Cơ sở tái chế dầu thải “mọc” trên đất rừng

Bài và ảnh: Phạm Hoàng| 27/11/2019 05:48

(TN&MT) - Giữa bạt ngàn rừng keo, dưới chân núi Nưa, di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt của xã Thái Hòa, huyện Triệu Sơn (Thanh Hóa) người dân trồng rừng phát hiện ra Cơ sở tái chế dầu thải, như được “mọc” lên từ lòng đất! Trong nhiều tháng qua, để che mắt cơ quan chức năng, người dân địa phương có diện tích rừng trồng ở đây, cơ sở này ban ngày khóa kín cổng và bắt đầu các hoạt động tái chế dầu thải vào ban đêm.

Sau khi có thông tin phản ánh của người dân xã Thái Hòa, huyện Triệu Sơn, tỉnh Thanh Hóa về việc: Cơ sở tái chế dầu “mọc” lên trên diện tích đất rừng của hộ gia đình ông Lê Văn Thanh, tại Khe Cồng, xã Thái Hòa, huyện Triệu Sơn (Thanh Hóa) gây ô nhiễm môi trường và nghi ngờ là không được cấp phép, Phóng viên Báo TN&MT vào tận nơi “mục sở thị” nhà xưởng tái chế dầu thải này.

Trước khi đi, người dân địa phương cảnh báo, đường vào rất nguy hiểm vì đây là con đường rừng độc đạo, tuy mấy hôm trời không mưa, nhưng vẫn còn những đoạn dài đọng nước trơn trượt, nếu xe bị lầy thì chỉ có nước ngủ lại rừng…

Theo phản ánh của người dân, Cơ sở tái chế dầu thải ngày khóa cổng, đêm hoạt động nhằm che mắt người dân và cơ quan chức năng

 Phải mất gần 2 giờ đồng hồ, chúng tôi mới vượt được đoạn đường khoảng 4 km từ trung tâm xã Thái Hòa, đến Cơ sở tái chế dầu thải dưới chân núi Nưa (điểm di tích Quốc gia đặc biệt gắn liền với huyền thoại về Bà Triệu) theo chỉ dẫn của người dân địa phương. Đường vào khu vực này gồ ghề, toàn sống trâu “ổ bò, ổ voi”  xuyên trong ngút ngàn rừng keo trồng...

Đúng như những gì mà người dân xã Thái Hòa đã phản ánh, giữa bạt ngàn của rừng keo, là khoảng đất trống khoảng 2.000m2 được dựng một tổ hợp tái chế dầu thải, xây dựng bài bản, kiên cố… với lò nấu dầu  “hoành tráng” một đêm có thể nấu được từ 15 – 20 thùng phuy. Các công trình phụ trợ, như: téc, bể chứa, bể ngưng… lò dầu vẫn còn nóng, điều này chứng tỏ cơ sở tái chế dầu, vẫn hoạt động như phản ánh của người dân. Bên cạnh cơ sở tái chế dầu, dầu thải đổ ra mương vẫn còn loang lổ và các cây trồng, lá đều bị héo khô.

Nước dầu thải từ Cơ sở tái chế dầu đổ thằng ra mương bên cạnh 

Từ Cơ sở tái chế dầu thải trở về, phóng viên làm việc với ông Vũ Trọng An, Phó Chủ tịch UBND xã Thái Hòa. Ông An xác nhận: “Cơ sở tái chế dầu thải được xây dựng trong diện tích đất trồng rừng tại xã Thái Hòa, là đúng sự thật. Do nằm sâu trong rừng, đường độc đạo ở nơi xa địa bàn xã, nhất là việc đi lại hết sức khó khăn, vào mùa mưa gần như bị chia cắt, nên xã không phát hiện được.

Khi cơ sở tái chế này xây dựng xong đi vào hoạt động, người dân có diện tích rừng gần đó phát hiện ra báo cáo với Công an xã, huyện. UBND xã đã cùng các cơ quan chức năng, ngành tài nguyên & môi trường, Công an huyện tiến hành kiểm tra và triệu tập chủ đất, chủ cơ sở tái chế dầu thải lên UBND xã tiến hành lập Biên bản. Tại thời điểm kiểm tra (tháng 8/2019) diện tích đất rừng này của hộ ông Lê Văn Thanh (địa chỉ xã Tân Ninh, huyện Triệu Sơn) đang sử dụng trồng cây lâm nghiệp. Trong đó, một phần diện tích đất khoảng 2.000m2 được san gạt xây dựng Cơ sở tái chế dầu thải.

Các công trình xây dựng, bao gồm: Bể chứa nước diện tích khoảng 150m2, lò đốt khoảng 12m2, lều tạm 20m2, bể ngưng và bể chứa dầu… Cơ sở tái chế dầu là của ông Nguyễn Đình Luân (người Nam Định) thuê đất của ông Lê Văn Thanh, được xây dựng vào tháng 7/2019 và đã hoàn thiện đi vào hoạt động tái chế dầu. Trong quá trình làm việc, các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương đã yêu cầu Chủ cơ sở tái chế dầu dừng ngay hoạt động và  hộ gia đình ông Lê Văn Thanh tháo dỡ các công trình xây dựng vi phạm, san lấp và trả lại nguyên hiện trạng ban đầu (trước ngày 10/9/2019).

Ông Lê Văn Thanh có ý kiến, do thời điểm tháng 9 mưa nhiều, nước dâng cao không có đường di chuyển vào vị trí đất, gia đình xin thực hiện tháo dỡ các công trình vi phạm trước ngày (30/9). Nhưng đến nay, Cơ sở tái chế dầu thái vẫn chưa được tháo dỡ, việc xử lý vi phạm của công trình này nay thuộc thẩm quyền của UBND huyện Triệu Sơn. Xã đã nhiều lần liên lạc với chủ đất, chủ cơ sở tái chế dầu thải, đến làm việc để thực hiện theo cam kết trong Biên bản, nhưng họ không chấp hành. Còn việc, Cơ sở tái chế dầu vẫn hoạt động vào ban đêm, xã không nắm được vì địa bàn xa, nằm vị trí giữa rừng nên không thể theo dõi, quản lý thường xuyên.”

Mặc dù bị yêu cầu tháo dỡ trước ngày (30/9/2019) nhưng cơ sở này vẫn còn nguyên vẹn 

Trao đổi với phóng viên Báo Tài nguyên & Môi trường, bà Nguyễn Thị Xuân, Phó Trưởng phòng Tài nguyên & Môi trường, huyện Triệu Sơn, khẳng định: “Sẽ xử lý nghiêm cơ sở tái chế dầu thải sai phạm này, bởi đây là hoạt động trái pháp luật về bảo vệ môi trường đối với chất thải nguy hại. Cơ sở xây dựng trên đất trồng rừng Dự án 661, do huyện Triệu Sơn giao. Không những vậy, cơ này còn có nguy cơ gây cháy rừng, ô nhiễm môi trường do việc xả thải… 

Việc phát hiện cơ sở sai phạm là từ nguồn tin của quần chúng nhân dân báo cho Công an huyện, các ngành chức năng đã tiến hành vào kiểm tra thực tế, lập Biên bản hiện trạng và tham mưu cho UBND huyện ra Quyết định xử phạt hành chính đối với chủ đất là ông Lê Văn Thanh. Các công trình vi phạm yêu cầu tháo dỡ trả nguyên hiện trạng (trước ngày 30/9) giao cho UBND xã Thái Hòa theo dõi, giám sát việc thực hiện.

Đến thời điểm hiện nay, UBND xã Thái Hòa chưa có báo cáo thực hiện nhiệm vụ được giao, mặc dù ngày (7/11/2019) Phòng Tài nguyên & Môi trường đã có Văn bản số 2095/UBND – TNMT, về việc: Báo cáo việc chấp hành quy định về đất đai của hộ ông Lê Văn Thanh, gừi Chủ tịch UBND xã Thái Hòa. Trong Văn bản, nêu rõ: “Ngày 6/9/2019, Phòng Tài nguyên & Môi trường có cuộc làm việc với UBND xã Thái Hòa và hộ ông Lê Văn Thanh liên quan đến sai phạm, trong việc sử dụng đất của hộ ông Thanh. Qua buổi làm việc cho thấy ông Thanh đã tự ý chuyển mục đích sử dụng đất rừng sản xuất sang đất phi nông nghiệp, mà không được cơ quan có thẩm quyền cho phép.

Phòng Tài nguyên & Môi trường đã lập Biên bản vi phạm hành chính, đồng thời yêu cầu UBND xã tổ chức kiểm tra, giám sát việc thực hiện của ông Thanh. Yêu cầu, ông Thanh tháo dỡ công trình vi phạm xong trước ngày (30/9/2019) và báo cáo kết quả về Phòng Tài nguyên & Môi trường. Ngày 10/9/2019, Chủ tịch UBND huyện, cũng đã ban hành Quyết định sổ 6556/QĐ – XPVPHC về xử lý vi phạm hành chính đối với hộ ông Thanh (với số tiền 15 triệu đồng) giao cho UBND xã Thái Hòa có trách nhiệm kiểm tra, việc khắc phục của hộ ông Lê Văn Thanh.

Văn bản của Phòng Tài nguyên & Môi trường gửi Chủ tịch UBND xã Thái Hòa, yêu cầu báo cáo thực hiện nhiệm vụ được giao 

Để thực hiện nghiêm, các quy định của pháp luật về đất đai, Phòng Tài nguyên & Môi trường đề nghị UBND xã Thái Hòa chỉ đạo kiểm tra và báo cáo kết quả kiểm tra, giám sát việc tổ chức thực hiện các nội dung yêu cầu tại buổi làm việc ngày (6/9/2019) giữa Phòng Tài nguyên & Môi trường với UBND xã Thái Hòa, hộ ông Lê Văn Thanh. Báo cáo kết quả thực hiện các nội dung yêu cầu tại Quyết định xử lý đối với hộ ông Lê Văn Thanh, về Phòng Tài nguyên & Môi trường trước ngày (15/11/2019) làm cơ sở để Phòng Tài nguyên & Môi trường nắm bắt và tham mưu cho UBND huyện có biện pháp xử lý, nếu hộ ông Thanh chưa thực hiện đúng các quy định của pháp luật…”.

 Bà Nguyễn Thị Xuân tỏ rõ quan điểm, sau ngày làm việc với phóng viên (22/11/2019) sẽ tiến hành làm việc ngay với chính quyền xã Thái Hòa để làm rõ trách nhiệm, tham mưu cho UBND huyện ra Quyết định cưỡng chế Cơ sở tái chế dầu thải (nếu chủ cơ sở chưa tự nguyện tháo dỡ) và xử lý nghiêm trường hợp vi phạm đất đai của hộ ông Lê Văn Thanh.

Cơ sở tái chế dầu thải “mọc” lên trên đất rừng, mặc dù đã bị phát hiện và yêu cầu đình chỉ hoạt động, tháo dỡ công trình vi phạm trước ngày (30/9/2019) nhưng đến nay cơ sở này vẫn còn “nguyên vẹn” và hàng đêm hoạt động trái phép, theo như phản ánh của người dân. Vậy vì sao chính quyền cơ sở lại thờ ơ, không thực hiện nhiệm vụ được giao… cơ sở trái phép bao giờ được tháo dỡ, để trả lại màu xanh cho rừng là câu hỏi của người dân sống xung quanh khu vực này rất cần được chính quyền địa phương giải đáp!

Báo Tài nguyên & Môi trường tiếp tục thông tin.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cơ sở tái chế dầu thải “mọc” trên đất rừng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO