(TN&MT) - Bảo vệ môi trường lưu vực sông Cầu không chỉ là nhiệm vụ của một ngành, một địa phương mà phải có sự chung tay, góp sức của các cấp, các ngành từ Trung ương đến địa phương, đặc biệt là các tỉnh trong lưu vực sông. Vì thế, cần sớm xây dựng quy chế phối hợp giải quyết các vấn đề môi trường liên tỉnh; tăng cường triển khai các chương trình phối hợp liên tỉnh về kiểm soát ô nhiễm môi trường nước tại các điểm nóng ô nhiễm.
Đề án tổng thể bảo vệ và phát triển bền vững môi trường sinh thái, cảnh quan lưu vực sông Cầu đề ra mục tiêu đến năm 2020 đưa sông Cầu trở lại trong sạch, bảo đảm cân bằng nước phục vụ hiệu quả nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội ở lưu vực, hệ thống dòng chảy ổn định, các công trình thuỷ lợi an toàn, bền vững, cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp… Mục tiêu đặt ra là vậy nhưng e rằng khó đạt được nếu như các địa phương không chung tay giải quyết các vấn đề liên tỉnh.
Báo cáo của Uỷ ban Bảo vệ môi trường lưu vực sông Cầu cho thấy, hiện nay sự phối hợp giữa cơ quan quản lý của các địa phương trên lưu vực sông Cầu còn chưa đồng bộ, chặt chẽ. Cụ thể, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã ban hành Thông tư 19/2016/TT-BTNMT về báo cáo bảo vệ môi trường ngày 24/8/2016, nhưng không có dữ liệu được chia sẻ giữa các địa phương trong cùng một lưu vực. Đến nay các địa phương vẫn chưa có các quy định về cơ chế chia sẻ dữ liệu quan trắc môi trường; quy định việc quan trắc lưu vực sông liên tỉnh; chưa có cơ chế để kiểm soát nguy cơ ô nhiễm sông liên tỉnh trong bối cảnh các tỉnh lưu vực đều đang đẩy mạnh tiến trình thu hút đầu tư và tình trạng du nhập công nghệ lạc hậu, công nghệ tiềm ẩn nguy cơ ô nhiễm cao.
Bên cạnh đó chưa có quy hoạch quản lý nguồn nước của toàn lưu vực dẫn đến sự thiếu thống nhất trong quản lý sử dụng nguồn nước lưu vực sông Cầu của mỗi địa phương và giữa các địa phương với nhau. Hoạt động kiểm kê và công khai thông tin thống kê nguồn thải của các địa phương trên lưu vực. Nguồn lực đầu tư cho công tác quản lý, bảo vệ môi trường ở các địa phương còn hạn chế.
Mặc dù các địa phương cũng đã ngồi lại với nhau để giải quyết các vấn đề phát sinh liên tỉnh nhưng xem ra thượng nguồn thì rốt ráo, hạ nguồn thì lờ lững. Vì vậy, vẫn còn nhiều vấn đề bức xúc. Đơn cử như tình trạng ô nhiễm nguồn nước sông Cầu tại địa phận tỉnh Bắc Giang có chiều hướng gia tăng là do hoạt động xả thải từ sông Ngũ Huyện Khê, tỉnh Bắc Ninh; hoạt động của khu xử lý rác thải xã Phù Lãng, huyện Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh gây ô nhiễm mùi, khí thải,... ảnh hưởng đến đời sống của người dân khu vực xã Thắng Cương, Tư Mại, Yên Lư thuộc huyện Yên Dũng, tỉnh Bắc Giang. Tỉnh Bắc Giang đã phối hợp với Tổng cục Môi trường, UBND tỉnh Bắc Ninh tổ chức làm việc, bàn biện pháp giải quyết tuy nhiên đến nay vẫn còn chưa triệt để…
Trước tình trạng trên, mới đây Ủy ban Bảo vệ môi trường lưu vực sông Cầu đã kiến nghị các địa phương cần thống nhất xây dựng một kế hoạch theo dõi, quan trắc và cơ chế chia sẻ thông tin về các nguồn thải để phục vụ kịp thời và có hiệu quả cho công tác quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường.
Trong giai đoạn 2019 - 2020, là giai đoạn tổng kết triển khai Đề án, đồng thời mở ra giai đoạn mới trong công tác bảo vệ môi trường lưu vực sông Cầu, các địa phương phải tăng cường cơ chế phối hợp giải quyết các vấn đề môi trường liên ngành, liên tỉnh, đặc biệt là chương trình phối hợp nhằm kiểm soát các hoạt động khai thác cát, sỏi lòng sông. Nghiêm túc triển khai đồng bộ các nhiệm vụ bảo vệ môi trường lưu vực sông theo kết luận các Phiên họp của Ủy ban Bảo vệ môi trường lưu vực sông Cầu. Đồng thời tăng cường nguồn lực tài chính cho bảo vệ môi trường: ngoài nguồn vốn ngân sách nhà nước còn phải huy động các nguồn vốn của các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trong hoạt động xử lý ô nhiễm môi trường trên lưu vực sông…
Mỗi địa phương tiếp tục tập trung lựa chọn những nhiệm vụ, hoạt động thực sự cụ thể và cấp thiết, đưa vào chương trình hoạt động trong từng năm, cụ thể như: quản lý, kiểm soát ô nhiễm làng nghề, trong đó trọng tâm là kiểm soát và xử lý nước thải cụm công nghiệp, làng nghề; quản lý và xử lý chất thải rắn sinh hoạt; quản lý và kiểm soát chặt chẽ các dự án có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Đồng thời xây dựng, ban hành và tổ chức thực hiện có hiệu quả hệ thống cơ chế, chính sách với các giải pháp khả thi nhằm ngăn chặn mức độ gia tăng ô nhiễm, phục hồi, bảo vệ, tái tạo và phát triển tài nguyên môi trường lưu vực sông Cầu.
Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì phối hợp với các cơ quan liên quan của địa phương tiến hành thống kê toàn bộ nguồn nước thải trên địa bàn; xây dựng cơ sở dữ liệu các nguồn nước thải trên lưu vực sông; rà soát, đánh giá, khoanh vùng các nguồn nước thải lớn, tiềm ẩn rủi ro gây ra sự cố môi trường và áp dụng các biện pháp kiểm soát chặt chẽ.
Trong năm 2016 và 2018, Ủy ban Bảo vệ môi trường lưu vực sông Cầu đã phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường thành lập đoàn công tác đi kiểm tra, khảo sát tình hình thực tế nhằm giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường nước sông Cầu đoạn giáp ranh 02 tỉnh Bắc Ninh và Bắc Giang. Đoàn công tác đã tiến hành kiểm tra dọc sông Ngũ Huyện Khê, làng nghề sản xuất giấy Phong Khê, hệ thống xử lý nước thải làng nghề Phong Khê, Cống Đặng Xá, ngã ba sông Ngũ Huyện Khê đổ ra sông Cầu thuộc tỉnh Bắc Ninh và khu vực cuối nguồn thuộc xã Đồng Phúc, huyện Yên Dũng thuộc tỉnh Bắc Giang. |