Chương trình nghệ thuật kỷ niệm 80 năm "Đề cương về văn hóa Việt Nam" - Những điều đọng lại

Việt Hải| 01/03/2023 21:55

(TN&MT) - Không chỉ mang đến các tiết mục nghệ thuật đặc sắc, Chương trình nghệ thuật đặc biệt kỷ niệm 80 năm "Đề cương về văn hóa Việt Nam” đã truyền đi những thông điệp ý nghĩa về sứ mệnh của văn hóa và trách nhiệm gìn giữ, bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa Việt, thể hiện trong Diễn văn kỷ niệm do Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính trình bày.

tt-1677636129569402891830.jpg
Trong Diễn văn Kỷ niệm, Thủ tướng khẳng định, Chương trình càng có ý nghĩa hơn khi được tổ chức tại Thủ đô Hà Nội ngàn năm văn hiến, thành phố vì hòa bình, thành phố anh hùng, đúng vào thời điểm đẹp nhất của mùa xuân

Diễn văn Kỷ niệm đã được khán giả nồng nhiệt đón nhận, truyền đi trên sóng truyền hình trực tiếp và trên các phương tiện thông tin đại chúng. Trong không khí thiêng liêng của buổi lễ, Thủ tướng khẳng định, Chương trình càng có ý nghĩa hơn khi được tổ chức tại Thủ đô Hà Nội ngàn năm văn hiến, thành phố vì hòa bình, thành phố anh hùng, đúng vào thời điểm đẹp nhất của mùa xuân mà Đại thi hào Nguyễn Du - Danh nhân văn hóa thế giới đã khắc họa:“Ngày xuân con én đưa thoi/ Thiều quang chín chục đã ngoài sáu mươi/ Cỏ non xanh tận chân trời/ Cành lê trắng điểm một vài bông hoa”.

Theo Thủ tướng, văn hóa là hồn cốt của mỗi dân tộc, là những giá trị vật chất, tinh thần mà dân tộc đó sáng tạo ra trong lịch sử, được chắt lọc trong quá trình phát triển, tiếp biến theo thời gian. Trong hành trình của dân tộc Việt Nam với biết bao thăng trầm lịch sử, văn hóa luôn bám sâu gốc rễ vào các giá trị nguồn cội của dân tộc, tạo thành dòng chảy liên tục và bền bỉ làm nên sức mạnh Việt Nam, chiến thắng mọi kẻ thù xâm lăng lãnh thổ và mưu đồ xâm lăng văn hóa nước ta.

ac-lien-khuc-trong-chuong-1-cua-chuong-trinh-nghe-thuat.jpg

Bởi xuất phát từ cội nguồn văn hóa dân tộc, bám sâu vào ba nguyên tắc “dân tộc”, “khoa học”, “đại chúng”, 80 năm qua, như sợi chỉ đỏ xuyên suốt, “Đề cương về Văn hóa Việt Nam” tiếp tục được Đảng ta vận dụng linh hoạt, sáng tạo, hiệu quả, phù hợp với thực tiễn Việt Nam.

Thủ tướng chỉ rõ, tư tưởng lý luận của Đề cương được thể hiện xuyên suốt trong các Văn kiện của Đảng; đặc biệt là trong Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 khóa VIII về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc và Nghị quyết Hội nghị Trung ương 9 khóa XI về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững của đất nước.

Trên cơ sở đó, Nhà nước đã cụ thể hóa, ban hành và triển khai hiệu quả nhiều văn bản quy phạm pháp luật, cơ chế, chính sách để phát triển văn hóa, phục vụ thiết thực công cuộc xây dựng, bảo vệ Tổ quốc và hội nhập quốc tế.

80 năm qua, đặc biệt là gần 40 năm đổi mới, chúng ta đã có quyền tự hào về chặng đường phát triển văn hóa dân tộc và những đóng góp to lớn của lĩnh vực văn hóa, văn nghệ vào công cuộc cứu quốc và kiến quốc. Nhận thức về văn hóa ngày càng toàn diện và sâu sắc hơn.

Những thành tựu to lớn đó là nhờ có sự lãnh đạo toàn diện của Đảng, sự quản lý sát sao của Nhà nước, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự đồng hành, ủng hộ, chia sẻ của cộng đồng doanh nghiệp và quảng đại quần chúng nhân dân, mà trực tiếp, nòng cốt là đội ngũ các nhà văn hóa, trí thức, văn nghệ sĩ, nghệ nhân trên cơ sở kế thừa, vận dụng, phát triển sáng tạo, hiệu quả “Đề cương về văn hóa Việt Nam” trong các giai đoạn cách mạng khác nhau.

chuong-trinh-do-bo-vhtt-dl-chu-tri-phoi-hop-cung-ban-tuyen-giao-trung-uong-dai-truyen-hinh-viet-nam-thuc-hien-nhan-dip-ky-niem-80-nam-ra-doi-de-cuong-ve-van-hoa-viet-nam-1943-2023.jpeg
Cùng với các mặt trận chính trị, ngoại giao, quân sự, văn hóa đang ngày càng khẳng định là vũ khí đấu tranh sắc bén trên mặt trận tư tưởng

Trong Diễn văn Kỷ niệm, khẳng định rõ quan điểm chân lý “văn hóa là một mặt trận”, Thủ tướng nhấn mạnh: "Văn hóa, văn học, nghệ thuật nước nhà đã trở thành vũ khí đấu tranh sắc bén trên mặt trận tư tưởng, như Danh nhân văn hóa thế giới Nguyễn Đình Chiểu đã viết: “Chở bao nhiêu đạo thuyền không khẳm/ Đâm mấy thằng gian bút chẳng tà”.

Trên “mặt trận không tiếng súng”, văn hóa đã góp phần bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng, kiên quyết đấu tranh với cái xấu, cái ác, lấy cái đẹp dẹp cái xấu, lấy cái tích cực đẩy lùi tiêu cực; truyền cảm hứng, cổ vũ, lan tỏa các giá trị cao đẹp của dân tộc, của con người Việt Nam. Văn hóa Việt Nam đang dần vươn ra thế giới với nhiều giá trị, sản phẩm độc đáo được bạn bè quốc tế trân trọng và đón nhận".

Tuy nhiên, theo Thủ tướng, trong giai đoạn phát triển mới, trong tình hình thế giới biến động nhanh chóng, phức tạp, khó lường, bên cạnh cơ hội, vận hội mới, những thách thức, khó khăn cũng thường trực song hành. Những biểu hiện phi văn hóa, phản văn hóa đang diễn biến hết sức phức tạp. Cạnh tranh trong lĩnh vực văn hóa trở nên khốc liệt hơn; công tác bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống đang đứng trước nhiều thách thức mới với nhiều khó khăn hơn.

Chúng ta đã chứng kiến biết bao tấm gương cao đẹp, cống hiến cho cộng đồng, xã hội với khát vọng đóng góp xây dựng đất nước ngày càng tốt đẹp hơn.

Nhưng chúng ta cũng trăn trở, băn khoăn khi những “luồng khí độc” văn hóa tác động tiêu cực đến xã hội, nhất là đối với thế hệ trẻ.

Giải pháp nào để “gạn đục, khơi trong” trong bối cảnh hội nhập sâu rộng, trong sự tác động mạnh mẽ của công nghệ, trong sự cạnh tranh gay gắt của các nền tảng mạng xã hội là câu hỏi lớn mà mỗi người có trách nhiệm với dân tộc, với đất nước cần phải đặt ra.

Thủ tướng nhấn mạnh, để vừa phát huy những giá trị tốt đẹp của dân tộc, vừa tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo vững chắc quốc phòng, an ninh, chúng ta cần chung sức, đồng lòng với quyết tâm cao, nỗ lực lớn, triển khai quyết liệt, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra.

Chúng ta cần tiếp tục nghiên cứu, làm sáng tỏ những định hướng lớn, quan điểm xuyên suốt, đồng thời phát triển, bổ sung, làm phong phú, sâu sắc hơn nữa những nội dung trong “Đề cương về Văn hóa Việt Nam”.

Chúng ta cần quán triệt, triển khai hiệu quả các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước; đặc biệt là ý kiến chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị văn hóa toàn quốc về yêu cầu: “Văn hóa phải được đặt ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội”; “Văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu, vừa là sức mạnh nội sinh, động lực quan trọng để phát triển đất nước”…

Chúng ta cần nâng cao hơn nữa nhận thức và hành động để văn hóa thực sự thấm sâu vào mọi lĩnh vực của đời sống xã hội.

Cần phải tiếp tục đổi mới toàn diện nội dung và phương thức lãnh đạo của Đảng, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về văn hoá; đầu tư thích đáng cả về nguồn lực con người, vật chất cho phát triển văn hóa theo chiều sâu, nhanh, bền vững. Tập trung nghiên cứu, xác định và triển khai xây dựng hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hoá và chuẩn mực con người gắn với giữ gìn, phát triển hệ giá trị gia đình Việt Nam trong thời kỳ mới.

chieu-cheo-ngay-xuan-anh-nguyen-thi-thanh.-nguon-nhiepanhdoisong.vn.jpg
Bảo tồn và phát huy các giá trị độc đáo, khác biệt của văn hóa dân tộc là góp phần nuôi dưỡng nền văn hóa Việt Nam

Cùng với đó là hàng loạt các vấn đề về xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh phục vụ nhân dân và môi trường văn hóa số phù hợp với công cuộc chuyển đổi số hiện nay và tương lai; là việc cải thiện hơn nữa điều kiện thụ hưởng văn hóa của nhân dân; tập trung nâng cao chất lượng, hiệu quả các loại hình văn hoá, văn nghệ, văn học nghệ thuật; bảo tồn và phát huy các giá trị độc đáo, khác biệt của văn hóa dân tộc.

Một nền công nghiệp văn hoá, công nghiệp giải trí có trọng tâm, trọng điểm, có chọn lọc và phù hợp với văn hoá, điều kiện, hoàn cảnh của Việt Nam cũng được đề cập tại Diễn văn.

Để Việt Nam trở thành địa chỉ hấp dẫn về giao lưu, hội nhập văn hoá, để nền văn hóa Việt Nam cùng hệ di sản văn hóa vật thể và phi vật thể lan tỏa và trở thành một trong những tiêu chí định giá, nâng tầm vị thế Việt Nam; để văn hóa mãi mãi là hồn cốt của dân tộc Việt Nam; để văn hóa mãi mãi trường tồn cùng dân tộc… theo Thủ tướng, không ai khác, là trách nhiệm của Đảng, của Chính phủ, của cả hệ thống chính trị và của mỗi công dân Việt Nam mà sự kiện kỷ niệm 80 năm ra đời bản “Đề cương về văn hóa Việt Nam” là một trong những hoạt động trọng tâm, trọng điểm đáng khích lệ.

Bởi “Văn hóa còn thì dân tộc còn”!

Chương trình nghệ thuật đặc biệt với chủ đề "Đề cương về văn hóa Việt Nam - Những dấu ấn lịch sử" do Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì, phối hợp với Đài Truyền hình Việt Nam tổ chức nhân kỷ niệm 80 năm ra đời “Đề cương về văn hóa Việt Nam” (1943 - 2023). Chương trình diễn ra tối ngày 28/2 tại Nhà hát lớn Việt Nam.

Chương trình được kết cấu thành 3 chương: Chương 1: Văn hóa soi đường cho quốc dân đi; Chương 2: Văn hóa hóa kháng chiến, kháng chiến hóa văn hóa; Chương 3: "Văn hoá là hồn cốt của dân tộc. Văn hóa còn thì dân tộc còn".

Chương trình đã cống hiến cho đại biểu và khán giả những tác phẩm nghệ thuật đặc sắc mà một trong những điểm nhấn ấn tượng là hai ca khúc "Ngọn đuốc soi đường" và "Văn hóa trường tồn cùng dân tộc" được Ban tổ chức đặt hàng nhạc sĩ viết riêng cho chương trình.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chương trình nghệ thuật kỷ niệm 80 năm "Đề cương về văn hóa Việt Nam" - Những điều đọng lại
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO