“Con tàu không số” ảnh do máy bay Mỹ chụp ban đêm (ảnh do bác Hồ Nghĩa Thắng cung cấp) |
Những chuyến đi không hẹn ngày về
Nửa thế kỉ đã trôi qua, chiến tranh đã lùi xa nhưng trong câu chuyện mà hai người cựu chiến binh ấy kể như làm người nghe hình dung ra những kí ức không thể nào quên về huyền thoại “Đoàn tàu không số”. Người chính trị viên Phạm Văn Bát sinh ra tại một làng quê nghèo dẫu mang tiếng là đất lúa. Tuổi thơ ông lớn lên trong những năm tháng chiến tranh ác liệt chống thực dân Pháp. Tháng 9/1953 người thanh niên ấy theo đại quân “qua miền Tây Bắc” tham gia chiến dịch Điện Biên. Sau ngày miền Bắc hòa bình, ông được đi học tại Trường Sĩ quan Lục quân 1. Cứ nghĩ “lục quân” sẽ là lính bộ binh được vào Nam chiến đấu. Nhưng vào một buổi sáng tháng 4/1964, lúc này Phạm Văn Bát đang mang quân hàm thiếu úy vừa tốt nghiệp, được lệnh cùng 15 người trong đơn vị đi nhận nhiệm vụ mới. Tất cả được chuyển về Bộ Tư lệnh Hải quân, tham gia lớp tập huấn trong vòng 45 ngày về kỹ - chiến thuật trên biển, lúc này mọi người mới biết đang được tham gia một nhiệm vụ bí mật... Bác Bát kể: “Lúc đó, tôi 31 tuổi, trước khi nhận nhiệm vụ tất cả anh em đều coi như vô danh, không được phép gọi tên thực của mình mà chỉ được gọi nhau bằng kí hiệu. Không được nhắn nhủ với gia đình, người thân. Tôi có biên một lá thư về cho vợ và đứa con gái một tuổi, nhưng mãi 3 năm sau nhà tôi mới nhận được thư”.
Gọi là “Đoàn tàu không số” nhưng thực ra con tàu nào cũng đều có mang số hiệu khi xuất phát từ Bến Nghiêng (Đồ Sơn - Hải Phòng). Chỉ khi tới địa phận biển bị địch bao vây, cấm vận và sang hải phận của nước ngoài, những con tàu mới được thay đổi số hiệu và màu sơn, treo cờ nước bạn trên thân tàu. Ngay tên gọi của những chiến sĩ trong mỗi chuyến đi đều phải được gọi theo tên gọi của người miền Nam để giả dạng là những ngư dân đánh cá. Chuyến đầu tiên bác Bát đi làTàu 68 do Việt Nam đóng.
Một ngày giữa tháng 1-1965 trong cái se se lạnh của miền Bắc, Tàu 68 được lệnh ra khơi. Lúc này Thượng úy Nguyễn Ngọc Ẩn là thuyền trưởng, Thiếu úy Phạm Văn Bát là chính trị viên. Tàu được giao nhiệm vụ chở hàng vào Trà Vinh, trên tàu còn có một đoàn cán bộ chính trị, bác sĩ và 1 sĩ quan pháo binh đi cùng. Khi đã bắt được điểm Côn Đảo, bất ngờ tàu nhận được tín hiệu “bến động” và gặp phải sự bao vây của khu trục và tuần dương hạm của địch. Ban chỉ huy họp nhanh quyết định cho tàu ra khơi, không vào bến nữa, nhưng hướng khác cũng bị nó chặn, rồi hướng khác nữa… cũng không thoát khỏi những ánh đèn pha chiếu thẳng như muốn “khoét” vào thân tàu của chúng ta. Máy bay địch cũng quần đảo như muốn “lật tung” cả mặt biển đang dậy sóng. Lãnh đạo và chỉ huy tàu động viên đoàn cán bộ chiến sĩ yên tâm chờ anh em xử lý và lệnh cho báo vụ không được trả lời địch! Nếu trả lời thì chúng sẽ truy vấn đến cùng.
Với phương châm còn đánh lừa được địch thì còn thi gan, đấu trí với nó đến cùng, mặc dù tâm lý lúc này ai cũng muốn được nổ súng, sống mái một phen với quân thù. Nhưng nhiệm vụ chi viện vũ khí cho miền Nam đang cần đến những con người và những con tàu... Chính trị viên cùng người thuyền trưởng quyết định cho tàu tăng tốc chạy ra hải phận quốc tế.
Trời càng sáng dần, tàu địch cũng bớt hung hăng. Anh em ta kéo những tấm lưới đánh cá phủ lên các khẩu pháo, che kín các hầm hàng; đồng thời lấy những con cá gỗ ra móc lên các mảng lưới để đánh lừa địch. Mấy ngày sau, tàu vào căn cứ Bến Tre an toàn. Cũng từ lần đầu tiên đi biển này chính trị viên Phạm Văn Bát và thuyền trưởng Nguyễn Ngọc Ẩn rút ra cho mình bài học về cách “ứng xử” cho những chuyến đi sau này.
Đầu năm 1966, Tàu 68 đi chuyến thứ hai chở hàng hóa và vũ khí vào tận Cà Mau. Trong suốt chiều dài cuộc hành trình tất cả đều thuận buồm xuôi gió nhưng bất ngờ “sóng gió” lại ập đến khi trả hàng quay trở ra gặp khu trục và hạm đội của địch phát hiện, buộc phải quay trở lại. Nhận biết được tình hình, cán bộ chiến sĩ trên tàu đều chọn phương án im lặng mặc cho những ánh đèn pin dò xét của quân địch cứ liên tiếp chĩa thẳng vào mặt tàu. Chiến sĩ trên tàu ai cũng sẵn sàng nổ súng chống trả, nếu không sẽ cho chúng “ăn” trọn 1 tấn thuốc nổ nằm dưới khoang tàu. Một ngày, rồi hai ngày, tới ngày thứ 3 chúng không còn đủ lòng kiên nhẫn nên đã phải rút lui. Trong ba ngày Tàu 68 đã vượt qua hai lần khu trục của địch và phải nằm lại nơi đất mũi Cà Mau 45 ngày ăn Tết. Kết quả anh em trên tàu đều có một cái Tết đáng nhớ khi được sống trong tình yêu thương, đùm bọc che chở của đồng bào miền Nam.
Máu và hoa
Cùng xen lẫn với câu chuyện của bác Phạm Văn Bát, chúng tôi còn được tìm hiểu thêm những kỉ niệm về chuyến ra khơi, những cuộc hành trình đầy máu lửa của bác Hồ Quyết Thắng ( Hồ Nghĩa Thắng) nguyên báo vụ 2 tàu 610 của đoàn tàu huyền thoại. Vào bộ đội từ hồi rất trẻ, khi mới 18 tuổi, chàng trai xứ Nghệ được coi là những con người thuộc thế hệ sau, kế tiếp những chiến công vang dội của những lớp chiến sĩ đi trước như bác Bát. Chuyến đầu tiên bác Thắng tham gia vào tháng 10/1970 với nhiệm vụ tàu trinh sát, thăm dò tình hình địch.
Tháng 10/1971, chính trường quốc tế đang bàn tán xôn xao khi tổng thống Mỹ sang thăm miền Nam Việt Nam. Lợi dụng tình hình này, Bộ Quốc phòng đã ra chỉ thị tranh thủ thời cơ thuận lợi, đẩy nhanh tiến độ chi viện cho miền Nam, sức người, sức của. “Đoàn tàu không số” lại vươn mình rẽ sóng ra khơi.
Người chiến sĩ Hồ Quyết Thắng trên con tàu Nhật Lệ 610, nhận nhiệm vụ chở hàng vào Cà Mau. Trên tàu có 27 chiến sĩ, 3 tàu lập thành một biên đội ra đi với phương châm nếu tàu nào không vào được thì nhận nhiệm vụ nghi binh cho hai tàu còn lại. Hai tàu với trọng tải 200 tấn và một tàu 100 tấn xuất phát từ Hải Phòng ra Hạ Long sơn ngụy trang thành tàu chở hàng bình thường. Trên đường vận chuyển hàng, biên đội 3 tàu liền bị hai khu trục và hai máy bay địch bám theo và phục kích. Tình thế nguy cấp buộc tàu 610 phải làm nhiệm vụ “quân xanh” cho hai tàu còn lại thoát hiểm tiếp tục hành trình. Khi Tuần dương hạm của Mĩ căng cờ báo hiệu dừng lại, thủy thủ và chiến sĩ trên tàu 610 đã cho kéo cờ ngụy trang tàu Trung quốc và đáp lại câu hỏi chở gì hàng ngũ cốc từ Hồng Kông sang. Liên tục như thế suốt 11 ngày đêm, tàu 610 vẫn kiên cường đáp trả sự đeo bám của tàu địch. Khi về tới Hạ Long, con tàu còn vấp phải sự chống trả ác liệt của máy bay Mỹ. Cuối cùng, ban chỉ huy tàu quyết định không cập bến theo dự định mà cho tàu chuyển hướng quay trở ra khơi, xuôi theo hướng đảo Hải Nam, tìm cách liên lạc với cơ sở gần bờ.
Trong những năm tháng chiến tranh ác liệt, tưởng chừng chỉ có cái chết và sự hủy diệt “ngự trị”. Nhưng cũng trong những quãng ngày gian lao ấy, nơi con sóng cuộn trào vì bom Mĩ lại trào lên những con sóng yêu thương của tình yêu đôi lứa. Đó cũng chính là câu chuyện tình đầy ắp kỉ niệm của đôi vợ chồng cùng tham gia chiến đấu trên hành trình huyền thoại, chiến sĩ Hồ Quyết Thắng với nữ y tá của “Đoàn tàu không số” Nguyễn Thị Nhung. Họ gặp nhau nơi chiến tuyến ác liệt, trong một lần thăm khám, kiểm tra sức khỏe định kì, tình cờ họ gặp nhau và cũng từ đó tình yêu đôi lứa cứ lớn dần lên. Chiến sĩ Thắng lại tiếp tục ra khơi với những chuyến hàng, còn nơi bến Nghiêng nữ y tá Nhung vẫn mong mỏi từng ngày chờ cho hòa bình lặp lại để con tàu tình yêu được cập bến bờ hạnh phúc. Bao ngày đợi chờ, lo âu, phấp phỏng rồi cũng qua, tình yêu của họ cuối cùng cũng được đơm hoa kết trái. Vào một buổi chiều 23/2/1975, trước sự chứng kiến và chia vui của đồng đội, họ đã thuộc về nhau trong sự hân hoan thắm tình đồng chí. Bến Nghiêng nơi chứng kiến những cuộc chia ly vì miền Nam không hẹn ngày trở về, lại chứng kiến sự đoàn tụ, ngập tràn hạnh phúc trong lễ thành hôn của đôi uyên ương Thắng-Nhung vào một ngày đầu năm 1975, trước khi Hồ Nghĩa Thắng lại ra khơi cùng đồng đội tham gia chiến dịch Đại thắng Mùa Xuân...
Nguyễn Cường