Khu vực rộng lớn, trong đó có ngôi mộ nghi là vợ vua Tự Đức bị san phẳng để làm bãi đổ xe |
San phẳng lăng mộ vợ của vua?
Nhiều ngày qua, PV nhận được phản ánh tại Thừa Thiên Huế xuất hiện thông tin lăng mộ của một người vợ vua Tự Đức tên là Mỹ Phi bị đơn vị thi công san ủi để thực hiện dự án bãi đỗ xe theo hình thức xã hội hóa.
Theo quan sát của PV, khu vực mà người dân cho rằng có lăng mộ bà Mỹ Phi bị san lấp nằm trên một quả đồi, đối diện với lăng của vua Tự Đức (phường Thủy Xuân, TP. Huế) và rộng khoảng 4.000m2. Một diện tích lớn đã bị máy ủi san bằng, mảnh đá, gạch bị máy ủi san bằng vương vãi khắp nơi.
Theo người dân, trước đó lăng mộ được cho là của bà Mỹ Phi có diện tích 45 mét vuông, lăng được xây bằng đá và vôi vữa, có cổng hình vòm, phần tường cao khoảng 3 -4m nằm ngay trong khu vực bãi đất bị san lấp. Trước lăng có một tấm bia khắc chữ Hán bằng đá xanh nguyên khối.
Lăng bà Học Phi, vợ vua Tự Đức còn giữ nguyên cạnh bên dự án bãi đỗ xe |
Một người trong dòng tộc Nguyễn Phước cho biết, công trường đang bị san ủi vốn có 2 lăng mộ của bà Mỹ Phi và bà Học Phi, cả hai đều là vợ vua Tự Đức. Nhưng hiện nay chỉ còn lại 1 lăng.
Được biết, việc san lấp khu vực đất rộng kể trên là để xây dựng bãi đỗ xe khách tham quan lăng Tự Đức và lăng Đồng Khánh, do Công ty TNHH Chuỗi Giá Trị làm chủ đầu tư, có tổng diện tích 17.000 m2, quy mô 100 ô tô, xe điện các loại và 120 xe máy với số tiền đầu tư 15 tỷ đồng.
Ông Trần Duy Quy (tổ 11, khu vực 3, phường Thủy Xuân) cho biết, đơn vị thi công đã dùng máy xúc san ủi lăng. Phát hiện sự việc, nhiều người dân ngăn cản nhưng lăng vẫn tiếp tục bị san ủi hoàn toàn vào ngày 20/6.
Bà con dòng họ Nguyễn Phước tộc thuê máy xúc đến hiện trường tìm kiếm tấm bia của ngôi mộ cổ |
Ngay sau đó, Hội đồng trị sự Nguyễn Phước Tộc và Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế đã tiến hành kiểm tra hiện trường, yêu cầu chủ đầu tư dừng thi công mọi công việc san ủi mặt bằng làm bãi đỗ xe để tìm kiếm.
Đại diện lãnh đạo Công ty TNHH Thương mại dịch vụ Chuỗi Giá Trị (đơn vị chủ đầu tư) khi trả lời báo chí lại một mực khẳng định, trước khi đền bù giải phóng mặt bằng, Trung tâm Phát triển quỹ đất TP. Huế đã tiến hành kiểm kê lăng mộ trên diện tích đất dự án.
“Theo bản vẽ khảo sát hiện trạng thì trên diện tích đất dự án chỉ có lăng bà Học Phi (một vợ khác của vua Tự Đức, hiện lăng này vẫn được giữ nguyên-PV) chứ không có lăng nào của bà Mỹ Phi cả...”- vị lãnh đạo Công ty TNHH Chuỗi Giá Trị nói.
Bất ngờ tìm thấy tấm bia
Người dân sống tại phường Thủy Xuân, TP. Huế cũng một mực khẳng định, tại vị trí đã bị doanh nghiệp san phẳng làm bãi đậu xe từng tồn tại một lăng mộ cổ có kiến trúc giống với lăng bà Học Phi nằm cách đó không xa. Tuy nhiên, lăng mộ này có quy mô nhỏ hơn.
Di dời tấm bia đến đặt ở nơi được xem là huyệt mộ |
Tiếp diễn sự việc, bà con trong Nguyễn Phước đã phối hợp Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế miệt mài tìm kiếm dấu tích lăng mộ cổ để mong tìm thấy dòng họ của mình. Sau 3 ngày tìm kiếm, đội ngũ tìm kiếm đã phát hiện nhiều dấu tích khẳng định rằng tại vị trí bị san phẳng làm bãi đậu xe từng có một ngôi mộ cổ.
Cụ thể, tấm bia được xe múc của đội tìm kiếm phát hiện nằm lẫn sâu trong đất vào chiều 24/6, cách vị trí được xác định là khu lăng mộ cổ khoảng 50 m. Tấm bia được làm bằng đá nguyên khối còn khá nguyên vẹn với chiều dài 67 cm, rộng 32 cm và dày 10 cm.
Nhận được thông báo, ông Phan Thanh Hải- Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế đã nhanh chóng đến hiện trường. Sau khi đọc dòng chữ Hán được khắc chìm trên bia: Tiền triều tài nhân cửu giai Lê Thị thụy Thục Thuận chi mộ, tạm dịch là “Mộ của bà Tài Nhân họ Lê, thụy là Thục Thuận”, ông Hải xác nhận tấm bia mới được tìm thấy là của vợ một vị vua Nhà Nguyễn. Tuy nhiên, ông Hải vẫn chưa xác định là vợ của vị vua nào.
Tấm bia được tìm thấy là một người vợ của vua triều Nguyễn |
Theo vị Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế, căn cứ vào dòng chữ được khắc trên bia có thể nhận định đây là lăng mộ của một người vợ ở bậc thứ 9 (Tài nhân) của vua nhà Nguyễn.
PGS-TS Đỗ Bang, Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử tỉnh Thừa Thiên Huế cho rằng: “Theo quan điểm riêng của tôi, về nguyên tắc, theo Luật Di sản văn hóa thì hiện nay nên tiến hành khảo cổ để xác minh đây có phải là mộ vua Tự Đức hay không, còn làm hay không tùy thuộc vào nhà đầu tư...”.
Hiện tại, tấm bia vừa được tìm thấy đang được đặt tại nơi được coi là huyệt mộ và tạm thời sẽ giao lại cho chính quyền địa phương bảo vệ nhằm phục vụ công tác thẩm định trong thời gian tới.
Báo Tài nguyên & Môi trường sẽ tiếp tục thông tin.
Bài & ảnh:Thế Anh – Anh Dũng