Theo TS Đồng Xuân Thụ - Tổng Biên tập Tạp chí Môi trường và đô thị, đầu tháng 10 vừa qua, sự cố nhà máy nước sạch sông Đà nhiễm dầu thải đã nhận được sự quan tâm đặc biệt của dư luận cả nước nói chung và của thủ đô Hà Nội nói riêng. Thực tế cho thấy, sự cố này đã làm ảnh hưởng đến hàng vạn hộ dân, cuộc sống của hàng triệu người bị đảo lộn. Nước sạch bị nhiễm dầu còn có nguy cơ ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe của người dân.
Liên quan đến sự việc này, mới đây, cơ quan công an tỉnh Hòa Bình đã ra quyết định khởi tố vụ án, tạm giữ 3 đối tượng liên quan đến xả dầu thải xuống dòng nước. Tuy nhiên, sự cố trên cho thấy bộc lộ sự yếu kém và tắc trách của chính quyền, không chỉ ở Hà Nội mà còn của cả hệ thống các cơ quan có trách nhiệm từ trung ương đến địa phương. Điều này cũng đã gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh cho các cấp chính quyền, cơ quan chức năng trong việc siết lại quy trình kiểm soát, phòng ngừa những sự cố tương tự có thể xảy ra trong tương lai.
Đây không chỉ là bài học cho Hà Nội, Hòa Bình, mà là bài học chung cho các địa phương trong cả nước trong việc tham tra, kiểm tra, giám sát các doanh nghiệp kinh doanh nước sạch. Vì vậy, tọa đàm là cái nhìn toàn cảnh về công tác quản lý nhà nước, an ninh nguồn nước, công tác kiểm tra, giám sát chất lượng nước trước khi cung cấp tới khách hàng là người dân về công tác nội kiểm, ngoại kiểm chất lượng nước theo quy định tại Thông tư 41/2018/TT-BYT, thay thế thông tư 50/2015/TT-BYT.
Tại buổi tọa đàm, từ sự cố nước sạch sông Đà nhiễm dầu, các chuyên gia ngành nước đã cung cấp đến người dân quy trình cấp thoát nước an toàn ở nước ta và các nước trên thế giới; Các luật sư sẽ chỉ ra yếu tố pháp lý trong mối quan hệ giữa đơn vị cung cấp nước và người tiêu dùng; trách nhiệm của doanh nghiệp, của chính quyền, cơ quan chức năng khi xảy ra sự cố…
Quang cảnh tọa đàm. Ảnh: Hoàng Minh |
UBND các địa phương không thể đứng ngoài cuộc
Chia sẻ tại tọa đàm, PGS.TS Nguyễn Hồng Tiến, nguyên Cục trưởng Cục hạ tầng đô thị, Bộ Xây dựng cho biết, buổi tọa đàm này sẽ cho chúng ta thêm kiến thức, rút kinh nghiệm xử lý sau sự cố; đặc biệt là với các cơ quan quản lý nhà nước, các doanh nghiệp cung cấp nước đến người dân.
Theo PGS.TS Nguyễn Hồng Tiến, các văn bản quy phạm pháp luật quy định rất rõ về chức năng quản lý nhà nước. Trong Nghị định số 117/2007/NĐ-CP ngày 11/7/2007 của Chính phủ về sản xuất, cung cấp và tiêu thụ nước sạch đã phân rõ, Bộ Xây dựng chịu trách nhiệm quản lý nhà nước về cấp nước đô thị, Bộ NN&PTNT chịu trách nhiệm về cấp nước nông thông, Bộ Kế hoạch Đầu tư, Tài Chính... sẽ phải đảm bảo nguồn lực, Bộ Y tế chịu trách nhiệm về các quy chuẩn.
Trong sự cố này, UBND địa phương phải chịu trách nhiệm liên đới, doanh nghiệp cung cấp nước chịu trách nhiệm trực tiếp. “Rất nhiều UBND địa phương nói rằng trách nhiệm chính của đơn vị cấp nước. Nhưng theo tôi, UBND địa phương không thể đứng ngoài cuộc được” - ông Tiến nói.
PGS.TS Ứng Quốc Dũng phát biểu tại Tọa đàm |
Đồng tình với quan điểm của ông Tiến, PGS.TS Ứng Quốc Dũng, nguyên Phó hiệu trưởng Trường Đại học Xây dựng cho rằng, dù nói thế nào thì Nhà máy nước sạch sông Đà cũng phải chịu trách nhiệm chính khi bán nước cho dân. Sự việc đã xảy ra rồi, người ta nói đừng để “mất bò mới lo làm chuồng”. Tuy nhiên, chúng ta phải làm chuồng nhanh chóng để không mất thêm bò, không để xảy ra sự cố nữa.
Còn theo Luật sư Trương Xuân Hải - Giám đốc Công ty Luật Gia Bảo (Đoàn Luật sư Hà Nội), trong sự cố nước sông Đà, công ty cấp nước có lỗi là chậm cung cấp thông tin cho người dân. Ở đây, nếu nhân dân không phát hiện và phản ánh, cơ quan nhà nước cũng không biết và rồi thông tin sẽ bị giấu nhẹm đi. “Cần có lời xin lỗi của cả công ty và cơ quan nhà nước vì không cung cấp kịp thời thông tin chính xác cho người dân” - Luật sư Trương Xuân Hải nói.
Ông Hải cho biết thêm, hiện nay, trách nhiệm bảo vệ an ninh an toàn nguồn nước được giao cho doanh nghiệp, nhà nước có trách nhiệm phối hợp. Tuy nhiên, đây là vấn đề hệ trọng, liên quan đến sức khỏe tính mạng người dân, do đó, nhà nước phải giữ vai trò chủ đạo, còn doanh nghiệp ở vị trí phối hợp. Đồng thời, Nhà nước nên giữ mô hình doanh nghiệp công ích, lấy việc phục vụ người dân là chính, chú trọng hàng đầu đến chất lượng đối với các doanh nghiệp ngành nước mới phù hợp.
“Thông qua sự cố trên đã bộc lộ nhiều lỗ hổng. Từ đó, đòi hỏi Hà Nội phải xây dựng chiến lược ứng phó, có các biện pháp thay thế, xây dựng thêm các nguồn nước dự phòng để đảm bảo cuộc sống ổn định, chất lượng cho người dân”, ông Hải kiến nghị.
Chuyên gia Nguyễn Hồng Dương phát biểu tại tọa đàm. Ảnh: Hoàng Minh |
Cần thêm những công cụ quản lý cấp nước an toàn
Từ sự cố nước sông Đà, câu hỏi đặt ra là chất lượng nước của Việt Nam nói chung và Hà Nội nói riêng hiện nay đang ở đâu? Thạc sỹ Nguyễn Hồng Dương, Phó viện trưởng Viện nghiên cứu cấp thoát nước và Môi trường Việt Nam chia sẻ, bản chất về cấp nước an toàn đó là sơ đồ logic tính từ lưu vực các nguồn cấp nước cho tới các đường ống truyền tải, đến nhà máy xử lý nước cho tới đường ống truyền tải nước sạch cho khách hàng.
Do vậy, cấp nước an toàn sẽ tạo ra các rào chắn an toàn từ nguồn tới các nơi tiêu thụ và mỗi khi qua các rào chắn này thì nguy cơ nguy hại sẽ giảm dần đi cho tới khi người dân sử dụng là an toàn nhất.
Tuy nhiên, cấp nước, quản lý nguồn nước ở Việt Nam hiện đang rất phức tạp bởi có rất nhiều cơ quan tham gia. Chính sách quốc gia về cấp nước an toàn đã có từ lâu, cơ sở pháp lý đã đầy đủ. Mặc dù vậy, ông Dương cho rằng, còn thiếu những hướng dẫn thực hiện; trong đó hướng dẫn quy trình thực hiện cấp nước cần có những bước như thế nào? Chúng ta cũng chưa ban hành công cụ đánh giá về cấp nước an toàn.
Do vậy, ông Dương mong muốn trong thời gian tới, Bộ Xây dựng nghiên cứu và ban hành những hướng dẫn để có thêm công cụ quản lý cấp nước an toàn. Ngoài ra, nên phát triển thêm công nghệ khử mùi, các vật liệu lọc hấp thụ, vật liệu khử mùi nhằm tạo thêm rào cản trong các công trình cấp nước...
Báo Tài nguyên và Môi trường tiếp tục cập nhật trong các tin bài tiếp theo