Khoáng sản

Chuyên gia địa chất nói về xác định rõ khoáng sản chính, khoáng sản đi kèm

Mai Đan (thực hiện) 10/08/2024 22:08

(TN&MT) - Thăm dò khoáng sản phải đánh giá đầy đủ quy mô, trữ lượng, chất lượng các loại khoáng sản có trong khu vực thăm dò, đây là một trong những nguyên tắc hoạt động khoáng sản được quy định trong Dự thảo Luật Địa chất và Khoáng sản. Tuy nhiên, công tác thăm dò, thẩm định, công nhận trữ lượng khoáng sản, trong đó có khoáng sản có ích đi kèm còn gặp một số vướng mắc, cần nghiên cứu sửa đổi bổ sung trong quy định của pháp luật về khoáng sản.

Liên quan đến những bất cập này và đề xuất tháo gỡ trong Dự thảo Luật, Phóng viên Báo Tài nguyên và Môi trường đã có cuộc trò chuyện với TS. Đặng Văn Lãm, Tổng Hội Địa chất Việt Nam - Nguyên Chánh Văn phòng Hội đồng đánh giá trữ lượng khoáng sản quốc gia.

PV: Thưa ông, ông đánh giá như thế nào về công tác thăm dò, thẩm định, phê duyệt trữ lượng khoáng sản đi kèm thời gian qua?

TS. Đặng Văn Lãm: Thực tế thăm dò cho thấy hầu hết các mỏ khoáng sản là mỏ khoáng sản tổng hợp (mỏ có từ 1 đến 2 khoáng sản, hoặc có một số thành phần đi kèm có thể thu hồi có hiệu quả). Thông thường khi lập đề án thăm dò đã xác định đối tượng khoáng sản chính và các khoáng sản có ích đi kèm như các mỏ chì - kẽm, mỏ thiếc - volfram gốc, mỏ volfram đa kim, mỏ đồng - niken, mỏ vàng, mỏ đất hiếm… và các báo cáo kết quả thăm dò đã tính được trữ lượng, tài nguyên các khoáng sản chính, khoáng sản và thành phần có ích đi kèm ở mỏ.

Tuy vậy trong thực tế cũng có một số mỏ khi thăm dò chưa nghiên cứu đánh giá trữ lượng các khoáng sản đi kèm. Sau khi được cấp phép khai thác mới xuất hiện nhu cầu sử dụng các khoáng sản đi kèm và khi đó phải đề nghị được nghiên cứu bổ sung và đánh giá trữ lượng các khoáng sản có ích đi kèm để được phép sử dụng.

img_0378.jpeg
TS. Đặng Văn Lãm, Tổng Hội Địa chất Việt Nam - Nguyên Chánh Văn phòng Hội đồng đánh giá trữ lượng khoáng sản quốc gia

Ví dụ, các mỏ đá vôi nguyên liệu xi măng khu vực Hải Phòng, Hải Dương, Quảng Ninh, Hà Tiên… trước đây khi thăm dò xác định không sử dụng đá vôi phi nguyên liệu (các lớp kẹp đá vôi sét, sét vôi, đá vôi dolomit…) nên không đánh giá trữ lượng, sau này khi có nhu cầu sử dụng chúng làm nguyên liệu phối trộn, làm phụ gia, làm vật liệu xây dựng… phải đề nghị được nghiên cứu bổ sung và công nhận trữ lượng.

Ngoài ra, một số mỏ cao lanh khu vực Bình Phước, Lâm Đồng đã đề nghị nghiên cứu bổ sung và công nhận trữ lượng cát xây dựng đi kèm sau khi thu hồi cao lanh; một số mỏ sa khoáng titan-zircon ven biển khu vực Quảng Bình, Bình Thuận đã đề nghị đánh giá bổ sung trữ lượng cát công nghiệp, đất san lấp…

PV: Được biết, tại các quyết định hoặc Thông tư quy định về thăm dò và phân cấp trữ lượng, tài nguyên các khoáng sản riêng biệt có điều khoản yêu cầu về đánh giá các khoáng sản và thành phần có ích đi kèm, nhưng còn chung chung, chưa chi tiết. Theo ông, đâu là những bất cập liên quan đến trữ lượng và tài nguyên và ông có đề xuất gì trong Dự thảo Luật Địa chất và Khoáng sản để tháo gỡ những khó khăn này?

TS. Đặng Văn Lãm: Quy định về phân cấp trữ lượng và tài nguyên khoáng sản rắn của Việt Nam ban hành tại Thông tư số 60/2017/TT-BTNMT của Bộ TN&MT hiện hành đã tiếp cận phân cấp khung của Liên hợp quốc về trữ lượng và tài nguyên khoáng sản rắn.

Trong đó xác định rõ các khái niệm: Tài nguyên khoáng sản rắn, tài nguyên khoáng sản rắn xác định, tài nguyên khoáng sản rắn dự báo và trữ lượng khoáng sản rắn. Việc phân cấp trữ lượng và tài nguyên theo 3 trục có tính khoa học và áp dụng trong thực tế không có vướng mắc lớn, và hiện nay cơ sở dữ liệu thống kê trữ lượng và tài nguyên khoáng sản của cả nước đã được chuyển đổi theo hệ thống này không nên có thay đổi lớn.

Tuy vậy, phân cấp trữ lượng và tài nguyên khoáng sản rắn còn một số bất cập và ban hành ở dạng thông tư chưa tương xứng với vị trí, vai trò của nó trong hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về khoáng sản, đề nghị tiếp tục nghiên cứu bổ sung.

02-ynsq-1-.jpg
Thăm dò khoáng sản phải đánh giá đầy đủ quy mô, trữ lượng, chất lượng các loại khoáng sản có trong khu vực thăm dò

Trong các văn bản quy phạm pháp luật cao hơn còn có một số thuật ngữ về trữ lượng và tài nguyên chưa thống nhất như: Trữ lượng địa chất, trữ lượng khai thác, trữ lượng được phép đưa vào thiết kế khai thác, trữ lượng tính tiền cấp quyền khai thác khoáng sản, tài nguyên dự tính…, chưa thống nhất với hệ thống phân cấp trữ lượng và tài nguyên khoáng sản rắn.

Đối với khoáng sản đi kèm, thuật ngữ này hiện chưa được xác định rõ. Các khoáng sản đi kèm luôn xuất hiện ở các mỏ, song công tác đánh giá trữ lượng chỉ với các khoáng sản và thành phần đi kèm có ích (khoáng sản và thành phần đi kèm có khả năng thu hồi và có hiệu quả kinh tế khi khai thác khoáng sản chính). Trong thăm dò khi chưa có nhu cầu sử dụng thì chưa cần nghiên cứu, đánh giá trữ lượng; tuy nhiên khi thăm dò khoáng sản chính cần kết hợp nghiên cứu đánh giá sự có mặt và sơ bộ đánh giá khả năng thu hồi sử dụng các khoáng sản có ích đi kèm.

Hiện tại trong một số văn bản hướng dẫn công tác thăm dò, phân cấp trữ lượng và tài nguyên khoáng sản riêng biệt có nêu yêu cầu về đánh giá trữ lượng các khoáng sản và thành phần có ích đi kèm, chưa có thông tư quy định về mức độ nghiên cứu và đánh giá trữ lượng các khoáng sản và thành phần có ích đi kèm, đây cũng là hạn chế.

Dự thảo Luật Địa chất và Khoáng sản hiện nay cơ bản đã được tiếp thu hoàn thiện theo các góp ý và dự kiến sẽ trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp tới.

Tuy vậy đề nghị tiếp tục nghiên cứu chuẩn hóa một số điểm: Phần giải thích từ ngữ đề nghị bỏ khái niệm Địa chất, và một số thuật ngữ khoa học chuyên môn như: Khoáng sản đi kèm, trữ lượng khoáng sản, tài nguyên khoáng sản… nên đưa vào Nghị định để có định nghĩa chi tiết hơn, và trong Mục thăm dò khoáng sản cần bổ sung “Chính phủ quy định về phân cấp trữ lượng và tài nguyên khoáng sản rắn để có cơ sở ban hành để thống nhất các khái niệm trữ lượng, tài nguyên khoáng sản và các cấp trữ lượng, tài nguyên khoáng sản”.

