Việt Nam là một trong những quốc gia bị tác động mạnh mẽ nhất do biến đổi khí hậu, đặc biệt là vùng đồng bằng sông Cửu Long. Theo Kịch bản biến đổi khí hậu và nước biển dâng do Bộ Tài nguyên và Môi trường công bố năm 2016 cho thấy, vào cuối thế kỷ XXI, dự kiến nhiệt độ phía Bắc tăng từ 3,3 - 4,0oC và phía Nam 3,0 - 3,5oC, kéo theo đó mực nước biển có thể dâng lên khoảng 73cm. Khi đó hậu quả là khu vực Đồng bằng sông Cửu Long sẽ ngập 38,9% diện tích, riêng TP Hồ Chí Minh ngập 17,8% diện tích; các tỉnh ven biển ở Đồng bằng sông Hồng ngập 16,8%; các tỉnh miền Trung là 1,47% (theo kịch bản RCP8.5).
Để giải quyết các vấn đề nêu trên, trong 03 năm qua, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã cùng Bộ Khoa học và Công nghệ phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành và địa phương, các tổ chức khoa học và công nghệ trên phạm vi cả nước tổ chức triển khai Chương trình khoa học công nghệ cấp Quốc gia “Khoa học và công nghệ ứng phó với biến đổi khí hậu, quản lý tài nguyên và môi trường giai đoạn 2016 - 2020”, mã số BĐKH/16-20.Trong đó, đã phê duyệt kinh phí 38 đề tài, đang tổ chức tuyển chọn để phê duyệt bổ sung 04 đề tài.
Sau gần 03 năm triển khai cho thấy nhiều sản phẩm khoa học, công nghệ của các đề tài có trình độ khoa học cao, tiệm cận được với trình độ tiên tiến của khu vực và thế giới, góp phần quan trọng vào việc xây dựng và thực hiện chiến lược chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường, quản lý và sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên phục vụ phát triển bền vững kinh tế - xã hội của đất nước. Có thể kể đến những công trình nghiên cứu có tính ứng dụng cao, phù hợp thực tiễn, góp phần bảo vệ môi trường, ứng phó BĐKH như: Thiết bị tách ẩm từ không khí công suất 10lít/ngày phục vụ nhu cầu sinh hoạt người dân; Bước đầu nghiên cứu chế tạo bê tông rỗng thoát nước ứng dụng trong công trình hạ tầng kỹ thuật ứng phó BĐKH; tài chính cho BĐKH và một số gợi ý chính sách tại Việt Nam; Đánh giá khả năng chịu hạn của một số giống ngô lai bằng phương pháp gây hạn nhân tạo trong điều kiệm nhà lưới; Xây dựng bộ chỉ tiêu xác định các đợt lạnh bất thường trong mùa sông trên khu vực miền núi phía Bắc…
Đồng thời, thông qua hoạt động nghiên cứu khoa học và công nghệ của Chương trình đã mang lại những hiệu quả tích cực được ghi nhận như: Đã góp phần giải quyết vấn đề đào tạo đội ngũ chuyên gia, các nhà khoa học đầu ngành thuộc các lĩnh vực khác nhau;
Hàng loạt các bài báo đã và sẽ được công bố trên các tạp chí khoa học uy tín trên thế giới và trong nước. Chỉ tính riêng 30 đề tài đã được phê duyệt, sau khi kết thúc sẽ có 40 bài báo được chấp nhận đăng trên tạp chí quốc tế, 101 bài báo đăng trên tạp chí trong nước, 02 sách chuyên khảo. Đến nay, các đề tài đã đăng 13 bài báo trên tạo chí khoa học trong nước và 05 bài báo trên tạp chí quốc tế.
Tăng cường năng lực của các đơn vị trong việc quản lý, triển khai các chương trình khoa học và công nghệ cấp quốc gia; Tạo ra được mạng lưới các đơn vị nghiên cứu đa ngành đối với các lĩnh vực liên quan và bước đầu tạo nên cơ chế hợp tác tiềm năng, có thể huy động trong tương lai để giải quyết các vấn đề lớn, cấp bách, có tính liên ngành, hỗ trợ công tác quản lý nhà nước trong vấn đề sử dụng tài nguyên, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu.
Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ TNMT Võ Tuấn Nhân cho biết: Trong thời gian qua Bộ Tài nguyên và Môi trường thường xuyên nhận được sự quan tâm phối hợp của các Bộ, ban, ngành ở Trung ương và lãnh đạo các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các Viện, Trường trong công tác quản lý nhà nước, trong hoạt động nghiên cứu khoa học về biến đổi khí hậu, quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường. Nhân dịp này, thay mặt Lãnh đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường tôi chân thành cảm ơn các Bộ, ban, ngành, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các Viện, Trường về sự quan tâm phối hợp đó và hy vọng tiếp tục nhận được sự quan tâm, ủng hộ của các Quý vị trong thời gian tới.
Đồng thời, Thứ trưởng cũng mong muốn các chuyên gia, các nhà khoa học, quản lý cần đánh giá sâu sắc kết quả thực hiện các đề tài thuộc Chương trình, ghi nhận cụ thể những hiệu quả mang lại, những bài học kinh nghiệm trong công tác quản lý khoa học và công nghệ, cơ chế phối hợp giữa các đơn vị;
Và từ thực tế triển khai hoạt động nghiên cứu của các đề tài, đề xuất, kiến nghị các giải pháp để hoàn thiện cơ chế, chính sách quản lý hoạt động khoa học và công nghệ, đặc biệt là quản lý Chương trình khoa học và công nghệ quốc gia; Nâng cao hiệu quả sản phẩm nghiên cứu của các đề tài, cần có giải pháp đẩy mạnh công tác tuyên truyền, có phương án chuyển giao và nhân rộng việc áp dụng kết quả nghiên cứu và thực tế phục vụ phát triển kinh tế, xã hội, ứng phó với biến đổi khí hậu, quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường.