Phụ nữ trồng cây ngập mặn ở Timor Leste. Ảnh: UNDP/Yuichi Ishida |
Trên toàn cầu, rừng ngập mặn bao phủ bề mặt 14,8 triệu ha. Mặc dù, loại rừng này mang lại nhiều lợi ích nhưng UNESCO ước tính, một số quốc gia đã mất hơn 40% diện tích rừng ngập mặn từ năm 1980 - 2005, chủ yếu là do sự phát triển ven biển.
Theo bà Azoulay, sức khỏe con người luôn phụ thuộc vào sức khỏe của hành tinh, trong đó, tầm quan trọng của các hệ thống rừng ngập mặn ngày càng rõ ràng. Bà cho rằng, thế giới hiện đang nhận thức rõ tầm quan trọng của rừng ngập mặn và các hệ sinh thái carbon xanh khác, bao gồm đầm lầy muối, thảm cỏ biển và đất ngập nước ven biển.
UNESCO cố gắng bảo tồn rừng ngập mặn thông qua công việc của tổ chức liên quan đến các Công viên Địa chất Toàn cầu và Di sản Thế giới, trong đó, riêng di sản thế giới bao trùm hơn 10% tổng số các khu vực biển được bảo vệ trên toàn cầu, tương đương 200 triệu ha.
Hơn 700 địa điểm ở 129 quốc gia đóng vai trò quan trọng trong Mạng lưới Dự trữ Sinh quyển Thế giới của UNESCO. Mạng lưới này tròn 50 năm thành lập vào năm nay khi Liên Hợp Quốc khởi động Thập kỷ Phục hồi Hệ sinh thái.
Sáng kiến của UNESCO về Khu dự trữ sinh quyển, kết hợp giữa bảo tồn đa dạng sinh học với sử dụng bền vững là một sáng kiến độc đáo về bảo tồn. "Trong những lĩnh vực này, UNESCO cam kết thực hiện các giải pháp dựa trên khoa học với sự phối hợp của các cộng đồng địa phương và bản địa, để hỗ trợ khả năng của nhân loại trong việc ứng phó với sự thay đổi sinh thái - xã hội”, bà Azoulay nói khi chỉ ra các ví dụ ở Thái Lan, Senegal và United Arab Emirates.