Môi trường

Chú trọng an toàn sinh học để giảm thiệt hại trong chăn nuôi

Trung Nguyên 28/06/2024 - 17:23

(TN&MT) - Lợn là loài vật nuôi phổ biến trong các chương trình hỗ trợ giảm nghèo, phát triển sinh kế của nhiều địa phương. Tuy nhiên, kể từ năm 2019 đến nay, dịch bệnh này đã gây ra rất nhiều thiệt hại, nhất là với các hộ chăn nuôi nhỏ hiện đang chiếm tỉ lệ 99,8% toàn ngành.

Nhằm tìm giải pháp tăng khả năng phòng chống dịch bệnh này, Viện Chăn nuôi đã phối hợp cùng Cơ quan khoa học quốc gia Australia - CSIRO và Đại học Charles Sturt (Australia) vừa tiến hành nghiên cứu trên đàn lợn tại 3 tỉnh Bắc Giang, Hòa Bình và Hà Nam. Với cách tiếp cận đa chiều, nghiên cứu đã thu thập dữ liệu và đánh giá những lỗ hổng về an toàn sinh học, cũng như khả năng tái đàn của các hộ chăn nuôi.

Dịch bệnh hoành hành dữ dội

Báo cáo của Cục Thú y (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), từ đầu năm 2024 đến nay, bệnh dịch tả lợn châu Phi xảy ra trầm trọng và đang diễn biến phức tạp ở trên 90% địa phương cấp xã của tất cả 8/8 địa bàn cấp huyện của tỉnh Bắc Kạn, buộc tiêu hủy gần 10.000 con lợn, chiếm hơn 40% số lợn bị tiêu hủy do bệnh dịch tả lợn châu Phi của cả nước.

240.jpg
Nhiều hộ dân thiệt hại nặng nề do lợn nhiễm dịch

Trong khi đó, tại tỉnh Lạng Sơn, bệnh dịch tả lợn châu Phi cũng đang diễn biến phức tạp ở gần 50% địa phương cấp xã của tất cả 10/11 địa bàn cấp huyện của tỉnh Lạng Sơn, buộc tiêu hủy gần 4.000 con lợn, chiếm gần 17% số lợn bị tiêu hủy do dịch tả lợn châu Phi của cả nước. Tại tỉnh Quảng Ninh, bệnh dịch tả lợn châu Phi đã bùng phát và lây lan tại 23 địa phương cấp xã của 7/13 địa bàn cấp huyện của tỉnh Quảng Ninh, buộc tiêu hủy gần 1.600 con lợn. Còn tại Hòa Bình, bệnh dịch tả lợn châu Phi xảy ra ở 18 địa phương cấp xã của 6/11 địa bàn cấp huyện của tỉnh Hòa Bình, buộc tiêu hủy gần 1.300 con lợn.

Nguyên nhân chủ yếu là do địa phương chưa công bố dịch cấp huyện, cấp tỉnh và tổ chức chống dịch theo đúng quy định. Vẫn còn tình trạng người dân bán chạy lợn bệnh, nghi mắc bệnh, người mua lợn và phương tiện vận chuyển lợn làm dịch bệnh lây lan diện rộng. Qua đánh giá sơ bộ, hầu hết người chăn nuôi chưa áp dụng nghiêm ngặt các biện pháp vệ sinh phòng bệnh, sát trùng, tiêu độc và chăn nuôi an toàn sinh học. Mặc dù đã có vaccine dịch tả lợn châu Phi và một số địa phương cũng như một số hộ chăn nuôi đã sử dụng, cho kết quả rất tốt, bảo vệ được đàn lợn, nhưng trên 99% các đàn lợn thịt không được tiêm phòng vaccine.

Đặc biệt, vấn đề lỗ hổng trong chăn nuôi không đảm bảo an toàn sinh học từng được làm rõ trong nghiên cứu của Viện chăn nuôi và các đối tác. Nghiên cứu tiến hành trên 160 hộ chăn nuôi lợn tại 3 tỉnh cho thấy, phần lớn các hộ chăn nuôi đề xây dựng hệ thống chuồng mở với nguy cơ nhiễm bệnh cao. 65% hộ chăn nuôi không xử lý chất thải lỏng và 67,5% hộ không xử lý chất thải rắn. Nguồn nước uống và thức ăn không được đánh giá tình trạng nhiễm vi sinh vật.

untitled.png
Thu nhập từ chăn nuôi lớn chiếm phần lớn thu nhập của nhiều hộ dân

Sau khi xảy ra dịch, người chăn nuôi đã nâng cao nhận thức về an toàn sinh học trong chăn nuôi. Tuy nhiên, vẫn còn bất cập trong việc áp dụng an toàn sinh học trong chăn nuôi lợn hộ gia đình như: Khoảng cách giữa các trại lợn quá gần (dưới 500m), người nuôi thiếu kiểm soát việc dọn dẹp, khử trùng phương tiện, thiết bị, sử dụng nguồn thức ăn thừa, khó kiểm soát các loài vật gây hại trung gian...

Kết quả phân tích cũng chỉ ra tỉ lệ thu nhập từ chăn nuôi lợn trong tổng thu nhập của hộ nông dân tỉ lệ nghịch với khả năng dễ nhiễm bệnh. Đối với một trang trại luôn làm sạch và khử trùng các phương tiện vào trang trại, thường xuyên kiểm tra chất lượng nước, nguy cơ lây nhiễm sẽ ít hơn so với một trang trại khác không làm như vậy.

Kết nối triển khai giải pháp an toàn sinh học

Việc tăng cường an toàn sinh học được xem là biện pháp phòng vệ tuyến đầu chống lại tả lợn châu Phi cũng như các dịch bệnh khác trên đàn lợn. Trong tháng 6/2024, Chương trình Aus4Innovation (thuộc Chính phủ Australia) và Viện Chăn nuôi đã thành lập Liên minh Đổi mới sáng tạo trong chăn nuôi lợn an toàn sinh học nhằm bảo vệ ngành chăn nuôi lợn tại Việt Nam.

pic1.jpg
Lễ ra mắt Liên minh Đổi mới sáng tạo trong chăn nuôi lợn an toàn sinh học

Thông qua hoạt động khảo sát, đánh giá thực tiễn, Liên minh sẽ thiết kế các giải pháp thực hành nâng cao hiệu quả an toàn sinh học ở cả cấp cộng đồng và cấp quốc gia. Cùng với hội thảo chia sẻ trực tiếp, trực tuyến, Liên minh sẽ thành lập và duy trì các nhóm trên nền tảng Zalo, nhằm kết nối chia sẻ thông tin nhanh chóng, độ phủ sóng rộng với số lượng thành viên lên đến 1.000 người và hoàn toàn miễn phí. Ngoài ra, thông tin còn được đăng tải rộng rãi trên các nền tảng website, mạng xã hội. Qua đó, sẽ càng có nhiều người chăn nuôi tiếp cận thông tin, giúp tạo ra sự thay đổi lớn về nhận thức và hành động, coi thực hiện an toàn sinh học là công việc hàng ngày.

Theo Tiến sĩ Phạm Công Thiếu, Viện trưởng Viện Chăn nuôi, việc ra mắt Liên minh đánh dấu một bước tiến tích cực nhằm nâng cao tiêu chuẩn chăn nuôi lợn của Việt Nam. Mặt khác, nghiên cứu vừa thực hiện cũng đã cung cấp những tư liệu đầu vào quan trọng giúp phát triển các công cụ đánh giá tính dễ bị tổn thương và khả năng phục hồi trước dịch bệnh, góp phần đáng kể vào nỗ lực chung trong việc bảo vệ ngành chăn nuôi lợn.

picture2(1).jpg
Tuyên truyền thực hiện chăn nuôi an toàn sinh học đến người dân

“Tại Việt Nam thịt lợn là thực phẩm chính trong bữa ăn của người Việt, do đó chăn nuôi lợn luôn giữ vững vị trí hàng đầu trong ngành Chăn nuôi Việt Nam. Tuy nhiên, phần lớn các cơ sở chăn nuôi lợn hiện nay vẫn thuộc quy mô nông hộ vừa và nhỏ, vì vậy, việc nâng cao nhận thức và tầm quan trọng của chăn nuôi lợn an toàn sinh học cho các hộ nông dân là cực kỳ cần thiết và là hướng đi đúng đắn”, ông Thiếu nhấn mạnh.

Chia sẻ về sáng kiến này, theo ông Andrew Goledzinowski, Đại sứ Australia tại Việt Nam nhận định, Việc áp dụng các thực hành an toàn sinh học mang tính đổi mới sáng tạo không chỉ đóng vai trò then chốt trong việc cải thiện sinh kế của nông dân, mà còn đảm bảo khả năng phục hồi của chuỗi cung ứng thực phẩm và giúp quản lý các tác động môi trường.

Cùng với hỗ trợ tài chính và chuyên gia, tư vấn nghiên cứu các thực hành tốt, Cơ quan khoa học quốc gia Australia – CSIRO sẽ tạo điều kiện và thúc đẩy thương mại hóa thành công các kết quả nghiên cứu giữa Việt Nam-Australia. Hai thành quả này cũng tạo tiền đề cho các giải pháp và chính sách đổi mới sáng tạo nhằm đảm bảo sinh kế của các hộ chăn nuôi nhỏ, thúc đẩy an toàn thực phẩm và tăng cường khả năng phục hồi của ngành trước dịch bệnh.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chú trọng an toàn sinh học để giảm thiệt hại trong chăn nuôi
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO