Chuyên gia nói gì về việc làm sạch Hồ Hoàn Kiếm?

19/02/2017 00:00

Hồ Hoàn Kiếm đang ô nhiễm và UBND TP Hà Nội chủ trương giải quyết tình trạng này. Tuy nhiên, các chuyên gia cũng tỏ ra lo ngại nhiều vấn đề có thể anh hưởng lớn đến sinh thái của hồ.

Hồ ở tình trạng báo động đỏ

Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội - Vũ Tiến Hùng chia sẻ: “Theo nghiên cứu của nhiều nhóm chuyên gia và đơn vị nghiên cứu, hồ Hoàn Kiếm đang gần như mất hẳn khả năng tự làm sạch, nước ô nhiễm, lớp bùn lắng đọng ở đáy hồ chứa nhiều kim loại nặng và khí độc khiến động thực vật suy giảm”.

Hiện độ PH trong nước hồ đo được thường xuyên dao động từ 9,4 - 10,5mg/l, trong khi nồng độ cho phép tối thiểu chỉ là 5,5mg/l; các chỉ số hữu cơ BOD, COD cao gấp 2 lần ngưỡng an toàn.

Từ nhiều năm nay, chính quyền và các cơ quan chức năng của Hà Nội đã thực hiện nhiều biện pháp nhằm cải tạo môi trường hồ Hoàn Kiếm như: tách nước thải; thử nghiệm nạo vét bùn bằng phương tiện cơ giới; tổ chức nhiều Hội thảo lấy ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học...

Hồ Hoàn Kiếm cần được thường xuyên cải tạo để đảm bảo hệ sinh thái phát triển tốt. Ảnh: Công Hùng
Hồ Hoàn Kiếm cần được thường xuyên cải tạo để đảm bảo hệ sinh thái phát triển tốt. Ảnh: Công Hùng

Nhưng phải đến thời điểm này mới có một phương án tổng thể để giải quyết 2 phần việc cấp bách là: làm sạch lòng hồ và xử lý ô nhiễm nước. Phương án do Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội xây dựng và được đưa ra tham vấn ý kiến vào ngày 15/2 vừa qua gồm 3 giải pháp chính: nạo vét bùn, thanh thải phế liệu dưới đáy hồ; bổ sung nguồn nước, xả đáy định kỳ để đảm bảo môi trường nước trong sạch, nâng cao khả năng tự “chữa trị” của hồ; sử dụng chất Redoxy - 3C xử lý ô nhiễm nước. Các chuyên gia đánh giá, nếu được thực hiện bài bản, thận trọng và có sự giám sát chặt chẽ, đây sẽ là phương án tối ưu, toàn diện nhất cho việc cải tạo môi trường hồ.

Dự kiến hồ Hoàn Kiếm sẽ có 57.000m3 bùn, phế liệu phải nạo vét, thanh thải trong phạm vi cách mép chân kè bờ và kè Tháp Rùa, Đền Ngọc Sơn là 7m. Đơn vị thi công sẽ chia thành 10 khu vực nạo vét nhỏ, luân phiên sử dụng lưới quây, dồn hệ thủy sinh vào từng vị trí riêng biệt, cách xa khu vực thi công để đảm bảo an toàn. Sử dụng máy xúc đứng đưa bùn lên phễu chứa của các xe bơm bùn, đưa vào bờ và vận chuyển đi; riêng rác và phế thải sẽ được thu gom thủ công, chở bằng thuyền vào điểm tập kết.

Các chuyên gia nhận định nguy cơ từ nạo vét Hồ

Mặc dù đánh giá cao phương án do Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội đưa ra nhưng nhiều chuyên gia vẫn yêu cầu phải thận trọng, thực hiện từng bước một cách chắc chắn, có kiểm tra, đánh giá chặt chẽ để đảm bảo việc cải tạo không làm thay đổi hệ thủy sinh của hồ Hoàn Kiếm.

Ý kiến của PGS. TS Hà Đình Đức cho rằng: “Việc nạo vét bùn làm bằng máy móc cỡ lớn rất có thể sẽ gây ô nhiễm ngoài mong muốn, ảnh hưởng đến động thực vật trong hồ. Đặc biệt các loại tảo lục, tảo lam vốn làm nên màu xanh đặc trưng của hồ Hoàn Kiếm rất cần được bảo tồn. Nên hạn chế máy móc càng ít càng tốt để tránh những rủi ro cho động thực vật trong hồ”.

Ngoài ra, PGS Trần Đức Hạ phân tích: “Hà Nội cần tập trung nghiên cứu kỹ việc cải tạo môi trường nước trước. Hồ Hoàn Kiếm có ý nghĩa rất quan trọng với Thủ đô và cả nước, khi cải tạo phải bảo vệ được các thành phần thủy sinh, hệ vi tảo để giữ màu xanh đặc trưng như hiện nay. Theo tôi nên lấy nguồn nước gần bờ hồ là tối ưu vì nó có sự tương đồng cao nhất với chất lượng nước hồ”.

Chia sẻ về vấn đề này PGS. TS Trịnh Thị Thanh tỏ ra lo ngại: “Việc bổ sung nước vào hồ Hoàn Kiếm mới chỉ đưa ra được một phương án là nước ngầm, theo tôi cần phải thực nghiệm kỹ xem nước ngầm có phù hợp hay sẽ ảnh hưởng xấu đến sự phát triển của tảo trong hồ. Ngoài ra, sau cải tạo cũng cần phải duy trì sự cân bằng hệ sinh thái, trong đó có những loại gì, tỷ lệ là bao nhiêu cho phù hợp để nhanh chóng khôi phục sinh thái trong hồ, đảm bảo sinh trưởng bền vững”.

Ông Vũ Tiến Hùng cho biết sẽ tiếp thu nghiêm túc các ý kiến của giới chuyên gia và tính toán, hoàn thiện phương án tổng thể hợp lý nhất. “Việc cải tạo môi trường hồ Hoàn Kiếm đã trở nên rất cấp bách, chúng tôi mong UBND TP sớm xem xét phương án để có thể nhanh chóng triển khai thi công” - ông Hùng đề xuất.

Theo Kinh tế đô thị

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chuyên gia nói gì về việc làm sạch Hồ Hoàn Kiếm?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO