Mảnh đất mà gia đình ông Đặng Mạnh Hải cho rằng đó là đất của mình từ năm 1989 |
Chuyện lạ trong đền bù giải phóng mặt bằng
Ngày 18/4/2017, Báo Tài nguyên và Môi trường nhận được Thông báo số 45/TB-UBND của UBND huyện Mộc Châu “thông báo kết luận của đồng chí Trương Hoa Bắc - Phó Chủ tịch UBND huyện tại cuộc họp đối thoại làm rõ những nội dung được phản ánh tại Báo số ra ngày 2/3/2017”.
Ông Nguyễn Duy Ổn, người khẳng định mình đã móc tiền túi ra trả tiền giải phóng mặt bằng thay cho Nhà nước |
Trong 5 nội dung của bản thông báo này, có một điểm kỳ lạ, đó là tại mục 2, kết luận của Phó Chủ tịch UBND huyện Mộc Châu - ông Trương Hoa Bắc đã nêu rõ: “Ông Nguyễn Duy Ổn (nguyên Tiểu khu trưởng) xác nhận đã chi trả tiền đền bù giải tỏa Quốc lộ 6 cho gia đình ông bà Hải (Trâm) là ông bỏ tiền túi ra để trả cho bà Trâm chứ đó không phải là tiền Nhà nước bồi thường cho gia đình bà Trâm (có giấy viết tay của ông Ổn gửi lại cuộc họp).
Bản cam kết bất thường của ông Nguyễn Duy Ổn |
Để làm rõ thực hư của câu chuyện “bỏ tiền nhà ra trả tiền giải phóng mặt bằng cho Nhà nước”, ngày 20/4/2017, nhóm phóng viên Báo Tài nguyên và Môi trường tiếp tục lên Mộc Châu. Làm việc với ông Nguyễn Duy Ổn - người hiện đang giữ cương vị Phó Chủ tịch Hội Cựu thanh niên xung phong huyện Mộc Châu.
Liên quan đến việc cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho thửa đất tại khu vực dốc 75 nằm trên địa bàn thị trấn Mộc Châu, tỉnh Sơn La, ngày 20/4/2017, bà Lê Thị Thanh Thủy - Chủ tịch UBND thị trấn Mộc Châu cho biết: Lãnh đạo UBND huyện Mộc Châu và thị trấn Mộc Châu đã làm việc và xác định quy trình cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất là chưa đủ căn cứ. Sau khi làm việc với Hội đồng tư vấn, chúng tôi sẽ có quyết định cụ thể. |
Trao đổi với phóng viên, ông Ổn khẳng định: Những gì mình nói và cam kết đều là sự thật. “Ngày đó, nhà bà Trâm chỉ có 2 cây chuối bằng cổ tay và một cây đào to đúng bằng ngón tay. Tôi nhớ không rõ nhưng tôi đã rút vài chục nghìn bằng tiền cá nhân đền bù cho nhà bà ấy…” - ông Nguyễn Duy Ổn nói.
Cần làm rõ động cơ “bản cam kết”
Tuy vậy, trước những câu hỏi của phóng viên Báo TN&MT về việc: Ngày ấy, lương của ông được bao nhiêu mà bỏ tiền túi ra đền bù cho người dân? Ông lấy tiền nhà đi để thay Nhà nước trả tiền giải phóng mặt bằng làm quốc lộ 6 như vậy có đúng pháp luật không?... ông Nguyễn Duy Ổn chỉ… im lặng.
Đem câu chuyện ông Ổn “bỏ tiền nhà ra trả tiền giải phóng mặt bằng cho Nhà nước” trao đổi với bà Lê Thị Thanh Thủy - Chủ tịch UBND thị trấn Mộc Châu, bà Thủy cũng rất ngạc nhiên trước thông tin này.
Những dòng xác nhận của bà Vì Thị Điệp - Tiểu khu trưởng Tiểu khu 3, Thị trấn Mộc Châu |
Sau khi yêu cầu cán bộ UBND thị trấn đóng dấu và cung cấp bản photocopy những dòng cam kết của ông để cung cấp cho chúng tôi, Chủ tịch UBND thị trấn Mộc Châu - bà Lê Thị Thanh Thủy cũng cho rằng: “Làm gì có chuyện mang tiền nhà đi trả tiền giải phóng mặt bằng thay cho Nhà nước bao giờ…”.
Và trong hồ sơ vụ việc mà phóng viên Báo có được, ngày 30/11/2016, bà Vì Thị Điệp - Tiểu khu trưởng Tiểu khu 3, Thị trấn Mộc Châu cũng xác nhận: Tại buổi hòa giải ngày 10/10/2014 do ông Bùi Trọng Trường - Phó Chủ tịch UBND thị trấn Mộc Châu chủ trì: “Qua xác minh bà Trần Thị Trâm có lô đất ở dốc 75 có sự xác nhận của ông: Nguyễn Duy Ổn nguyên Tiểu khu trưởng và ông Vi Cảnh Trường - Tổ giải phóng mặt bằng đã nằm trong hộ giải tỏa. Kính chuyển cấp trên xem xét…”.
Ông Nguyễn Duy Ổn không phải là đối tượng thực hiện việc Bồi thường cho ông Hải, bà Trâm Theo thông tin mà ông Nguyễn Duy Ổn xác nhận tại văn bản, thời điểm ông Ổn tự bỏ tiền túi ra trả tiền đền bù cho gia đình bà Trâm là năm 2004. Đồng thời theo thông tin Ông Phùng Tiến Dũng - Phó Chủ tịch UBND Thị trấn Mộc Châu cung cấp cho Cơ quan báo chí, thời điểm năm 2004, Nhà nước thực hiện việc mở rộng Quốc lộ 6 là hoàn toàn phù hợp với thời điểm ông Nguyễn Duy Ổn xác nhận.
Như vậy, việc đề bù thiệt hại khi Nhà nước thu hồi đất để mở rộng Quốc lộ 6 sẽ được áp dụng theo quy định tại Nghị định 22/1998/NĐ-CP ngày 24/4/1998 về việc đề bù thiệt hại khi Nhà nước thu hồi đất để sử dụng vào mục đích quốc phòng, an ninh, lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng. (Ngày 23/12/2004, Nghị định 22/1998/NĐ-CP ngày 24/4/1998 mới hết hiệu lực và được thay thế bởi Nghị định 197/2004/NĐ-CP). Tại Điều 2 Nghị định 22/1998/NĐ-CP có quy định về đối tượng phải đền bù là:“Tổ chức, cá nhân trong nước, tổ chức, cá nhân nước ngoài được Nhà nước giao đất, cho thuê đất (gọi chung là người sử dụng đất) để sử dụng vào mục đích quy định tại Điều 1 của Nghị định này có trách nhiệm đền bù thiệt hại về đất và tài sản hiện có gắn liền với đất theo quy định của Nghị định”. Như vậy, đối tượng có nghĩa vụ phải thực hiện bồi thường cho nhà bà Trâm (nếu có theo quy định pháp luật) phải là Cơ quan có thẩm quyền thực hiện việc mở rộng Quốc lộ 6 chứ không phải là cá nhân Ông Nguyễn Duy Ổn. Các quy định pháp luật hiện hành theo quy định tại Nghị định 22/1998/NĐ-CP, ông Nguyễn Duy Ổn không phải là đối tượng thực hiện việc bồi thường cho ông Hải, bà Trâm. Luật sư Đặng Thành Chung Giám đốc Công ty Luật An Ninh Đoàn Luật sư Thành phố Hà Nội |
Vậy thực hư câu chuyện ông Ổn “bỏ tiền nhà ra trả tiền giải phóng mặt bằng cho Nhà nước” ra sao, Báo Tài nguyên và Môi trường kính chuyển các cơ quan chức năng xem xét.
Báo Tài nguyên và Môi trường sẽ tiếp tục trở lại vụ việc trong các tin, bài tiếp theo.
Bài và ảnh: Quang Hà - Hải Ngọc