Về phân cấp trữ lượng và tài nguyên thực tế chưa hoàn toàn theo 3 trục (kinh tế, kỹ thuật công nghệ và địa chất). Hiện tại các báo cáo kết quả thăm dò khoáng sản đều không thành lập báo cáo nghiên cứu khả thi về khai thác mà chủ yếu sử dụng chỉ tiêu hàm lượng công nghiệp tối thiểu (kỳ vọng có hiệu quả kinh tế) để xếp cấp trữ lượng và tài nguyên. Thực tế này chấp nhận được, phù hợp với quy định hiện nay là trữ lượng được duyệt mới lập báo cáo nghiên cứu khả thi.

Khi xây dựng Nghị định về phân cấp trữ lượng và tài nguyên khoáng sản rắn hoặc quy định trong một số điều của Nghị định hướng dẫn thi hành Luật cần giữ lại nội dung của phân cấp trữ lượng và tài nguyên khoáng sản rắn hiện hành. Khi các báo cáo kết quả thăm dò có báo cáo nghiên cứu khi về khai thác thì xếp cấp trữ lượng, nếu chỉ có báo cáo luận giải chỉ tiêu tính trữ lượng thì chỉ xếp cấp tài nguyên xác định, trình Hội đồng thẩm định, công nhận làm cơ sở cấp phép khai thác hoặc nghiên cứu khả thi về khai thác.

Ngoài ra, một số thuật ngữ: Trữ lượng được phép đưa vào thiết kế khai thác, trữ lượng tính tiền cấp quyền khai thác khoáng sản nêu trong Nghị định số 158/2016/NĐ-CP và Nghị định 67/2019/NĐ-CP chưa rõ cơ sở khoa học, không phù hợp với phân cấp trữ lượng và tài nguyên khoáng sản rắn. Trong Dự thảo Luật Địa chất và Khoáng sản các khái niệm trên đã được loại bỏ là phù hợp.

PV: Để nâng cao chất lượng công tác thăm dò và đánh giá trữ lượng, tài nguyên các mỏ khoáng sản, trong đó có khoáng sản đi kèm, ông có đề xuất gì, thưa ông?

TS. Đặng Văn Lãm: Các văn bản quy phạm về thăm dò, phân cấp trữ lượng và tài nguyên khoáng sản cần rõ các khái niệm: Khoáng sản chính, khoáng sản đi kèm, khoáng sản và thành phần có ích đi kèm và bổ sung quy định về mức độ nghiên cứu và đánh giá trữ lượng các khoáng sản và thành phần có ích đi kèm. Việc phát sinh nhu cầu sử dụng các khoáng sản có ích đi kèm trong khai thác khoáng sản chính là cần thiết nhằm cho phép sử dụng triệt để tài nguyên, gia tăng giá trị mỏ và làm giảm chất thải rắn ảnh hưởng đến môi trường.

Để công tác thăm dò đạt hiệu quả, khi lập đề án thăm dò cần xác định rõ đối tượng khoáng sản chính, khoáng sản có ích đi kèm và dự kiến khối lượng công tác nghiên cứu phù hợp để có cơ sở đánh giá trữ lượng. Đồng thời, ngay từ khâu lập đề án thăm dò cần được hướng dẫn và thẩm định chi tiết, cũng như nghiên cứu bổ sung các quy định làm rõ các đầu mối quản lý các hoạt động thăm dò, thẩm định, công nhận báo cáo kết quả thăm dò và quản lý trữ lượng, tài nguyên khoáng sản.

PV: Trân trọng cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chuyên gia địa chất nói về xác định rõ khoáng sản chính, khoáng sản đi kèm
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO