Chuyên gia khí tượng giải thích về "nghịch nhiệt" gây ô nhiễm không khí

Tuyết Chinh| 19/09/2019 08:16

(TN&MT) - Hiện tượng nghịch nhiệt cùng với thời tiết giao mùa, không khí ít dịch chuyển đang khiến chất lượng không khí các tỉnh miền Bắc ở mức kém, đặc biệt là TP. Hà Nội.

Số liệu từ hàng loạt các điểm quan trắc không khí tự động những ngày qua cho thấy, chất lượng không khí nhiều tỉnh miền Bắc, nhất là ở Thủ đô Hà Nội đang ở mức báo động đỏ, tương đương mức cảnh báo “nhóm nhạy cảm cần hạn chế thời gian ở ngoài” hoặc nguy hại nhất và vào thời điểm sáng sớm hàng ngày.

Tại TP. Hà Nội, trong ba ngày qua mức độ ô nhiễm không khí đo được ở hơn 20 điểm luôn ở ngưỡng trên 100 (mức Xấu). Riêng điểm đo tại đường Tô Hiệu (Hà Đông), trường THPT Trung Văn (Nam Từ Liêm), công viên Hòa Bình, Hàng Đậu (Hoàn Kiếm) đều cho thấy chỉ số ô nhiễm không khí trên 150 (mức Kém) và duy trì đến chiều tối.

chất lượng không khí kém
Chất lượng không khí Thủ đô Hà Nội ở mức kém những ngày gần đây. Ảnh minh họa

Lý giải nguyên nhân của tình trạng trên, TS. Hoàng Phúc Lâm - Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo KTTV Quốc gia cho biết, nghịch nhiệt là một trong những yếu tố khiến chất lượng không khí kém những ngày qua.

Theo TS. Hoàng Phúc Lâm, nghịch nhiệt hiểu đơn giản là ngược với thông thường. Trong khí quyển, thông thường nhiệt độ sẽ giảm theo độ cao, tức là càng lên cao càng mát. Tuy nhiên, tại một số thời điểm trong năm lại có trường hợp ngược lại xảy ra; khi đó có một lớp không khí mà càng lên cao thì nhiệt độ càng tăng.

“Nếu theo phân bổ nhiệt thông thường sẽ làm cho các phần tử khí có thể dễ dàng đi lên trên, không khí dưới mặt đất dễ dàng đi lên cao mang theo các chất gây ô nhiễm. Ví dụ như cùng một lượng chất ô nhiễm sẽ được trải đều trên một lớp không khí dày từ 35km, tự nhiên sẽ nồng độ giảm đi; thế nhưng khi có nghịch nhiệt, cùng một lượng không khí, lượng chất gây ô nhiễm bị nén lại trong lớp không khí chỉ có 1,5km khiến cho nồng độ không khí tăng lên”, ông Lâm giải thích.

Ở Việt Nam, các lớp nghịch nhiệt thông thường sẽ xuất hiện vào giai đoạn mùa thu khi bắt đầu có đợt không khí lạnh từ phía Bắc tràn xuống. Bởi vì, không khí lạnh chỉ là một lớp mỏng nên chỉ làm lạnh nhiệt độ ở tầng thấp; khi đó nhiệt độ tầng thấp bị lạnh sẽ thấp hơn nhiệt độ trên cao gây ra nghịch nhiệt. Có 2 giai đoạn thường xảy  ra nghịch nhiệt là trước mùa đông và vào mùa xuân.

Mặt khác, theo ông Lê Thanh Hải, nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục KTTV, ban đêm bức xạ nhiệt từ mặt đất phát tán vào khí quyển tạo ra lớp sương mù ở tầng thấp. Chất lượng không khí biến động theo ngày, thời điểm ổn định nhất (tức chất lượng không khí xuống thấp nhất) là sáng sớm hàng ngày, khi đó mặt trời đốt nóng không khí sẽ khiến không khí bốc lên cao và dịch chuyển đi xung quanh thì không khí được cải thiện.

Các chuyên gia khí tượng khuyến cáo, trẻ em, người cao tuổi nhất là người có tiền sử về hệ hô hấp không nên ra đường trong thời gian này. Cần có khẩu trang đảm bảo chất lượng và có khả năng chống lại được khí bụi PM2.5 (bụi mịn).

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chuyên gia khí tượng giải thích về "nghịch nhiệt" gây ô nhiễm không khí
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO