Ngày 10/6, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Quốc hội tiến hành thảo luận tại Hội trường về dự thảo Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Khánh Hòa.
Phát huy tiềm năng, lợi thế của Khánh Hòa
Phát biểu tại phiên họp, đại biểu Nguyễn Tạo, Đoàn ĐBQH tỉnh Lâm Đồng nêu rõ, các nội dung trong dự thảo Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Khánh Hòa cơ bản bám sát chủ trương của Bộ Chính trị tại Nghị quyết số 09 ngày 28/1/2022 về xây dựng và phát triển đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045, bảo đảm tính tương đồng với các tỉnh, thành phố đã được Quốc hội khóa XIV, XV ban hành cơ chế đặc thù như Nghệ An, Thừa Thiên Huế, Thanh Hóa, Cần Thơ, Hải Phòng, Đà Nẵng, TP. Hồ Chí Minh và Thủ đô Hà Nội.
Đại biểu bày tỏ sự thống nhất cao với nội dung của dự thảo nghị quyết. Ngoài các quy định tương tự như các địa phương đã có cơ chế đặc thù, dự thảo lần này đã quy định những chính sách hoàn toàn mới. Đây là những chính sách tương thích với những lợi thế xuất phát từ thực tế tỉnh Khánh Hòa như tách dự án bồi thường giải phóng mặt bằng ra khỏi dự án đầu tư công, phát triển Khu kinh tế Vân Phong, phát triển kinh tế biển tại tỉnh Khánh Hòa. Đây là hạt nhân, là đòn bẩy, tạo chuỗi liên kết và động lực quan trọng để phát triển kinh tế vùng Tây Nguyên và Nam Trung Bộ trong thời gian tới, phát huy những kết cấu hạ tầng đã được đầu tư như hệ thống cao tốc ở phía Đông, sân bay Cam Ranh, thương hiệu biển của Khánh Hòa và các hạ tầng hình thành trong thời gian tương lai.
Về các nội dung cụ thể, đại biểu nêu rõ, việc thí điểm tách dự án bồi thường giải phóng mặt bằng ra khỏi dự án đầu tư công, việc thực hiện các dự án giao thông và các công trình hạ tầng khác có vấn đề khó khăn nhất là công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, giải phóng mặt bằng. Vì vậy, thí điểm cơ chế này cho tỉnh Khánh Hòa thực sự phù hợp. Khi địa phương làm chủ đầu tư, bám sát cơ sở hơn, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của nhân dân, từ đó bảo đảm quyền lợi cao nhất cho người dân bị ảnh hưởng, bảo đảm giá cả, việc đền bù thỏa đáng, phần tái định cư thuận lợi hơn, tạo điều kiện sinh kế cho bà con ổn định cuộc sống về lâu dài.
Tuy nhiên, đại biểu Nguyễn Tạo đề nghị làm rõ thêm hiệu lực pháp lý của kết quả kiểm đếm về giá đất, việc thỏa thuận với dân, việc công khai giá để bảo đảm tính thuyết phục rõ ràng, minh bạch, không ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của người dân trong quá trình triển khai chuẩn bị dự án. Đồng thời, không làm tăng kinh phí giải phóng mặt bằng, ảnh hưởng đến cân đối ngân sách nhà nước, quyền và lợi hợp pháp của nhà đầu tư. Đại biểu cũng đề nghị Chính phủ nhanh chóng đánh giá, tổng kết toàn diện kết quả thí điểm để nhân rộng áp dụng cơ chế này trên phạm vi toàn quốc.
Phát biểu tại phiên họp, đại biểu Nguyễn Thị Lệ Thủy, Đoàn ĐBQH tỉnh Bến Tre bày tỏ thống nhất cao với Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính, Ngân sách về sự cần thiết ban hành Nghị quyết thí điểm thực hiện một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Khánh Hòa.
Đại biểu cũng đồng tình cao với 11 nhóm chính sách như dự thảo Nghị quyết, trong đó, có 7 nhóm chính sách tương tự như các chính sách đặc thù của một số tỉnh đã áp dụng. Tuy nhiên, qua khảo sát sơ bộ, đại biểu Nguyễn Thị Lệ Thủy cho rằng, không phải tỉnh nào cũng khai thác hiệu quả 7 nhóm chính sách trên. Do đó, đại biểu đề nghị tỉnh Khánh Hòa cần nghiên cứu, rút kinh nghiệm của các tỉnh đã áp dụng trước để vận dụng phù hợp nhằm khai thác hiệu quả chính sách.
Đối với nhóm chính sách mới, đặc thù riêng cho tỉnh Khánh Hòa, đại biểu cho biết, đối với chính sách phát triển nuôi trồng thủy sản trên biển hoàn toàn phù hợp với điều kiện tự nhiên, định hướng chiến lược phát triển kinh tế xã hội của tỉnh Khánh Hòa. Ngư dân trên biển vừa là nguồn lực phát triển lực lượng dân quân biển bền vững, vừa là các “cột mốc sống” trên biển, góp phần đảm bảo quốc phòng, an ninh, biến.
Theo đại biểu, khuyến khích vươn khơi trong điều kiện bình thường đã khó, trong điều kiện phức tạp về an ninh quốc phòng lại càng khó hơn. Nghề vươn khơi đòi hỏi đầu tư nguồn vốn lớn, rủi ro cao cả về thiên tai và nhân tai. Vì vậy, những chính sách ưu đãi, hỗ trợ cần phải khả thi thực tiễn và đủ hấp dẫn nhà đầu tư. Do đó, đại biểu đề nghị miễn toàn bộ tiền thuê mặt nước biển và áp dụng thuế suất, thuế thu nhập doanh nghiệp không % trong suốt vòng đời dự án nhưng tối đa không quá 30 năm cho cả khu vực, từ 3 hải lý trở ra.
Thận trọng khi chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa
Tham gia thảo luận, đại biểu Dương Khắc Mai, Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Nông thống nhất cao đối với việc ban hành chính sách về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Khánh Hòa nhằm thể chế hóa chủ trương của Đảng, đặc biệt là Nghị quyết 09 của Bộ Chính trị đối với địa phương này. Đồng thời, xét về ý nghĩa chiến lược kinh tế, quốc phòng, an ninh, có thể khẳng định Khánh Hòa có một vị trí đặc biệt của nước ta nói riêng và mối quan hệ với khu vực và quốc tế nói chung.
Đại biểu cũng nhấn mạnh, mặc dù là tỉnh tự cân đối được nguồn chi ngân sách và có điều tiết về Trung ương, tuy nhiên, hiện nay, nhiều vùng địa phương của tỉnh là vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, hải đảo còn nhiều khó khăn về cơ sở hạ tầng, kinh tế - xã hội, đặc biệt là mục tiêu đến năm 2030 sẽ nâng cấp tỉnh Khánh Hòa thành thành phố trực thuộc Trung ương. Vì vậy, cần có chính sách hỗ trợ cao hơn mới đáp ứng được yêu cầu và mục tiêu phát triển đặt ra đối với tỉnh Khánh Hòa trong giai đoạn tới.
Góp ý về nội dung chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa dưới 500 ha, quyết định chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng sản xuất dưới 1.000 ha theo khoản 2 Điều 5 của dự thảo nghị quyết. Đại biểu cho rằng, trước diễn biến phức tạp của tình hình thế giới, vấn đề an ninh lương thực, biến đổi khí hậu cần được quan tâm, không chỉ trong hiện tại mà còn trong dài hạn. Vì vậy, đại biểu đề nghị cân nhắc thận trọng khi chuyển mục đích sử dụng các loại đất này, phải giới hạn trong tầm kiểm soát và phải nằm trong tổng thể quy hoạch đất quốc gia.
Đối với việc thực hiện chuẩn bị thu hồi đất tại Khu kinh tế Vân Phong và huyện Cam Lâm theo khoản 2 Điều 5 của dự thảo nghị quyết, đại biểu đề nghị cân nhắc việc áp dụng một chính sách như nhau với 2 địa bàn cách xa nhau về điều kiện tự nhiên, dân cư và các yếu tố kinh tế - xã hội khác. Do đó, cần nghiên cứu, ban hành chính sách riêng cho phù hợp với thực tế, đảm bảo tính khả thi.
Về phát triển, nuôi trồng thủy sản trên biển thuộc phạm vi khu vực biển do tỉnh Khánh Hòa quản lý theo khoản 1 Điều 8 của dự thảo nghị quyết, đại biểu cho rằng, việc nuôi trồng thủy sản sẽ phát thải ra môi trường biển nhiều loại chất thải khác nhau, từ thức ăn thừa, chất thải của thủy sản đến các loại thuốc, hóa chất chuyên dùng nên có nguy cơ cao gây ô nhiễm môi trường khu vực nuôi và vùng ven biển. Trong khi đó, Khánh Hòa là tỉnh có du lịch phát triển và nhiều ngành kinh tế có liên quan đến vùng ven biển. Đại biểu đề nghị cần đánh giá tác động có thể xảy ra, quy định chặt chẽ về điều kiện cấp phép hoạt động nuôi trồng thủy sản nhằm bảo vệ môi trường biển.
Đồng tình ủng hộ Tờ trình của Chính phủ, đại biểu Lê Thanh Vân, Đoàn ĐBQH tỉnh Cà Mau cho rằng, Khánh Hòa rất xứng đáng, thậm chí xứng đáng hơn các địa phương khác, vì Khánh Hòa đặc thù vượt trội là có huyện đảo Trường Sa, có Cảng Cam Ranh thuộc Vịnh Cam Ranh - một cảng biển nước sâu, có vị trí đặc biệt quan trọng về quốc phòng, an ninh, phòng thủ đất nước.
Tuy nhiên đại biểu cho rằng, Khánh Hòa cần có sơ kết, tổng kết cơ chế, chính sách đặc thù của 8 địa phương trước đó để cơ chế đặc thù của Khánh Hòa rõ ràng hơn. Hiện các cụm chính sách còn chưa tường minh, do đó, đại biểu Lê Thanh Vân đề nghị Chính phủ và cơ quan soạn thảo có thể nghiên cứu thêm, cụ thể là minh định cơ chế đặc thù.
Đại biểu nhắc lại tinh thần của Nghị quyết 09 của Bộ Chính trị là giao nhiệm vụ cho Đảng đoàn Quốc hội và Ban cán sự Đảng Chính phủ thiết kế được các chính sách đặc thù cho Khánh Hòa trên ba phương diện: cơ chế đầu tư, cơ chế tài chính và phân cấp, phân quyền.
“Trong dự thảo Nghị quyết, chúng ta chỉ thấy bóng dáng của đầu tư và tài chính. Điều quan trọng là phải tạo cho Khánh Hòa có năng lực pháp lý của chính quyền để tự định đoạt được cơ chế thu hút đầu tư”, đại biểu Lê Thanh Vân nêu rõ.
Vì vậy, đại biểu kiến nghị phải rà soát lại, chỉnh sửa Nghị quyết theo hướng trao cho Khánh Hòa quyền được quyết định chủ trương đầu tư để thu hút được công nghệ mới. Nghị quyết Bộ Chính trị cũng đã đặt ra mục tiêu từ nay đến 2030, Khánh Hòa trở thành thành phố trực thuộc Trung ương và trở thành cực tăng trưởng miền Trung, Tây Nguyên, tức là là một địa điểm kích nổ cho sự phát triển lan truyền miền Trung và Tây Nguyên.
“Như vậy đầu tư công phải tăng lên và cơ chế đặc thù chính là Khánh Hòa được quyền tự quyết định đầu tư, tự quyết định chủ trương đầu tư phù hợp với quy hoạch quốc gia, quy hoạch vùng năng động hơn; quyền được tự tổ chức bộ máy, phù hợp với tiêu chí quản lý của Luật tổ chức chính quyền địa phương”, đại biểu nhấn mạnh.
Cho rằng câu chuyện cơ chế đặc thù sau Khánh Hòa nên khép lại, thay vào đó, đại biểu Lê Thanh Vân đề nghị cần tổng kết và phân loại chính quyền địa phương theo từng quy mô, cấp độ phát triển để có chính sách riêng cho từng nhóm. Có như vậy mới thúc đẩy được các thể chế về nhà nước, về kinh tế, văn hóa phát triển đúng với định hướng chiến lược.