Xã hội

Chuyển đổi kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn ở TP.HCM: Nhất quán tầm nhìn,đồng bộ hành động

PGS, TS Nguyễn Hồng Quân cùng các cộng sự 06/02/2024 11:23

.

images(1).jpg
30b.jpg

Thành phố Hồ Chí Minh - thành phố kinh tế đầu tàu của Việt Nam và là điểm sáng kinh tế khu vực đang lấy lại đà tăng trưởng và xác lập lại vị thế sau thời gian dài giảm tốc tăng trưởng từ nhiều nguyên nhân, trong đó có tác động nặng nề do đại dịch Covid-19. Từng bước thay thế phương thức kinh tế truyền thống, bẻ ghi sang xu thế kinh tế tuần hoàn (KTTH) và tăng tốc kiến tạo một hành trình mới, hành trình tăng trưởng xanh hướng đến tương lai bền vững là mục tiêu phát triển đã được thành phố xác định.

Mô hình kinh tế mới - là tất yếu

Thành phố Hồ Chí Minh (TP.HCM) là một siêu đô thị đang phát triển và đô thị hóa nhanh chóng; đồng thời phải đối mặt với nhiều thách thức về môi trường đòi hỏi phải áp dụng chiến lược phát triển kinh tế xanh (KTX), cụ thể, có thể kể đến như: Thành phố đang trải qua quá trình đô thị hóa nhanh chóng, với dân số ngày càng tăng cùng với nhu cầu cấp thiết về cơ sở hạ tầng, nhà ở và dịch vụ. Cùng với sự tăng nhanh của tốc độ đô thị hóa là những thách thức đáng kể liên quan đến ô nhiễm môi trường (không khí, nước và quản lý chất thải), TP.HCM là thành phố dễ bị tổn thương trước những tác động của biến đổi khí hậu, bao gồm mực nước biển dâng, lũ lụt gia tăng và các hiện tượng thời tiết cực đoan, sự phát triển mọi mặt của thành phố đặt ra nhu cầu năng lượng ngày càng tăng và thành phố phụ thuộc rất nhiều vào nhiên liệu hóa thạch để sản xuất và sinh hoạt, TP.HCM là nơi có các hệ sinh thái và môi trường sống đa dạng, bao gồm rừng ngập mặn, vùng đất ngập nước và không gian xanh đô thị; do đó, cần bảo tồn và khôi phục các hệ sinh thái có giá trị này, bảo tồn đa dạng sinh học và cung cấp các dịch vụ sinh thái quan trọng như hấp thụ carbon, lọc nước và làm mát đô thị trong điều kiện nhận thức của người dân và doanh nghiệp về tăng trưởng xanh, KTTH tại TP.HCM còn những hạn chế nhất định.

Hiện tại TP.HCM đã hoàn thiện khung chiến lược KTX với mục tiêu nhằm chuyển đổi kinh tế TP.HCM theo hướng xanh, bền vững, đồng thời nâng cao tính cạnh tranh của nền kinh tế, kết nối với các địa phương và trên thế giới. Trong đó xác định các quan điểm để phát triển KTX, đó là: Lấy con người làm trung tâm của mọi chuyển đổi: Dựa trên các xu hướng và tiêu chuẩn, tiêu chí của khu vực và thế giới; Tương thích với các chính sách quốc gia và phù hợp với thực tiễn; Phối hợp các nguồn lực công - tư, huy động khoa học - công nghệ, cộng đồng quốc tế. Tuy nhiên, việc chuyển đổi sang KTX là quá trình lâu dài, do đó cần đánh giá kỹ hơn toàn cảnh bức tranh nền kinh tế của thành phố, đồng thời học hỏi kinh nghiệm của các quốc gia trên thế giới nhằm xây dựng bài bản KTX cho thành phố.

Những khu vực và ngành nghề tiên phong

Trước yêu cầu chuyển đổi sang nền KTX đòi hỏi phải có những khu vực và ngành nghề tiên phong, tạo động lực thúc đẩy các ngành khác chuyển đổi, có thể xác định các khu vực/ngành, nghề sau có thể tạo động lực cho nền kinh tế thành phố chuyển đổi theo hướng xanh, Net-Zero.

Ở lĩnh vực Đô thị, có thể thấy, TP.HCM đóng góp khoảng 21,8% GDP của cả nước; tuy nhiên, những vấn đề thành phố đang gặp phải như đã nêu ở trên cũng đang tạo ra những áp lực rất lớn đến môi trường tự nhiên và quá trình thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững.

Lượng chất thải phát sinh bình quân khoảng 1 kg/người/ngày, tuy nhiên, việc quản lý chất thải đô thị đang áp dụng phổ biến hiện nay vẫn là thu gom, sau đó đem đi chôn lấp là chính. Bên cạnh đó, sản xuất, tiêu dùng bền vững ở khu vực đô thị còn manh mún. Trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp, người dân trong chấp hành các quy định pháp luật về môi trường trong quá trình sản xuất, tiêu dùng còn hạn chế. Trước xu hướng diễn biến dân số đô thị và vấn đề phát sinh chất thải từ khu vực đô thị, nếu không có cách tiếp cận mới để giải quyết sẽ đặt áp lực lớn lên chất lượng đô thị trong thời gian tới. Vì vậy, việc chuyển đổi sang xu hướng đô thị tuần hoàn nhằm hạn chế phát thải, sử dụng hiệu quả tài nguyên là điều cần làm ở TP.HCM.

the_landmark_81_at_night.jpg
Tòa Landmark 81

Về lĩnh vực Năng lượng xanh, đối với đô thị, thúc đẩy năng lượng tái tạo là dựa trên nguyên tắc khám phá tiềm năng về quy mô trữ lượng và hiệu quả chi phí để đáp ứng nhu cầu sử dụng. Với mật độ dân số và tốc độ tăng trưởng kinh tế cao, nhu cầu tiêu thụ điện của TP. HCM cao hơn nhiều so với các tỉnh, thành khác, trung bình lượng điện tiêu thụ vào khoảng 80 triệu kWh/ngày. Đồng thời, nhu cầu năng lượng nói chung và điện nói riêng được dự báo tiếp tục tăng cao nhằm đáp ứng đủ điện phục vụ cho việc phát triển kinh tế - xã hội của thành phố. Nhằm tách rời quá trình phát triển kinh tế - xã hội và phát thải khí nhà kính, chiến lược năng lượng xanh cho thành phố là nhóm chiến lược cho định hướng xanh hóa nền kinh tế. Dựa trên tiềm năng nguồn năng lượng tái tạo và tiềm lực xã hội, các giải pháp nhằm hướng tới quá trình chuyển đổi năng lượng - tăng dần việc cung cấp năng lượng xanh và tiến đến thay thế các nguồn năng lượng dựa vào hóa thạch dựa trên điều kiện và tiềm năng của thành phố.

Từ góc độ Giao thông xanh, hiện hệ thống giao thông nội đô của TP. HCM đang bị chi phối bởi phương tiện cơ giới hóa tư nhân, chủ yếu là xe máy. Bên cạnh việc sử dụng xe máy cá nhân chiếm ưu thế (khoảng 777 xe/1.000 người vào năm 2019), thành phố đã chứng kiến sự gia tăng đáng kể về tỷ lệ sở hữu ô tô do các biện pháp hạn chế lưu lượng xe máy và giảm giá ô tô. Năm 2019, thành phố có 730.000 ô tô, tương đương với khoảng 81 phương tiện/1.000 người. Trong khi đó các phương tiện giao thông công cộng của thành phố chủ yếu là xe buýt còn hạn chế khi chỉ đáp ứng 9 - 15% nhu cầu đi lại; Tuyến metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) hiện vẫn chưa được đưa vào vận hành sau hơn 1 thập kỷ triển khai.

Ước tính mức tiêu thụ nhiên liệu liên quan đến giao thông đường bộ ở Việt Nam được dự đoán sẽ tăng gấp ba lần trong giai đoạn 2015 - 2040. Điều này dẫn đến các tác động về mặt môi trường. Cụ thể, giao thông đường bộ không chỉ chiếm 18,5% lượng phát thải khí nhà kính ở Việt Nam, đồng thời còn là nguồn gây ô nhiễm không khí đô thị chính, gây ra 40% tổng nồng độ PM2.5 tại TP.HCM. Ngoài ra, về mặt kinh tế - xã hội, thực trạng giao thông hiện nay cũng gây các bất cập như tổn thất về chi phí và sức khỏe cộng đồng. Vì vậy, cần thúc đẩy các giải pháp cho hệ thống giao thông xanh để đóng góp vào chiến lược KTX của thành phố, các giải pháp đưa ra đó là đa dạng hóa giao thông công cộng, đẩy mạnh các hình thức giao thông không khói (xe đạp, xe điện) và hạn chế phương tiện cá nhân.

Về vấn đề Công nghiệp cộng sinh, TP.HCM hiện đang có 19 khu công nghiệp (KCN) đang hoạt động nhưng hầu hết là theo mô hình KCN truyền thống. Việc thành lập, vận hành các KCN đã đóng góp đáng kể cho nền kinh tế với vai trò là một trong những động lực của tăng trưởng và thu hút đầu tư lớn, đặc biệt là đầu tư nước ngoài, giải quyết nhiều vấn đề xã hội của cả nước. Tuy nhiên, đi cùng với sự phát triển là những thách thức cần giải quyết, như: hoạt động tại các KCN đã gây ra không ít tác động xấu tới môi trường, ô nhiễm môi trường sinh thái, ảnh hưởng đời sống của người dân, tài nguyên thiên nhiên chưa sử dụng hiệu quả, nhiều giải pháp sản xuất sạch và bảo vệ tài nguyên chưa được ứng dụng, cộng sinh giữa các doanh nghiệp trong cùng KCN còn hạn chế, dịch vụ trong KCN chưa đầy đủ. Với lượng chất thải ngày càng tăng ở các KCN, đặc biệt là chất thải rắn nguy hại, việc thu gom, vận chuyển, tái chế và tái sử dụng chất thải rắn từ KCN còn nhiều hạn chế. Ô nhiễm không khí chủ yếu là do các doanh nghiệp sử dụng những công nghệ lạc hậu và không có hệ thống xử lý khí thải. Ô nhiễm môi trường đã ảnh hưởng rất lớn tới sức khỏe của người dân sống xung quanh KCN, gây thất thoát về kinh tế do phải chi trả bảo hiểm và thu nhập thấp. Việc áp dụng cách tiếp cận KCN sinh thái, tham gia các liên kết cộng sinh công nghiệp, chuyển đổi, xây dựng mới các KCN sinh thái không chỉ mang lại lợi ích kinh tế và xã hội tại các doanh nghiệp trong các KCN sinh thái, mà còn mang lại lợi ích cho cả người lao động, cộng đồng bên ngoài hàng rào KCN thông qua việc giảm thiểu chất thải, tác động đến môi trường

Du lịch xanh cũng đang là điểm sáng thúc đẩy phát triển xanh của TP.HCM. Tuy là thành phố đông dân với mức độ đô thị hóa và mật độ dân số cao, TP.HCM vẫn có thế mạnh về du lịch xanh do địa bàn thành phố tiếp giáp với biển, có Khu Dự trữ sinh quyển thế giới Cần Giờ, đảo ven bờ (xã đảo Thạnh An) và các khu vực nông thôn có nhiều mảng xanh ở các khu vực vùng ven thuộc huyện Củ Chi, Hóc Môn, Bình Chánh. Ngoài ra, với thế mạnh về cơ sở hạ tầng phát triển, các hoạt động kinh tế - xã hội tấp nập, thương mại điện tử, công nghệ số, thành phố là điểm đến yêu thích của khách du lịch, đặc biệt là điểm đến của đối tượng khách du lịch hội nghị (MICE). Ngoài ra từ TP.HCM có thể dễ dàng tiếp cận các địa điểm du lịch khác của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, Long An, Bình Dương, Tây Ninh… tạo lợi thế cho thành phố trở thành điểm đến đầu tiên và điểm kết nối trong tuyến du lịch của vùng Đông Nam Bộ, Tây Nguyên và miền Tây Nam Bộ.

Nhu cầu nền tảng cho chuyển đổi

Trong khi chỉ ra các khu vực và ngành nghề thúc đẩy phát triển KTX dựa vào các trụ cột phát triển của nền kinh tế như trên, một vấn đề cũng đồng thời được đặt ra đó là để có thể đảm bảo triển khai được các chuyển đổi này, cần phải có sự chuyển đổi về thể chế chính sách, truyền thông, nhân lực, tài chính và công nghệ.

Giáo dục, truyền thông được xem là một trong những phương tiện tốt nhất trong quá trình chuyển đổi sang tăng trưởng xanh. Việc đảm bảo lực lượng lao động được trang bị các kỹ năng cần thiết để đáp ứng nhu cầu của một nền KTX hơn sẽ không chỉ góp phần biến dự án xanh trở thành hiện thực mà còn hạn chế khả năng tiêu cực mà quá trình chuyển đổi này có thể gây ra (như là thất nghiệp). Như vậy, hiểu được bản chất của mối quan hệ giữa giáo dục, phát triển và nâng cấp kỹ năng và sự bùng nổ KTX là chìa khóa đối với bất kỳ nhà thực hành chính sách và nhà hoạch định chính sách nào. “Tăng trưởng xanh” và những tác động của nó đối với thị trường lao động - bao gồm tạo ra việc làm xanh, nhu cầu về xanh và kỹ năng xanh hơn - là đối tượng của nhiều nỗ lực nghiên cứu thay mặt cho các tổ chức địa phương, quốc gia và đa quốc gia cũng như khu vực tư nhân. TP.HCM là địa phương có tốc độ tăng trưởng kinh tế đứng hàng đầu trong cả nước; tuy vậy, do đối mặt với các thách thức cạnh tranh cả trong và ngoài nước nên thành phố đang bắt đầu chuyển dịch sang KTX nhằm tạo thêm lợi thế cạnh tranh. Dù vậy, các chương trình giáo dục xanh nhằm đáp ứng cho sự chuyển dịch này hiện vẫn chưa có, bên cạnh đó nhận thức của người dân về nền KTX vẫn còn hạn chế và cần được nâng cao. Chính vì vậy việc phát triển các chương trình giáo dục xanh là rất cần thiết.

Tài chính Xanh (TCX) đã và đang được xem xét như là một giải pháp hỗ trợ nỗ lực hướng đến các Mục tiêu phát triển Bền vững (SDGs). TCX hỗ trợ các dự án xanh và mang lại lợi ích môi trường thông qua các công cụ như trái phiếu xanh, xanh ngân hàng, công cụ thị trường carbon, chính sách tài khóa, ngân hàng trung ương xanh, fintech, quỹ xanh dựa vào cộng đồng... Tài chính giúp phân bổ các khoản tiết kiệm để sử dụng hiệu quả nhất. Tuy nhiên, việc sử dụng hệ thống tài chính cho hiệu quả sẽ góp phần ảnh hưởng đến sự phát triển của nền kinh tế, gây ra những hệ lụy về xã hội, môi trường (bong bóng bất động sản, các dự án ảnh hưởng môi trường). Do vậy, TCX sẽ góp phần giải quyết, ngăn ngừa các tác động này và các cơ quan tài chính cũng cần phải có trách nhiệm với xã hội cho các hoạt động của mình. Phát triển thị trường tín dụng xanh, trái phiếu xanh đang là những bước phát triển trên thế giới. Sự tham gia ngày càng nhiều các quốc gia phát triển cũng như tổ chức tài chính quốc tế lớn như Ngân hàng Thế giới (WB), Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) đã đóng góp vào quá trình này. Các kênh tài chính, huy động vốn này đã có những đóng góp quan trọng trong việc đáp ứng nhu cầu vốn, góp phần thực hiện mục tiêu phát triển bền vững.

2223_du-lich-thanh-pho-ho-chi-minh.jpg
Một góc Thành phố Hồ Chí Minh

Về Công nghệ, theo Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM, vào năm 2022, TP.HCM có 45 thương vụ gọi vốn thành công, thu hút được 591 triệu USD, chiếm 80% lượng vốn thu hút vào start up trên cả nước (tập trung vào Fintech). Cùng với đó, trên địa bàn thành phố. có 124 doanh nghiệp có quỹ phát triển khoa học và công nghệ với số vốn lên đến hơn 4.000 tỷ đồng và đã giải ngân hơn 1.200 tỷ đồng. Trong 5 năm (2017 - 2022), Các cuộc thi về khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của TP.HCM thu hút hơn 2.000 dự án tham gia. Trong đó, khoảng 250 dự án được lựa chọn vào các chương trình ươm tạo vườn ươm. Theo thống kê, có 61 dự án khởi nghiệp đổi mới sáng tạo được hỗ trợ kinh phí từ Chương trình SpeedUP dưới hình thức thực hiện nhiệm vụ khoa học công nghệ thông qua các vườn ươm và trung tâm khởi nghiệp. Các hoạt động hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của TP.HCM tập trung vào huấn luyện, đào tạo; kết nối liên kết hệ sinh thái; ươm tạo các dự án xanh.

Về Chính sách, mặc dù là địa phương đầu tàu cả nước về kinh tế cũng như đóng góp ngân sách thì TP.HCM cũng gặp phải sự cạnh tranh gay gắt từ các địa phương khác như Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu. Cùng với đó là sự gia tăng dân số cùng với biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường và cạn kiệt tài nguyên do hoạt động kinh tế truyền thống gây ra đã là những động lực khiến TP.HCM chuyển mình sang KTX. Tuy vậy, việc chuyển đổi và phát triển theo mô hình KTX sẽ gặp phải những rào cản nhất định từ các quy định về luật và chính sách hiện hành. Do đó, việc Chính phủ ban hành Nghị quyết số 98/2023/QH15 về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM đã tạo điều kiện “cởi trói” cho thành phố, giúp thành phố có cơ sở pháp lý vững chắc để có thể đẩy nhanh việc chuyển đổi sang nền KTX.

Chuyển đổi sang nền KTX đòi hỏi hành động tập thể, nhất quán về tầm nhìn, chiến lược và lộ trình hiệu quả với các mục tiêu trung và dài hạn để chuyển đổi từng bước và hạn chế các cú sốc về kinh tế - xã hội. Cùng với đó, cần nâng cao nhận thức về vai trò của chuyển đổi xanh với sự phát triển kinh tế - xã hội và cải thiện đời sống người dân TP.HCM, đặc biệt tích hợp chiến lược chuyển đổi xanh vào quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của thành phố.

Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chuyển đổi kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn ở TP.HCM: Nhất quán tầm nhìn, đồng bộ hành động
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO