện đang chờ báo cáo lại của UBND xã Thái Hòa, xem tình hình thực tế xã đã xử lý như thế nào. Trên căn cứ cơ sở báo cáo vào (ngày 28/11/2019) xã Thái Hòa đã chậm 2 ngày, chưa báo cáo về cơ quan chuyên môn và chính quyền huyện Triệu Sơn. Do vậy, phòng chưa có hướng để tham mưu cho UBND huyện thực hiện việc cưỡng chế tháo dỡ. Phòng sẽ báo cáo ngay nội dung này với UBND huyện, thành lập đoàn xuống làm việc UBND xã Thái Hòa, không thể để cơ sở tái chế dầu thải này tồn tại, cần xử lý ngay nghiêm minh.”
Dư luận xã Thái Hòa đang đặt ra câu hỏi: Vì sao cơ sở tái chế dầu thải trái phép “mọc” lên trên đất rừng, đã nhiều tháng trôi qua, mà chính quyền xã Thái Hòa lại thờ ơ, thiếu trách nhiệm… như vậy? Cơ quan chuyên môn, chính quyền huyện Triệu Sơn không quyết liệt, dứt khoát xử lý cơ sở sai phạm này? Bao giờ cơ sở tái chế dầu thải trên đất rừng được tháo dỡ, hay lại như những lần trước đây, xử lý chỉ trên Văn bản còn thực tế cơ sở tái chế vẫn đêm đêm “lén lút” hoạt động tái chế dầu, gây ô nhiễm môi trường?
Báo điện tử Tài nguyên & Môi trường sẽ tiếp tục thông tin.