Theo ông Nguyễn Văn Minh, Phó Tổng biên tập báo Công Thương, năm 2019, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết 52 về chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, trong đó nhấn mạnh thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia và phát triển kinh tế số. Năm 2020, Thủ tướng Chính phủ ban hành Chương trình Chuyển đổi số quốc gia với ba trụ cột là: Chính phủ số, Kinh tế số và Xã hội số. Đầu năm 2021, Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII định hướng đẩy mạnh chuyển đổi số quốc gia, phát triển kinh tế số. Đến năm 2022, Thủ tướng Chính phủ ban hành Chiến lược Kinh tế số và Xã hội số.
Chuyển đổi số trở thành xu hướng tất yếu và làm thay đổi toàn diện mọi lĩnh vực kinh tế - xã hội. Trong đó có lĩnh vực bất động sản. Tại Việt Nam, chuyển đổi số đã diễn ra mạnh mẽ ở nhiều lĩnh vực như tài chính, du lịch… Tuy nhiên, trong lĩnh vực bất động sản, chuyển đổi số diễn ra chậm hơn.
Hội thảo nhằm góp phần giúp doanh nghiệp bất động sản có thông tin toàn cảnh về "bức tranh" chuyển đổi số trong lĩnh vực bất động sản, những tác động và cơ hội mà chuyển đổi số mang lại trong bất động sản; gợi mở các giải pháp, khuyến nghị cho doanh nghiệp bất động sản chủ động thích ứng và chuyển đổi số thành công.
Tại hội thảo, chuyên gia kinh tế, chuyên gia công nghệ thông tin và chuyên gia bất động sản đều có chung nhận định: Chuyển đổi số trong lĩnh vực bất động sản là xu hướng tất yếu. Chuyển đổi số sẽ giúp minh bạch thị trường bất động sản, giúp thị trường bất động sản phát triển bền vững. Chủ động thích ứng và có chiến lược chuyển đổi số phù hợp sẽ giúp doanh nghiệp tăng khả năng tiếp cận khách hàng, tăng trải nghiệm cho khách hàng, mở rộng thị trường từ đó tăng doanh thu. Tận dụng được các cơ hội từ chuyển đổi số sẽ làm gia tăng giá trị thương hiệu cho doanh nghiệp. Ngược lại, nếu doanh nghiệp chậm chạp và không có chiến lược chuyển đổi số phù hợp sẽ bị tụt lại và có nguy cơ bị đào thải.
Tiến sĩ Cấn Văn Lực, Chuyên gia kinh tế cao cấp, Thành viên hội đồng chính sách tài chính – tiền tệ quốc gia nhìn nhận, những thách thức trong chuyển đổi số bất động sản Việt Nam hiện nay là về nhận thức, thay đổi tư duy, thói quen từ trực tiếp sang trực tuyến. Bên cạnh đó, khung pháp lý chậm thay đổi, cập nhất thiếu đồng bộ và cởi mở; thông tin, dữ liệu thiếu và rải rác; niềm tin của người tiêu dùng cần thời gian vun đắp; kết nối giữa chủ đầu tư – proptechs (realtechs), trung gian tài chính…còn yếu.
“Để chuyển đổi số thành công, doanh nghiệp bất động sản cần xây dựng và thực thi chiến lược, mô hình kinh doanh phù hợp với thời đại số; nghiên cứu, tính toán phương án tối ưu về đầu tư công nghệ thông tin và tích hợp các kênh phân phối khác nhau; thay đổi mô thức tuyển dụng, đào tạo và phát triển nguồn nhân lực số; tăng cường kết nối, hợp tác; nâng cao năng lực quản trị doanh nghiệp và quản lý rủi ro công nghệ thông tin.” Tiến sĩ Cấn Văn Lực chia sẻ.
Còn theo PGS.TS Hoàng Hữu Hạnh, Chủ tịch HĐKH Viện sáng tạo chuyển đổi số Việt Nam, chuyển đổi số trong phát triển bất động sản là một xu hướng tất yếu và diễn ra nhanh chóng với sự hỗ trợ của các công nghệ mới, và sự phát triển của các công nghệ trong CMCN 4.0 như phân tích dữ liệu lớn, trí tuệ nhân tạo (AI), IoT, mobile và cloud computing, thực tế ảo / thực tại tăng cường (VR/AR), BIM cùng với các công nghệ truyền thống như GIS đã gia tăng các kết nối khách hàng, trong quản lý bất động sản hiểu quả và thông minh, quy hoạch phát triển và gia tăng chuỗi giá trị trong bất động sản.
“Cùng với sự phát triển của bất động sản thương mại là bất động sản công nghiệp, mà ở đó công nghệ đóng một vai trò quan trọng trong thiết kế, xây dựng với các nhà máy thông minh, quản lý tài sản số của bất động sản với các xu hướng công nghệ tích hợp như Digital Twin và Metaverse trong phát triển bất động sản tương lại, đã thúc đẩy cho việc ứng dụng công nghệ số và các khía cạnh chuyển đổi số vào phát triển bất động sản trở nên cấp thiết và quan trọng hơn bao giờ hết.”- ông Hạnh nói.