Xã hội

Chuyển đổi xanh vì một nền kinh tế biển hiệu quả, bền vững

PGS.TS. Nguyễn Chu Hồi 08/02/2024 - 22:40

(TN&MT) - Chuyển đổi xanh và phát triển kinh tế biển xanh không chỉ là xu thế tất yếu toàn cầu mà còn là chủ trương nhất quán của Đảng và Nhà nước ta, được khẳng định tại Nghị quyết số 36-NQ/TW (2018) về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Đặc biệt khi kinh tế biển “nâu” đang trở thành “vật cản” trên con đường phát triển bền vững kinh tế biển đất nước trong bối cảnh phức tạp, khó lường ở Biển Đông. Theo đó, phát triển bền vững kinh tế biển phải dựa trên nền tảng tăng trưởng xanh, phát huy các giá trị văn hóa biển đặc trưng Việt Nam và đòi hỏi phải thực hiện thành công ba khâu đột phá chiến lược về: thể chế phát triển bền vững kinh tế biển, khoa học - công nghệ biển cùng giáo dục - đào tạo nguồn nhân lực biển, hệ thống cơ sở hạ tầng “đa dụng”.

Nhu cầu chuyển đổi xanh trong lĩnh vực biển, đảo

Chuyển đổi xanh đòi hỏi phải giải quyết đồng bộ nhiều nội dung cụ thể trong kinh tế biển bằng những giải pháp khác nhau, nhằm: bảo toàn nguồn vốn tự nhiên biển, bảo đảm an ninh môi trường biển, thay đổi hành vi ứng xử của con người đối với biển đảo, quản lý tổng hợp và thống nhất quản lý nhà nước về biển đảo, quy hoạch và quản lý không gian biển, mở rộng diện tích biển được bảo tồn hiệu quả. Bên cạnh đó, cần phát huy các giá trị văn hóa biển đặc trưng Việt Nam để chuyển thành “động lực phát triển” kinh tế biển bền vững, thúc đẩy hợp tác quốc tế và tuyên truyền về phát triển bền vững kinh tế biển…

Đối với Việt Nam, biển đảo nói chung và kinh tế biển nói riêng luôn là những vấn đề có ý nghĩa trọng đại, liên quan đến sự sinh tồn của dân tộc, nhưng rất nhạy cảm, phức tạp, khó lường. Đặc biệt, trong bối cảnh Biển Đông, nơi chứa đựng các lợi ích đan xen, nơi tồn tại các tuyên bố chủ quyền và tranh chấp biển, đảo đơn phương, phi lý của các cường quyền chính trị nước lớn. Đây cũng là một trong những thách thức trong dài hạn đối với chuyển đổi xanh và phát triển kinh tế biển xanh ở nước ta. Cùng với thách thức từ biến đổi khí hậu (Climate change), biến đổi đại dương (Ocean change), Việt Nam phải lấy tài nguyên và môi trường làm nền tảng, làm “chất xúc tác” để thúc đẩy phát triển kinh tế biển xanh, bền vững. Và, bảo vệ tài nguyên, môi trường, chủ quyền biển đảo phải được xem là ba mặt của một vấn đề, không thể tách rời.

19b.jpg

Ngoài ra, chuyển đổi xanh trong phát triển bền vững kinh tế biển nước ta còn chịu tác động trực tiếp, cả trong ngắn hạn và dài hạn, từ chính các hoạt động khai thác, sử dụng biển, đảo và vùng ven biển. Các giá trị tài nguyên biển, đảo nước ta chưa phát huy được hiệu quả đích thực; một số dạng tài nguyên bị suy giảm và suy thoái; môi trường biển tiếp tục bị đầu độc bởi các nguồn thải chưa qua xử lý, chủ yếu từ nguồn đất liền; an ninh môi trường Biển Đông và biển nước ta bị đe dọa tiềm ẩn liên quan tới hành vi ứng xử thiếu thân thiện của con người; nguồn vốn tự nhiên biển, đảo chưa được bảo toàn, có mức tiêu hao lớn; phương thức khai thác biển, đảo của các ngành/nghề kinh tế biển còn lạc hậu; phát triển khoa học - công nghệ, nhất là công nghệ biển chưa tương xứng với tiềm năng, có biểu hiện tụt hậu so với thế giới và khu vực;…

Rõ ràng, nếu không có các giải pháp tháo gỡ tương ứng và phù hợp thì các khó khăn, thách thức nói trên sẽ trở thành các rào cản và nút thắt trên chặng đường chuyển đổi xanh. Vì thế, việc biến thách thức thành cơ hội thông qua nhận diện đúng vấn đề, tham vấn kịp thời, dự báo sát thực và có những phản ứng chính sách phù hợp, linh hoạt, hiệu lực, hiệu quả trở thành nhu cầu thực tế khách quan trong quá trình chuyển đổi xanh và phát triển kinh tế biển xanh ở nước ta. Có thể nói, việc triển khai thực hiện chuyển đổi xanh và phát triển kinh tế biển xanh ở nước ta rất cần sự đóng góp của những nhà hoạch định chính sách, nhà ra quyết định, nhà quản lý và nhà khoa học theo nhiều cách, dưới nhiều hình thức.

Mở rộng “vùng xanh” để bảo tồn biển nước ta

Khoảng từ năm 2006 trở lại đây, trong khu vực Biển Đông tồn tại khái niệm “vùng xám” (Grey zone) - ám chỉ cách tiếp cận chuyển trạng thái từ khu vực biển đảo không tranh chấp thành tranh chấp, gây “mập mờ” không dễ dàng phán xét đúng hay sai. Thực ra, "vùng xám" là một chiến thuật “ném đất giấu tay” để thúc đẩy hành động gây căng thẳng nhưng dưới mức xung đột để các nước khác không có cớ hoặc không thể tạo cớ can thiệp bằng sức mạnh chính quy. Để chống lại ảnh hưởng của chiến thuật "vùng xám" một cách lâu dài, các học giả cho rằng, Việt Nam phải trở thành quốc gia có nền kinh tế biển giàu mạnh, bền vững với những hạm đội tàu thương mại và quân sự hùng mạnh.

Ngoài ra, đối trọng với chiến thuật “vùng xám”, nước ta cần phải thiết lập và mở rộng các “vùng xanh” (Blue zone) liên quan đến việc mở rộng diện tích biển được bảo tồn một cách hiệu quả. Đây cũng là giải pháp hỗ trợ hữu ích cho chuyển đổi xanh, phát triển kinh tế biển xanh, bền vững; là giải pháp ứng phó với biến đổi khí hậu, biến đổi đại dương và bảo đảm an ninh sinh thái ở vùng biển nước ta theo tinh thần Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 22/10/2018 của Hội nghị lần thứ 8 Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam (khóa XII) về Chiến lược Phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Theo đó, vùng xanh ở đây hàm ý là những khu vực biển đảo dành cho mục đích bảo tồn (Marine conservation) ở các cấp độ, kiểu loại khác nhau nhằm đạt được mục tiêu khoảng 4% diện tích vùng biển quốc gia được bảo tồn hiệu quả vào năm 2030 và 6% vào năm 2045.

Mở rộng vùng xanh không chỉ là một yêu cầu để “chuyển trạng thái” từ bảo tồn biển truyền thống sang bảo tồn biển liên kết, chia sẻ, mà còn là cách Việt Nam thực hiện các cam kết quốc tế, khu vực liên quan đến biển, đảo và bảo tồn biển. Đến nay, Việt Nam đã ký tham gia nhiều cam kết quốc tế đa phương trong lĩnh vực biển đảo, kinh tế biển và bảo tồn biển; được ghi nhận là quốc gia luôn chủ động, tích cực, là thành viên có trách nhiệm và thượng tôn luật pháp quốc tế. Tuy nhiên, liên quan đến bảo tồn biển và phát triển bền vững biển đảo thì việc “nội luật hóa” các cam kết quốc tế đã ký ở nước ta còn hạn chế, còn lúng túng.

Đến nay, nước ta đã ký các cam kết quốc tế chung liên quan đến bảo tồn biển, kinh tế biển xanh và bền vững, đáng kể là: Mục tiêu phát triển bền vững số 14 (SDG-14): bảo tồn và sử dụng bền vững nguồn lợi biển, đại dương; cam kết “phát thải ròng zero” vào năm 2050; tham gia Liên minh Đại dương toàn cầu (GOA) để bảo vệ ít nhất 30% đại dương thế giới vào năm 2030 thông qua một mạng lưới các Khu bảo tồn biển (MPAs) và các phương cách bảo tồn hiệu quả khác (OECMs); tham gia Hiệp định về Biển cả: bảo tồn và sử dụng bền vững đa dạng sinh học ở các vùng biển ngoài quyền tài phán quốc gia; cam kết phát triển nghề cá bền vững, có trách nhiệm; loại bỏ đánh bắt cá bất hợp pháp IUU; các Công ước quốc tế mà nước ta là thành viên gắn với nhiệm vụ bảo tồn, bảo vệ biển.

19a.jpg

Gần đây, người đứng đầu Chính phủ ta tuyên bố tại diễn đàn COP28 rằng Việt Nam đã hứa (cam kết) là làm, giữ và trọng lời hứa. Trong khi, các cam kết quốc tế nói trên không tách rời nhau, mà gắn kết nhau, hỗ trợ cho nhau, đòi hỏi các cơ quan đầu mối quốc gia riêng rẽ phải có sự phối hợp hiệu quả trong quá trình triển khai thực hiện. Đặc biệt, việc thực hiện tốt các cam kết này sẽ góp phần vào chuyển đổi xanh thành công, gia tăng diện tích các vùng xanh để đạt mục tiêu mở rộng diện tích vùng biển được bảo tồn ở nước ta đến năm 2030 và 2045 như nói trên. Như vậy, cùng với luật pháp quốc gia thì việc tăng cường và mở rộng hợp tác quốc tế thông qua các cam kết đa phương cho phép chúng ta đa dạng hóa các loại hình bảo tồn trong thời gian tới, không chỉ bó hẹp trong khuôn khổ “khu bảo tồn biển” truyền thống đã được phê duyệt.

Các kiểu bảo tồn biển liên kết, chia sẻ

Có thể xem, đây là một tiếp cận mới trong thiết lập và quản trị các khu bảo tồn biển. Trong đó, cần chú ý hai nguyên tắc mà đến nay chúng ta thường bỏ qua, trong khi đây lại là yếu tố bản chất của các hệ tài nguyên biển (Marine system), bao gồm hệ sinh thái (Ecosystem): tính liên kết (Connectivity) và tính chia sẻ (Shared). Cách thiết lập và quản trị các khu bảo tồn biển hiện nay khiến cho các khu trở thành nhỏ lẻ, manh mún, chia cắt và quản trị “bao cấp”, mang tính sự vụ, thiếu sự tham gia của các bên liên quan chính. Nếu sắp tới mở rộng tiếp vùng xanh với quy mô rộng gấp 6 lần hiện nay thì bộ máy nào để quản lý/quản trị hiệu quả, hiệu lực?

Thực tiễn đặt ra yêu cầu tiếp tục triển khai các quy định luật pháp quốc gia, các cam kết quốc tế về biển, bảo tồn biển theo hướng: củng cố, mở rộng diện tích các khu bảo tồn biển hiện có; thành lập các khu bảo tồn biển mới và nghiên cứu thiết lập các loại hình khu bảo tồn biển mới được quy định trong các cam kết quốc tế mà Việt Nam đã ký thực hiện. Cụ thể: tiếp tục củng cố, điều chỉnh quy mô theo tên gọi mới hệ thống 16 khu bảo tồn biển (MPAs) quốc gia theo tiêu chí của IUCN, các khu di sản thiên nhiên biển (như Vịnh Hạ Long - Cát Bà) theo Công ước Di sản; một số khu bảo tồn rạn san hô quy mô cộng đồng (như Rạn Trào tỉnh Khánh Hòa, Tam Hải tỉnh Quảng Nam, Rạn san hô vịnh Quy Nhơn…).

Theo cách tiếp cận OECMs nói trên, cần chú ý thiết lập mở rộng các khu bảo vệ nguồn lợi thủy sản; các bãi giống, bãi đẻ thủy sản; các khu rừng đặc dụng, rừng phòng hộ ven biển; các khu biển đưa vào đồng quản lý nguồn lợi thủy sản; các địa điểm tiến hành “nghề cá giải trí”, các “vườn ươm san hô” quy mô khác nhau (ở vùng biển Khánh Hòa, vùng biển Phú Yên,…). Ngoài các khu Ramsar ven biển, ở Côn Đảo đã thiết lập theo quy định của Công ước Ramsar về đất ngập nước, nên mở rộng các khu Ramsar ở các đảo nhỏ hoang sơ, hoang dã nằm trong phạm vi độ sâu biển 0 - 6m. Củng cố và mở rộng mới các khu dự trữ sinh quyển ven biển, trên các đảo (Biosphere reserve). Tiếp tục chuẩn bị hồ sơ và mở rộng khu vực thiết lập các “Khu vực biển quan trọng về sinh thái học và sinh học” (EBSAs) theo Công ước Đa dạng sinh học (CBD), nhất là khi chúng ta vừa ký tham gia Hiệp định về Biển cả. Theo Công ước MARPOL của Tổ chức Hàng hải quốc tế (IMO) mà Việt Nam là thành viên, cũng cần sớm xác định và trình hồ sơ về các “Khu vực biển đặc biệt nhạy cảm về môi trường” (PSSAs) ở các vùng biển nước ta tuyên bố chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán.

Cách đây mấy năm, Bộ Giao thông vận tải đã cho tiến hành nhận diện theo tiêu chí và xác định một số PSSAs ở khu vực biển - cảng biển cụm Hải Phòng - Hạ Long. Trong thời gian sớm nhất nên xem xét mở rộng loại hình bảo vệ, bảo tồn biển này, nhất là đối với khu vực tuyến hàng hải quốc tế đi qua biển nước ta. Năm 2015, Việt Nam đã đề xuất với Văn phòng Công ước Đa dạng sinh học (CBD) về đề cử vùng biển quần thể đảo đá vôi Cát Bà - vịnh Hạ Long (bao gồm phía nam vịnh Bái Tử Long, quần đảo Đầu Bê và Long Châu) thành EBSA và được ghi nhận mã số Code-34 trên bản đồ và trong danh mục các EBSAs khu vực biển Đông Á. Năm 2018, loại hình EBSA này cũng được nhóm chuyên gia biển Singapore đề xuất thiết lập ở chuỗi núi ngầm (Sea-mount) ở rãnh sâu Tây Nam quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Đặc biệt, vận dụng các quy định của Công ước Luật biển 1982 (UNCLOS), ngay từ năm 1989 là ý tưởng và vào các năm 1994, 2015, GS.TS. John MacManus (Trung tâm Nghề cá thế giới) đã đề xuất và công bố quốc tế sáng kiến thiết lập quần đảo Trường Sa (của Việt Nam) thành “Công viên biển quốc tế hòa bình” (Peaceful International Marine Park).

Rõ ràng, bằng cách thay đổi nhận thức, tầm nhìn, cách tiếp cận, quyết tâm hiện thực hóa các quy định của pháp luật quốc gia, quốc tế, thì việc mở rộng vùng xanh để gia tăng diện tích biển nước ta được bảo tồn vào năm 2030 (hơn 3%) và 2050 (khoảng 6%) có tính khả thi. Ngoài ra, mở rộng vùng xanh còn tạo ra những “lợi ích kép” như nói trên, là cách tiếp cận hòa bình để bảo vệ, bảo tồn biển quốc gia, phù hợp với chủ trương duy trì môi trường hòa bình trên Biển Đông của Đảng và Nhà nước ta.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chuyển đổi xanh vì một nền kinh tế biển hiệu quả, bền vững
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO